Hình ảnh trên kính hiển vi điện tử về SARS-CoV-2, virus gây bệnh COVID-19, được phân lập từ một bệnh nhân ở Mỹ. (Ảnh: Reuters)
Biến thể Omicron (biến chủng B.1.1.529) đã dẫn tới hàng loạt hạn chế đi lại tại nhiều quốc gia trong bối cảnh dấy lên lo ngại rằng, các loại vaccine COVID-19 hiện có sẽ không thể ngăn chặn được biến thể này.
"Biến thể đáng lo ngại" mới của COVID-19
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã triệu tập một cuộc họp khẩn vào ngày 26/11 để thảo luận về biến thể virus được đặt tên là Omicron, trước đây được gọi là B.1.1.529, và phân loại chủng này là một "biến thể đáng lo ngại".
WHO kết luận: "Bằng chứng sơ bộ cho thấy, nguy cơ tái nhiễm với biến thể này tăng lên so với các chủng khác". Mặc dù vẫn còn rất ít thông tin về Omicron, trưởng nhóm khoa học của WHO, Soumya Swaminathan lưu ý rằng, biến thể này mang "một số đột biến đáng lo ngại" có thể khiến chủng virus trên dễ lây nhiễm hơn bất kỳ biến chủng nào được quan sát thấy trước đây.
Biến thể với "hàng tá đột biến đáng lo ngại"
Số lượng lớn các đột biến của Omicron đã làm dấy lên lo ngại rằng, biến thể mới có thể kháng với các loại vaccine COVID-19 và phương pháp điều trị hiện có, đặc biệt là khi các loại vaccine hiện có đã được chứng minh là giảm dần hiệu quả theo thời gian đối với các biến thể khác được quan tâm.
Một yếu tố quyết định chính trong khả năng lây truyền của virus là sự tiến hóa của các "protein đột biến", những phần lồi cực nhỏ cho phép virus tiếp cận và tấn công các tế bào vật chủ, gây nhiễm bệnh. Một chủng virus, được phát hiện ở Nam Phi vào tháng 5/2020 và được gọi là Beta, có 3 đột biến quan trọng trong vùng tăng đột biến của nó, giúp biến thể có khả năng lây nhiễm cao hơn từ 20 đến 30%. Mặt khác, Omicron được cho là có ít nhất 32 đột biến.
Omicron đã tràn vào các lục địa
Những trường hợp nhiễm Omicron đầu tiên được xác định tại Botswana ở châu Phi vào ngày 11/11, tiếp theo là các ca nhiễm bệnh được phát hiện ở Nam Phi chỉ vài ngày sau đó. Kể từ đó, theo các nhà dịch tễ học địa phương, Omicron được cho là gây ra 90% số ca lây nhiễm mới ở vùng Gauteng của Nam Phi.
Hong Kong đã ghi nhận trường hợp nhiễm Omicron đầu tiên vào ngày 25/11, trong khi Israel báo cáo ca mắc từ một du khách trở về từ Malawi vào ngày 26/11 và hiện đang theo dõi hai bệnh nhân nghi ngờ khác. Điều này cho thấy, chủng virus này đang nhanh chóng lan rộng ra ngoài miền Nam châu Phi, nơi biến thể được phát hiện lần đầu tiên.
Biến thể Omicron đang dần lan truyền ra nhiều khu vực, gây lo ngại trên toàn thế giới. (Ảnh: RT)
Biến thể mới "tấn công" châu Âu
Bỉ đã trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên phát hiện ca nhiễm Omicron vào ngày 26/11. Phát hiện này đã gây báo động trên khắp châu Âu. Trong đó, Cơ quan An ninh y tế của Vương quốc Anh coi Omicron là "biến thể tồi tệ nhất mà chúng tôi từng thấy cho đến nay".
Hàng loạt lệnh cấm nhập cảnh, việc đi lại "tê liệt"
Ngày 26/11, Italy, Pháp, Hà Lan, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Đức và Cộng hòa Czech, một số quốc gia thuộc châu Âu khác đã áp đặt lệnh cấm đi lại mới. Nga cũng đã gia nhập danh sách các quốc gia ban hành lệnh cấm du lịch mới, cùng với Mỹ, Philippines, Malaysia, Nhật Bản, Singapore, Brazil và Bahrain.
Mặc dù WHO đã cảnh báo không nên "hành động quá vội vàng" với các lệnh cấm đi lại, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen đã kêu gọi đình chỉ tất cả các chuyến bay đến và đi từ các quốc gia có trường hợp nhiễm biến thể mới, cho đến khi các quan chức y tế hiểu rõ hơn về loại bệnh này.
Và điều gì sẽ diễn ra tiếp theo?
Mặc dù Omicron đã tạo ra "làn sóng" gây rúng động lớn trên khắp thế giới, tác động đến thị trường chứng khoán toàn cầu và du lịch quốc tế nhưng vẫn còn nhiều điều cần phải tìm hiểu về biến thể mới này và mối nguy hiểm mà nó gây ra.
Hiện các nhà khoa học đã nắm khoảng 100 trình tự gene đầy đủ để xem xét vào ngày 25/11. Trưởng nhóm kỹ thuật của WHO về COVID-19, Tiến sĩ Maria Van Kerkhove, cho biết, có thể mất vài tuần trước khi thu thập được thông tin chi tiết về chủng này và các đột biến của nó. Tuy nhiên, mục tiêu cao trong chương trình nghị sự là xác định liệu Omicron có kháng lại các loại vaccine hiện có hay không, nền tảng mà nhiều quốc gia đã dựa vào để hạn chế sự bùng phát của COVID-19 và tiến tới chấm dứt đại dịch.
Một số hãng dược phẩm lớn trên thế giới đã gấp rút đưa ra các chiến lược về cách ứng phó với chủng virus mới, trong số đó có Pfizer, BioNTech, Moderna và Johnson & Johnson, mỗi công ty đều tuyên bố đang theo dõi chặt chẽ Omicron, tìm cách thay đổi vaccine và việc tiêm vaccine hiện nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!