Phát hiện tiểu hành tinh nổ thành quả cầu lửa ngoài khơi Philippines

Đàm Linh (Theo Live Science)-Thứ sáu, ngày 06/09/2024 18:48 GMT+7

Tiểu hành tinh nổ trên bầu trời Philippines (Ảnh cắt từ video AFP)

VTV.vn - Một tiểu hành tinh mới rơi xuống Trái đất đã có một kết cục đầy màu sắc và ngoạn mục trên bầu trời Philippines khi phát nổ thành một quả cầu lửa màu xanh lá cây sáng rực.

Theo thông báo của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) và Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), một tiểu hành tinh đường kính 1m đã đi vào bầu khí quyển Trái đất hôm 4/9.

Tiểu hành tinh này đã đi vào khí quyển Trái đất lúc 12h40 ngày 4/9 (theo giờ miền Đông nước Mỹ, tức 23h40 cùng ngày theo giờ Việt Nam) và tạo ra một quả cầu lửa màu xanh lá cây sáng rực ngoài khơi bờ biển phía Đông của Philippines.

Khảo sát Catalina Sky Survey của NASA ban đầu phát hiện ra tiểu hành tinh rộng khoảng 0,9m vào sáng sớm và cảnh báo các cơ quan khác về vụ va chạm sắp xảy ra. Do kích thước tương đối nhỏ, NASA không đưa ra cảnh báo về nguy cơ gây hại cho con người vì tiểu hành tinh có thể có cấu trúc từ đá hoặc kim loại này ​​sẽ tan rã hoàn toàn trong bầu khí quyển.

Phát hiện tiểu hành tinh nổ thành quả cầu lửa ngoài khơi Philippines - Ảnh 1.

NASA phát hiện ra tiểu hành tinh "2024 RW1" từ sáng sớm 4/9, 8 tiếng trước khi nó phát nổ trên bầu trời Philippines (Ảnh: Catalina Sky Survey)

Những bức ảnh và video được các nhân chứng ở Philippines đăng tải trên mạng xã hội cho thấy một vệt màu xanh lá cây tươi sáng kéo dài từ Tây sang Đông vào buổi tối. Tuy nhiên, một số đoạn video do nhiều hãng truyền thông công bố cho phép người xem quan sát rõ hơn quả cầu lửa bùng sáng trên bầu trời.

Được gọi là "2024 RW1", đây là trường hợp thứ 9 mà con người phát hiện ra một tiểu hành tinh trước khi va chạm.

Hồi đầu năm nay, Cơ quan Vũ trụ Châu Âu cũng phát hiện một tiểu hành tinh trên bầu trời châu Âu có kích thước tương đương với "2024 RW1", với một vệt sáng vắt qua bầu trời Tây Berlin của nước Đức.

Các chuyên gia NASA tin rằng các tiểu hành tinh có đường kính khoảng 1m sẽ va chạm với Trái đất khoảng 2 tuần một lần, trong khi các thực thể có đường kính gần 100m sẽ chỉ xảy ra 1 lần sau mỗi 10.000 năm.

Phát hiện tiểu hành tinh nổ thành quả cầu lửa ngoài khơi Philippines - Ảnh 2.

Vụ nổ 2024 RW1 là trường hợp thứ 9 mà con người phát hiện ra một tiểu hành tinh trước khi va chạm (Ảnh: AP)

Vụ va chạm tiểu hành tinh lớn nhất được biết đến trong lịch sử loài người được ghi nhận là sự kiện Tunguska, xảy ra vào năm 1908. Theo NASA, tiểu hành tinh rộng khoảng hơn 50m đã phát nổ trên bầu trời miền Nam nước Nga, quật đổ hàng triệu cây và gây ra các vụ cháy rừng lớn. Do vị trí xa xôi của khu vực này, các nhà khoa học đã không báo cáo sự kiện này cho đến năm 1927.

Quả cầu lửa hôm 4/9 trên bầu trời Đông Nam Á không phải là trường hợp duy nhất về mảnh vỡ không gian được quan sát thấy trên bầu trời trong tuần qua. Vào tuần trước, cư dân ở gần 10 tiểu bang của Mỹ đã báo cáo rằng họ nghe thấy tiếng nổ siêu thanh và nhìn thấy một quả cầu lửa khi nó lao vút qua bầu trời đêm với tốc độ đáng kinh ngạc khoảng 50.372 km/h.

Các chuyên gia về hành tinh ước tính rằng chỉ có khoảng 500 thiên thạch rơi xuống bề mặt Trái đất mỗi năm, với chưa đến 10 thiên thạch trong số đó được thu hồi.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước