Vấn đề rác thải nhựa trá hình trong các lô quần áo quyên góp đang gây ra hậu quả nghiêm trọng cho Kenya, đất nước tiếp nhận khoảng 900 triệu bộ quần áo đã qua sử dụng mỗi năm. (Ảnh: Changing Markets Foundation)
Theo các nhà hoạt động môi trường, những núi quần áo cũ, kém phẩm chất ở thủ đô Nairobi của Kenya phần lớn có xuất xứ từ châu Âu. Chúng ở tình trạng tồi tệ đến mức một nửa phải thải ra bãi rác, và cuối cùng là đổ ra sông gây ô nhiễm nghiêm trọng. Đây là thực trạng báo động cho các chương trình hiến tặng từ thiện.
Những bãi rác này như những vết sẹo dọc ngang khắp Nairobi, thủ đô Kenya. Phần lớn trong số này là những bãi rác hình thành nên từ quần áo cũ được nước ngoài ủng hộ vì mục đích từ thiện. Hầu hết xuất xứ từ các nước Liên minh châu Âu. Các nhóm hoạt động vì môi trường ở Kenya cho biết, quần áo từ thiện này trước khi được cho đi đã qua tay không chỉ 2 mà có lẽ 3 người sử dụng. Tới khi đến Kenya, chúng không thể dùng được nữa, chỉ có thể vứt ra bãi rác.
Đến những người chuyên mót đồ ở bãi rác cũng "đầu hàng".
Chị Susan Kwamboka, ở thành phố Nairobi, cho biết: "Tôi thường đến đây nhặt quần áo thải ra từ chợ đồ cũ. Tôi giặt và bán lại ở khu tôi ở. Nhưng hầu hết quần áo ở đây xấu hỏng đến mức không giặt sạch nổi, dễ rách, không ai muốn mua cả".
Những người mua đồ từ thiện nước ngoài để bán lại cho rằng Kenya chẳng khác gì nơi chứa rác của các châu lục khác.
Anh Isaac Mureithi, người buôn bán quần áo cũ ở Nairobi, nói: "Hầu hết quần áo cũ đến mức chúng tôi phải vứt đi, thế là bị lỗ. Tôi muốn nói với những người cho đồ từ thiện là hãy đóng gói gửi đến đây những quần áo chất lượng tốt, loại một ấy. Quần áo loại hai rất cũ, hỏng, không ai mặc được".
Nhóm hoạt động vì môi trường Clean Up Kenya cho thông tin, nhiều quần áo được cho từ thiện làm bằng chất liệu tổng hợp nhân tạo nên khi được thải ra môi trường, chúng tạo nguy cơ ô nhiễm.
Ông Betterman Simidi, nhà sáng lập tổ chức Clean Up Kenya, chia sẻ: "Những quần áo này tác động lớn đến môi trường, chúng làm ô nhiễm đất. Cần nhớ rằng nhiều quần áo làm bằng sợi polyester, thực chất là nhựa, mà nhựa thì chúng ta biết là mất nhiều thời gian, nhiều năm mới phân hủy, nên chúng làm ô nhiễm các nguồn nước".
Giám đốc bộ phận kiểm soát chất lượng và thanh tra thuộc Cơ quan đánh giá tiêu chuẩn của Chính phủ Kenya cho hay, chính phủ nước này có các biện pháp ngăn chặn việc nhập khẩu hàng hóa độc hại.
Theo ông Benard Nguyo, thuộc Cơ quan Tiêu chuẩn Kenya: "Chúng tôi có chương trình được gọi là thẩm định việc tuân thủ quy định về tiêu chuẩn của hàng nhập khẩu. Theo đó, chúng tôi chỉ định các công ty thay mặt chúng tôi thanh tra toàn bộ hàng nhập khẩu".
Tuy nhiên, ông Nguyo thừa nhận, những người buôn đồ cũ thường qua mặt chính quyền bằng con đường phi chính thức, cộng với việc số lượng nhập quá lớn khiến khó thanh tra được hết. Cơ quan Tiêu chuẩn Kenya kêu gọi, người dân có ý thức để không tiêu dùng đồ gây hại cho môi trường.
Tuy nhiên, với những người ngày ngày phải mót đồ ở bãi rác, họ không có lựa chọn nào khác.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!