Châu Âu căng thẳng trong làn sóng dịch thứ 4, siêu biến thể B.1.1.529 có thể gây ra các đợt bùng phát dịch

Quỳnh Chi (Theo Worldometers)-Thứ bảy, ngày 27/11/2021 06:20 GMT+7

Hơn 260,76 triệu người trên thế giới đã nhiễm virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)

VTV.vn - Đến sáng 27/11, thế giới có trên 260,76 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 5,2 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 49 triệu ca mắc và gần 798.900 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm 18.550 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 26/11, nước này ghi nhận 10.549 ca mắc mới. Hiện tổng cộng trên 34,5 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 467.400 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.

Ấn Độ đã đưa ra khuyến cáo cho tất cả các bang về việc kiểm tra và sàng lọc nghiêm ngặt du khách quốc tế đến từ Nam Phi và các quốc gia "có nguy cơ" khác. Khuyến cáo thắt chặt xét nghiệm COVID-19 đối với du khách ở Ấn Độ được đưa ra trong bối cảnh nước này lo ngại về một biến thể virus SARS-CoV-2 mới sau khi nới lỏng một số hạn chế đi lại vào đầu tháng 11 này. Bộ Y tế liên bang Ấn Độ cho biết, theo các báo cáo, đột biến trong biến thể mới, được xác định là B.1.1.529, có "tác động nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng".

Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với gần 613.700 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 22 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Những diễn biến mới nhất tại châu Âu chính là lời nhắc nhở rằng, đại dịch COVID-19 còn lâu mới kết thúc. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tổng số người châu Âu tử vong do đại dịch COVID-19 có thể chạm mốc 2,2 triệu ca trong mùa đông năm nay, tính đến tháng 3/2022, nghĩa là tăng thêm khoảng 700.000 trường hợp với hiện nay. Trong số hơn nửa triệu ca mắc mới COVID-19 được ghi nhận trong 24 giờ qua trên toàn thế giới, riêng châu Âu chiếm tới 80%.

Những con số đáng báo động, cho thấy tình hình dịch ở châu Âu vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp. Quá tải hệ thống y tế vì COVID-19 là câu chuyện lặp đi lặp lại tại các quốc gia châu Âu trong 2 năm qua. WHO chỉ ra rằng, lỗ hổng về tiêm chủng là một trong các nguyên nhân khiến làn sóng dịch COVID-19 lần này tại châu Âu trở nên căng thẳng như vậy. Chưa tới 70% dân số tại EU đã tiêm đủ liều và tỷ lệ tiêm giữa các nước cũng chưa đồng đều. Những người chưa tiêm chủng chiếm phần lớn các ca nhập viện và tử vong trong làn sóng dịch này.

Bên cạnh đó, việc nhiều nước nới lỏng các biện pháp kiểm dịch cơ bản như đeo khẩu trang, giãn cách tại địa điểm công cộng cũng tạo cơ hội cho virus lây lan. Khi mùa đông và mùa Giáng sinh đến gần, sự chủ quan của người dân cũng khiến dịch bệnh trở nên khó kiểm soát.

Hà Lan phải hoãn phẫu thuật cho bệnh nhân ung thư và bệnh tim để lập phòng chăm sóc đặc biệt cho bệnh nhân COVID-19. Thậm chí, quốc gia này còn phải chuyển bớt bệnh nhân sang Đức vì quá tải.

Trong khi đó, hệ thống y tế của Đức cũng đang quá tải khi số ca mắc mới cứ mỗi 12 ngày lại tăng gấp đôi. Ngày hôm qua, 25/11, Đức đã ghi nhận cột mốc mới về số ca tử vong vì COVID-19. Chính phủ Đức không cho phép những người chưa tiêm chủng hoặc không có giấy chứng nhận âm tính với COVID-19 được quyền sử dụng các phương tiện giao thông công cộng như tàu điện.

Ngày 26/11, Viện Robert Koch (RKI) thông báo, trong 24 giờ qua, trên toàn nước Đức ghi nhận hơn 76.000 ca mắc mới COVID-19, mức cao nhất từ trước đến nay, và 357 ca tử vong. Tỷ lệ lây nhiễm trung bình trong 7 ngày qua là 438 ca/100.000 dân, mức cao nhất cho tới nay và gấp gần 4 lần so với một tháng trước đó. Nhiều bang tại Đức liên tiếp ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức cao, khiến hệ thống y tế đứng trước nguy cơ quá tải. Nhiều chính trị gia tại Đức kêu gọi có thêm những biện pháp để đẩy lùi dịch bệnh, trong đó cần tính đến tái áp đặt phong tỏa toàn quốc. Hiện Đức đã tiêm chủng đầy đủ cho hơn 68% dân số. Trong bối cảnh đó, nhiều chính trị gia Đức cho biết không loại trừ khả năng tái áp đặt phong tỏa trong thời gian tới.

Chính phủ Italy tuyên bố, từ ngày 4/12, chỉ những người đã tiêm vaccine COVID-19 hoặc đã có kháng thể sau khi hồi phục COVID-19 mới được đến các quán ăn trong nhà, vào rạp chiếu phim hoặc tham gia các sự kiện thể thao.

Áo thậm chí còn mạnh tay hơn khi tuyên bố áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc từ ngày 22/11 và trở thành quốc gia đầu tiên tại châu Âu bắt buộc người dân phải tiêm vaccine từ ngày 1/2/2022.

Châu Âu căng thẳng trong làn sóng dịch thứ 4,  siêu biến thể B.1.1.529 có thể gây ra các đợt bùng phát dịch - Ảnh 1.

Biến thể B.1.1.529 gây lo ngại trên toàn cầu hiện đã xuất hiện ở một số quốc gia và vùng lãnh thổ. (Ảnh: AP)

Biến thể mới B.1.1.529, đang lây lan tại Nam Phi, là biến thể đáng lưu ý nhất được phát hiện cho đến nay kể từ sau biến thể Delta. Biến thể B.1.1.529 được cho là có khả năng lây nhiễm và kháng kháng thể mạnh hơn các biến thể trước đây. Các nhà khoa học cho rằng, biến thể mới này có số lượng đột biến rất cao, thậm chí cao gấp đôi so với biến thể Delta và có nguy cơ gây ra các đợt bùng phát dịch trong tương lai bằng cách né tránh hệ miễn dịch của cơ thể.

Theo cảnh báo được WHO đưa ra vào ngày 26/11, biến thể mới virus SARS-CoV-2 đang lây lan tại Nam Phi là đáng quan ngại. WHO vẫn đang nghiên cứu cách thức lây lan, tác động của biến thể mới đến các phương pháp điều trị và vaccine hiện nay. Quá trình nghiên cứu có thể kéo dài vài tuần. Trước mắt, WHO kêu gọi các nước nên tiếp tục áp dụng cách tiếp cận khoa học và đánh giá rủi ro khi thực thi các biện pháp hạn chế đi lại. Hiện, nhiều nước đã ban hành lệnh tạm thời ngừng nhập cảnh từ Nam Phi và một số nước lân cận.

Điều đáng lo ngại là biến thể mới B.1.1.529 có protein gai khác hẳn protein ở chủng gốc, trong khi các loại vaccine ngừa COVID-19 hiện nay đều được bào chế dựa trên protein ở chủng virus gốc. Việc biến thể mới B.1.1.529 của virus SARS-CoV-2 lần đầu phát hiện tại châu Phi có số lượng đột biến rất cao đã khiến nhiều nước quan ngại về nguy cơ lây lan của biến thể này và nhanh chóng đưa ra các biện pháp hạn chế.

Ngày 26/11, Anh và Israel đã hạn chế nhập cảnh đối với du khách từ một số quốc gia châu Phi Chính phủ Anh thông báo đưa thêm 6 quốc gia châu Phi gồm Nam Phi, Namibia, Lesotho, Eswatini, Zimbabwe và Botswana vào "danh sách đỏ" về hoạt động đi lại. Từ ngày 26/11, Anh sẽ tạm đình chỉ các chuyến bay đến từ 6 quốc gia châu Phi này và những du khách Anh trở về từ 6 quốc gia này sẽ phải cách ly.

Tương tự, 6 quốc gia trên và Mozambique cũng đã được đưa vào diện "cảnh báo đỏ" tại Israel liên quan đến dịch bệnh COVID-19. Những người nước ngoài đến từ 7 quốc gia này sẽ không được phép nhập cảnh vào Israel. Người dân Israel trở về từ 7 quốc gia châu Phi trên sẽ phải cách ly bắt buộc trong vòng 7 ngày, ngay cả khi đã tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19.

Bộ Y tế Israel ngày 26/11 thông báo đã phát hiện trường hợp đầu tiên tại nước này siêu nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2, là một công dân đi du lịch nước ngoài trở về từ Malawi, châu Phi.

Czech hiện là quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm cao hàng đầu châu lục, buộc Chính phủ nước này phải ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 30 ngày từ ngày 25/11. Lệnh tình trạng khẩn cấp cho phép Chính phủ yêu cầu các nhà hàng, quán bar và câu lạc bộ kể từ ngày 26/11 phải đóng cửa vào lúc 22h hàng ngày và hạn chế các hoạt động tụ họp. Quy định mới cũng bao gồm việc giới hạn 1.000 người tham gia các sự kiện thể thao hay văn hóa. Các chợ Giáng sinh năm nay sẽ tạm ngừng hoạt động. Những người trên 60 tuổi được kêu gọi hạn chế các hoạt động tiếp xúc ở mức tối thiểu.

Ngày 26/11, Czech ghi nhận 27.717 ca mắc mới. Đến nay, tổng cộng trên 2 triệu người ở nước này đã nhiễm COVID-19, bao gồm hơn 32.600 người thiệt mạng.

Tại Bồ Đào Nha, để ngăn chặn tình trạng tăng mạnh số ca mắc mới, Chính phủ nước này đã quyết định tái áp đặt một số quy định hạn chế. Từ tháng 12, mọi hành khách đến nước này theo đường hàng không đều phải xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2, kể cả đối với những người đã được tiêm chủng đầy đủ. Hãng hàng không nào vi phạm sẽ bị phạt 20.000 Euro (hơn 500 triệu đồng) cho mỗi hành khách.

Bên cạnh đó, những người đã được tiêm chủng đầy đủ cũng phải xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính khi vào các hộp đêm, quán bar, những sự kiện lớn và viện dưỡng lão. Ngoài ra, quy định bắt buộc đeo khẩu trang cũng được tái áp đặt tại những không gian trong nhà.

Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) ngày 26/11 đã dỡ bỏ lệnh giới nghiêm ban đêm tại 6 tỉnh cuối cùng, đồng thời thời nới lỏng thêm các quy định phòng chống dịch bệnh nhằm khôi phục nền kinh tế và ngành du lịch.

Châu Âu căng thẳng trong làn sóng dịch thứ 4,  siêu biến thể B.1.1.529 có thể gây ra các đợt bùng phát dịch - Ảnh 2.

Thái Lan đã nới lỏng thêm các quy định phòng chống dịch bệnh. (Ảnh: AP)

Người phát ngôn CCSA Taweesilp Visanuyothin cho biết, lực lượng đặc trách chống COVID-19 sẽ loại các tỉnh Tak, Nakhon Si Thammarat, Pattani, Yala, Narathiwat và Songkhla khỏi danh sách kiểm soát tối đa từ ngày 1/12 tới, đồng thời dỡ bỏ lệnh giới nghiêm ban đêm ở những địa phương này.

Kể từ tháng 12 tới, Thái Lan cũng sẽ cho phép khách du lịch nhập cảnh bằng đường bộ và đường biển, thay đổi phương pháp xét nghiệm COVID-19 đối với du khách bằng đường hàng không và cho phép du khách đến thăm nhiều tỉnh hơn.

Ngày 26/11, Cơ quan Hàng không dân dụng Singapore (CAAS) cho biết, nước này sẽ triển khai "làn đi lại" cho người đã tiêm đủ vaccine (VTL) với thêm 6 quốc gia gồm Thái Lan, Campuchia, Fiji, Maldives, Sri Lanka và Thổ Nhĩ Kỳ. Với quyết định mới nói trên, tới nay Singapore đã mở cửa trở lại với tổng cộng 27 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trước đại dịch COVID-19, du khách từ 27 điểm đến này chiếm khoảng 60% tổng lượng khách nhập cảnh tại sân bay Changi mỗi ngày.

CAAS cho biết, du khách từ Thái Lan sẽ được phép nhập cảnh vào Singapore theo VTL từ ngày 14/12 tới. Trong khi đó, du khách từ Campuchia, Fiji, Maldives, Sri Lanka và Thổ Nhĩ Kỳ được phép nhập cảnh vào đảo quốc này từ ngày 16/12 tới. Hành khách đi theo làn VTL sẽ không phải cách ly nếu có kết quả xét nghiệm âm tính tại sân bay Changi. Trẻ em dưới 12 tuổi chưa tiêm chủng được nhập cảnh nếu đi cùng người lớn.

Từ ngày 1/12 tới, Philippines sẽ thử nghiệm mở cửa lại biên giới cho khách du lịch từ một số quốc gia, một phần nỗ lực phục hồi kinh tế do đại dịch COVID-19. Du khách đã tiêm vaccine từ các quốc gia được coi là có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 thấp sẽ được phép nhập cảnh trong khoảng thời gian 15 ngày đầu tiên của đợt này và có thể được gia hạn. Philippines đã đóng cửa biên giới với du khách quốc tế từ năm 2020. Hiện gần 70% nền kinh tế, bao gồm 23 triệu lao động, vẫn phải tuân thủ các biện pháp hạn chế phòng dịch nghiêm ngặt. Dịch bệnh được nhận định sẽ khiến kinh tế Philippines mất hơn 1 thập niên để trở lại mức tăng trưởng trước đại dịch.

Ngày 26/11, Lào đã phê chuẩn việc tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 tăng cường cho lực lượng tuyến đầu bằng vaccine của hãng dược phẩm AstraZeneca với điều kiện những người này đã tiêm đủ 2 mũi tối thiểu được 5 tháng.

Tình hình dịch bệnh tại nước này tiếp tục diễn biến phức tạp khi số ca mắc mới COVID-19 gia tăng mỗi ngày. Trong 24 giờ qua, Lào ghi nhận 1.510 ca mắc mới COVID-19 tại 18 tỉnh thành phố và 4 người tử vong do COVID-19, trong đó có chỉ có 1 trường hợp nhập cảnh. Đây là ngày thứ 2 liên tiếp số ca nhiễm mới theo ngày tại Lào lập mốc mới kể từ đầu dịch.

Đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào đã lên tới 68.832 ca, trong đó có 147 người tử vong. Bộ Y tế Lào cho biết, tỷ lệ lây nhiễm chung của nước này trong 24 giờ qua là gần 27% (5.627 mẫu xét nghiệm), riêng tại thủ đô Vientiane, con số này là 34,6%. Hầu hết các ca tử vong do COVID-19 tại nước này đều chưa được tiêm vaccine.

Ngày 26/11, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết, thành phố Thượng Hải đã phát hiện 3 trường hợp mắc COVID-19 trong cộng đồng với các triệu chứng được xác nhận vào ngày 25/11. Lần phát hiện trường hợp nhiễm bệnh có triệu chứng trong cộng đồng gần đây nhất ở Thượng Hải đã được báo cáo vào tháng 8. Hơn 500 chuyến bay cùng nhiều trường học và hoạt động du lịch của nhiều đoàn khách ở thành phố trong ngày 26/11 buộc phải hủy bỏ. Hiện ở Thượng Hải có 6 bệnh viện thông báo ngừng các dịch vụ khám chữa bệnh ngoại trú.

Thành phố Từ Châu (ở phía Đông tỉnh Giang Tô, cách thành phố Thượng Hải khoảng 9 giờ lái xe) đã báo cáo một người mắc COVID-19 không triệu chứng vào ngày 25/11. Người này có tiếp xúc gần với bệnh nhân ở thành phố Thượng Hải. Thành phố Hàng Châu ở phía Đông tỉnh Chiết Giang cũng đã phát hiện hai ca nhiễm bệnh không triệu chứng tại địa phương này vào ngày 25/11.

Tính đến ngày 26/11, Trung Quốc đại lục đã báo cáo tổng cộng 98.583 trường hợp mắc, bao gồm cả người dân trong nước và người nhập cảnh từ nước ngoài. Tổng số người tử vong do COVID-19 ở nước này là 4.636 trường hợp.

Biến thể mới 'siêu đột biến' của virus SARS-CoV-2 nguy hiểm như thế nào? Biến thể mới "siêu đột biến" của virus SARS-CoV-2 nguy hiểm như thế nào? CH Czech: Quán bar, nhà hàng phải đóng cửa sớm, Tổng thống nhập viện vì COVID-19 CH Czech: Quán bar, nhà hàng phải đóng cửa sớm, Tổng thống nhập viện vì COVID-19 Nhiều địa phương ở Trung Quốc có ca mắc COVID-19 mới, thành phố Thượng Hải cắt giảm du lịch Nhiều địa phương ở Trung Quốc có ca mắc COVID-19 mới, thành phố Thượng Hải cắt giảm du lịch

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước