Ông Lý Quang Diệu là kiến trúc sư trưởng của tất cả những thay đổi trong hệ thống chính trị của Singapore trong hơn 3 thập kỷ.
Bài học về sự tự lực
Ông Lý Quang Diệu (16/9/1923) trở thành thủ tướng Singapore vào năm 1959. Khi đó, hòn đảo còn là thuộc địa của Anh, rồi sáp nhập vào Malaysia, cho đến khi chính thức tách riêng thành nước Cộng hòa Singapore năm 1965. Dù rời ghế thủ tướng vào năm 1990 sau 31 năm cầm quyền, ông Lý vẫn là một gương mặt chính trị nổi bật, có sức ảnh hưởng lớn tới đời sống chính trị tại Singapore.
Dưới bàn tay của ông Lý Quang Diệu, từ một hòn đảo trắng về tài nguyên, Singapore trở thành một quốc gia giàu có.
“Singapore không phải là một đất nước tự nhiên mà là một đất nước do con người tạo nên, một trạm mậu dịch mà người Anh đã phát triển thành một điểm nút trong một đế quốc hàng hải rộng khắp thế giới. Chúng tôi thừa hưởng một hòn đảo mà không có phần nội địa, một trái tim không thể xác”, ông Lý Quang Diệu nói về những trở ngại của Singapore buổi đầu lập quốc trong cuốn hồi ký Lịch sử Singapore 1965-2000: Bí quyết hóa rồng.
Quá trình chuyển mình của Singapore là tập hợp những chiến lược đột phá, chưa từng có trong lịch sử. Điển hình như việc ông Lý Quang Diệu thẳng thừng từ chối những khoản viện trợ nước ngoài để kích thích ý chí của nhân dân. “Thế giới không ai nợ nần chúng ta. Chúng ta không thể cầm bát đi ăn mày để sống", nhà lập quốc của Singapore nói.
Thay vì nhận sự hỗ trợ, chính phủ Singapore tận dụng những tài sản mà quân Anh để lại, biến chúng thành khu công nghiệp, điểm du lịch, bỏ qua các nước châu Á láng giềng để mời gọi đầu tư từ phương Tây. Tinh thần tự lực ấy là một trong những yếu tố tạo nên thành công của nền kinh tế của Singapore. Đó cũng là thành công của ông Lý Quang Diệu.
Di sản mà ông Lý Quang Diệu đã để lại cho Singapore quá lớn với những dấu ấn đậm nét trong hầu hết mọi sắc thái của đời sống kinh tế, chính trị xã hội. Trong suốt 31 năm trên cương vị thủ tướng, ông Lý là kiến trúc sư trưởng của tất cả những thay đổi trong hệ thống chính trị phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh đặc thù của một quốc gia bé nhỏ, mật độ dân số cao, không tài nguyên, một hòn đảo lẻ loi không có đất liền với người dân đủ mọi thành phần sắc tộc, tôn giáo và văn hóa.
Dù rời ghế thủ tướng vào năm 1990 sau 31 năm nắm quyền, ông Lý Quang Diệu vẫn giữ trọng trách là Bộ trưởng Cao cấp và là người cố vấn trong chính phủ. Những ý kiến của ông Lý Quang Diệu vẫn nhận sự tán đồng to lớn từ quốc hội và người dân tại đảo quốc. Ông cũng sẵn lòng sử dụng tầm ảnh hướng ấy khi cần thiết.
"Ngay cả khi nằm trên giường bệnh, ngay cả khi các bạn đem tôi đi mai táng, nếu tôi nhận thấy một điều gì sai trái đang diễn ra, tôi sẽ ngồi dậy ngay", ông Lý Quang Diệu phát biểu trong ngày Quốc khánh Singapore năm 1998.
Ông luôn tự hào về những người đã và đang gánh trọng trách phát triển đất nước Singapore. Đó là những người thuộc "nhóm hạng A" theo đánh giá của ông. Khi được hỏi liệu Singapore có cần một cách thức lãnh đạo mới trong tương lai, ông Lý gián tiếp trả lời "Không": "Chúng ta phải có một nhóm hạng A... Chúng ta cần những con người 'hạng nhất' với đầu óc khôn ngoan, có ý thức về trách nhiệm làm việc vì công chúng, có khả năng thực thi".
Trọng dụng nhân tài
Điều gì đã làm nên những kỳ tích mà mọi người dân Singapore ngày nay đều ca ngợi mỗi khi nhắc đến Thủ tướng đầu tiên của họ? Hãy nhìn vào những chính sách mà Thủ tướng Lý Quang Diệu đã kiên trì xây dựng và thực hiện để biến Singapore từ một “vùng đất đầm lầy” thành “thành phố trong mơ”. Có thể nói, chính sách xuyên suốt và quan trọng hàng đầu mà ông Lý Quang Diệu áp dụng (và cho đến tận bây giờ các thế hệ lãnh đạo Singapore vẫn kiên trì theo đuổi) chính là trọng dụng nhân tài.
Tại sao Đảng Nhân dân Hành động (PAP) của ông Lý Quang Diệu lại có thể dẫn dắt được người dân Singapore? Lời đáp chính là việc PAP đã tập hợp được rất nhiều người tài, có học vấn cao. Bản thân Tổng Thư ký Lý Quang Diệu đã tốt nghiệp ngành luật ở trường đại học danh tiếng Cambridge của Anh năm 1949, khi mới 26 tuổi. Thủ tướng thứ hai của Singapore, giai đoạn 1990-2004, ông Goh Chok Tong cũng tốt nghiệp tại Đại học danh tiếng Williams College, Mỹ, chuyên ngành Phát triển Kinh tế.
Quan điểm của ông Lý Quang Diệu về trọng dụng, thu hút nhân tài đã được Singapore thực hiện triệt để, rất có hiệu quả. Không chỉ tập trung đào tạo và phát triển người tài ở trong nước, Singapore còn đẩy mạnh thu hút nhân tài từ khắp nơi trên thế giới, với những chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi để họ làm việc, định cư lâu dài và nhập quốc tịch Singapore dễ dàng.
Ông Lý Quang Diệu và quyết sách dùng tiếng Anh
Một trong những quyết định được cho là “then chốt” để Singapore bắt nhịp sự phát triển của thế giới, đó là chọn tiếng Anh làm một trong bốn loại ngôn ngữ được sử dụng chính thức ở Đảo quốc Sư tử. Ông từng nói: “Nắm vững tiếng Anh, đó là chìa khóa để giành lấy tri thức, công nghệ cao của phương Tây”.
Mặt khác, ông Lý Quang Diệu còn tận dụng ngay bộ máy hành chính mà người Anh đã xây dựng ở Singapore trong hơn 100 năm đô hộ nhằm tiếp thu mọi “di sản” của một nền hành chính hiện đại.
Trong chuyến thăm Việt Nam năm 2007, nguyên Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đã gợi mở nhiều ý tưởng, đặc biệt về vấn đề giáo dục. Ông từng khẳng định với Chủ tịch nước Nguyên Minh Triết rằng: “Nếu thắng trong cuộc đua giáo dục, sẽ thắng trong phát triển kinh tế”.
Theo ông Lý Quang Diệu, chìa khóa để tránh tụt hậu trong thế giới hiện này là tiếng Anh. Ông cho rằng, Việt Nam cần kiên trì đeo đuổi chính sách “nhiều tiếng nói, một ngôn ngữ” để đưa tiếng Anh vào trường học. “Ngày nay, Singapore có lợi thế lớn là nhờ vậy. Đây là phần thưởng ngoài dự đoán của Singapore khi thực hiện quy định này. Việt Nam nên có sách giáo khoa tiếng Anh ở các ngành quan trọng như kỹ thuật, công nghệ... bởi nếu chỉ dùng sách Việt Nam thì chắc chắn sẽ tụt hậu. Nếu tất cả sinh viên Việt Nam sau này không thể nghe và nói tiếng Anh trôi chảy, chỉ có thể đọc thôi cũng đã là tụt hậu”, nguyên Thủ tướng Singapore nhận định.
Ông Lý từng đưa ra nhận định xác đáng khi cho rằng, chính kiến thức đem lại cho bạn cuộc sống tốt đẹp: "Bạn phải xác định rõ ràng rằng kiến thức, học tập và ứng dụng kiến thức vào công việc là cái đem lại cho bạn một cuộc sống tốt. Ngược lại, những ai nghĩ rằng có thể trông cậy vào các mối quan hệ thân sơ, sự luồn lách, gian dối, người đó sẽ gặp trắc trở, bởi đã xem nhẹ việc trau dồi tri thức".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.