Quảng trường Concorde không có người tham quan do thời tiết nắng nóng ở Paris, Pháp, ngày 6/8/2022. (Ảnh: AP)
Một loạt hình thái thời tiết khắc nghiệt trở nên trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu đã gây ảnh hưởng tới các cộng đồng trên toàn cầu trong năm nay, bao gồm nắng nóng nghiêm trọng và hạn hán diễn ra trên khắp châu Âu. Thực trạng này khiến cây trồng héo úa, cháy rừng và các con sông lớn bị thu hẹp thành dòng chảy nhỏ.
Pháp đã ghi nhận nhiệt độ liên tục tăng cao trong các đợt nắng nóng liên tiếp diễn ra từ tháng 5 đến tháng 10, kèm theo các sự kiện cực đoan như cháy rừng ở Tây Bắc Brittany và sóng nhiệt trên biển gây thiệt hại ở Địa Trung Hải.
"Tất cả các tháng trong năm đều ấm hơn bình thường, trừ tháng 1 và tháng 4", Meteo France cho biết trong một tuyên bố.
Nắng nóng bao trùm khu vực bảo tàng Louvre ở Paris, Pháp. (ảnh: Ap)
Meteo France ước tính, nhiệt độ trung bình trong cả năm sẽ trong khoảng từ 14,2oC đến 14,6oC tùy thuộc vào nền nhiệt trong tháng 12. Đó là mức tăng đáng kể so với kỷ lục trước đó 14,07oC được ghi nhận vào năm 2020, mức tăng nhiệt cao nhất kể từ khi các kỷ lục bắt đầu được thống kê vào năm 1990.
Lượng mưa hàng năm dự kiến sẽ thấp hơn 25% so với thông thường, với lượng mưa vào tháng 7 thấp hơn 85% so với mức trung bình. Năm khô hạn nhất ở Pháp là năm 1989, với lượng mưa bị giảm 25%.
Liên Hợp Quốc cho biết, trên toàn cầu, nếu các dự báo cho thời gian còn lại của năm 2022 không thay đổi, mỗi năm trong 8 năm qua sẽ nóng hơn bất kỳ năm nào trước năm 2015.
Trái đất đã nóng lên hơn 1,1 độ C kể từ cuối thế kỷ 19, trong đó các đợt nắng nóng và hạn hán diễn ra trên khắp châu Âu. (Ảnh: AP)
Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) thông tin trong một báo cáo vào tháng 11 rằng Trái đất đã nóng lên hơn 1,1oC kể từ cuối thế kỷ 19, với khoảng một nửa mức tăng đó xảy ra trong 30 năm qua.
Báo cáo tình trạng khí hậu toàn cầu hàng năm của WMO cho thấy, các khí nhà kính, chiếm hơn 95%, gây ra tình trạng khí hậu nóng lên đều ở mức kỷ lục.
Trên dãy Alps ở châu Âu, các kỷ lục về sự tan chảy của sông băng đã bị phá vỡ vào năm 2022, với tổn thất độ dày băng trung bình từ 3 đến hơn 4 mét (từ 9,8 đến hơn 13 feet), mức cao nhất từng được ghi nhận. Thụy Sĩ đã mất hơn 1/3 khối lượng sông băng kể từ năm 2001.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!