Qua các ý kiến của giới quan sát quốc tế, có thể thấy vị thế của Việt Nam đang được nâng lên ở một tầng nấc mới. Đó là kết quả của một đường lối đối ngoại khéo léo, tự chủ, độc lập, kiên trì theo đuổi chủ nghĩa đa phương.
Trong khuôn khổ Liên hợp quốc, mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên hợp quốc là mối quan hệ mang lại lợi ích hai chiều. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khẳng định: "Việt Nam đã luôn là đối tác mạnh mẽ của Liên hợp quốc kể từ khi gia nhập tổ chức vào năm 1977. Giờ đây, sau hơn 40 năm, Việt Nam đang thể hiện là một nhân tố quan trọng đóng góp vào hòa bình, ổn định trong khu vực".
Điểm sáng trong hợp tác Việt Nam - Liên hợp quốc
Quan hệ hợp tác Việt Nam - Liên hợp quốc trong hơn 40 năm qua đã góp phần bảo vệ và thúc đẩy lợi ích quốc gia, dân tộc, củng cố môi trường hòa bình, an ninh, thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng hơn và góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế. Hai bên đang tích cực triển khai Kế hoạch Chiến lược chung giai đoạn 2017 - 2021 giữa Việt Nam và Liên hợp quốc trong khuôn khổ Sáng kiến một Liên hợp quốc.
Việt Nam tham gia tích cực và có trách nhiệm trong các hoạt động của Liên hợp quốc (Ảnh: TTXVN)
Trong đại dịch COVID-19, đến nay, Việt Nam đã nhận được hơn 12 triệu liều vaccine từ cơ chế COVAX. Các tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam, đặc biệt là Tổ chức Y tế thế giới, đã hỗ trợ Việt Nam trên 5 lĩnh vực: chuẩn bị khẩn cấp y tế cộng đồng; giám sát, đánh giá rủi ro, điều tra và phản ứng với dịch bệnh; phòng thí nghiệm; kiểm soát phòng ngừa lây nhiễm và quản lý lâm sàng; truyền thông rủi ro.
Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục hợp tác tích cực với các cơ chế Liên hợp quốc về quyền con người, bảo vệ báo cáo quốc gia theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát và các báo cáo thực thi công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên đồng thời đang ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025.
Phối hợp tốt với Liên hợp quốc trong công cuộc chống đại dịch COVID-19, Việt Nam đã đề xuất Nghị quyết về việc lấy ngày 27/12 hàng năm là ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh và đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua. Việt Nam cũng đã đóng góp 50.000 USD cho Quỹ ứng phó COVID-19 của WHO, 500.000 USD cho chương trình COVAX.
Việt Nam - thành viên tích cực, chủ động trong các vấn đề quốc tế
Việt Nam cũng như thế giới đang ở trong một thời điểm đầy thách thức. Dịch bệnh COVID-19 gây những tổn thất nặng nề cho kinh tế và xã hội trên phạm vi toàn cầu. Thế giới chứng kiến nhiều cạnh tranh hơn, hợp tác quốc tế bị cản trở và gián đoạn trong đại dịch.
Vì vậy, trong các bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra 5 đề xuất giải pháp cho 4 thách thức lớn nhất của thế giới, đó là vaccine phòng COVID-19, nguồn lực và biến thách thức thành cơ hội phục hồi sau đại dịch, hợp tác để ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo đảm môi trường hòa bình, an ninh, ổn định cho thế giới.
Vấn đề vaccine và thuốc điều trị COVID-19 cho các nước đang phát triển tiếp tục được Chủ tịch nước nhấn mạnh. Vì hiện tại, các nước nghèo, nhất là các quốc gia ở châu Phi, mới chỉ có dưới 4% dân số được tiêm đủ 2 mũi. Do đó, Chủ tịch nước kêu gọi cơ chế COVAX và các nước có năng lực, cung cấp thêm vaccine để ít nhất 70% dân số ở các nước đang phát triển được tiêm chủng trong vòng 1 năm nữa.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Phiên thảo luận Cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 76 (Ảnh: TTXVN)
"Nhiệm vụ cấp bách hàng đầu hiện nay là kiểm soát đại dịch COVID-19 trên phạm vi toàn cầu. Thế giới chưa thể an toàn khi còn có bất cứ người dân hay quốc gia nào chưa an toàn trước đại dịch. Để sớm đẩy lùi COVID-19, cần tăng cường hợp tác và đoàn kết trên tinh thần trách nhiệm và sẻ chia, nhất là ưu tiên cung cấp vaccine cho người dân những nước có tỷ lệ tiêm chủng còn thấp, tạo điều kiện để các nước đang phát triển hợp tác sản xuất và tham gia chuỗi cung ứng vaccine" - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Trước các tác động sâu sắc của đại dịch làm bộc lộ rõ những yếu kém của hệ thống quản trị toàn cầu, Chủ tịch nước cho rằng, cần nỗ lực trên tinh thần tự cường của mỗi quốc gia, dựa trên sự hợp tác và liên kết của tất cả các nước để từ đó có thể biến thách thức thành cơ hội cho phát triển thông qua đẩy nhanh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ mới, nâng cao năng suất lao động, phát huy năng lực cạnh tranh và sức tự cường của nền kinh tế. Đây cũng là cơ hội để các quốc gia chuyển đổi xanh, thúc đẩy phát triển bền vững thông qua những nỗ lực giảm thiểu và xử lý các tác động tiêu cực ngày càng tăng của biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, Chủ tịch nước nhấn mạnh, những nỗ lực này sẽ không thể mang lại kết quả nếu không có môi trường hòa bình, an ninh, ổn định ở mỗi quốc gia, khu vực và thế giới. Từ lịch sử Việt Nam đã phải trải qua hàng thập kỷ hy sinh, chiến đấu chống xâm lược, vượt qua bao vây cấm vận, phát huy nội lực, đề cao tự cường, tự tin để có tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay, Chủ tịch nước đề xuất những giải pháp tái định hình các quan hệ quốc tế với vai trò trung tâm là Liên hợp quốc.
"Chúng tôi càng thấu hiểu sâu sắc ý nghĩa của "không có gì quý hơn độc lập tự do", của hoà bình và phát triển cho mỗi quốc gia. Chúng tôi lên án mọi hành động chiến tranh, áp đặt cường quyền, vi phạm các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Hơn lúc nào hết, mọi chủ thể của quan hệ quốc tế, với vai trò trung tâm của Liên hợp quốc, cần thể hiện thiện chí, đóng góp trách nhiệm, tránh gây căng thẳng, đối đầu, cùng nhau nỗ lực tái định hình các mối quan hệ quốc tế và bồi đắp lòng tin giữa các quốc gia trên cơ sở bình đẳng, hợp tác, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp công việc nội bộ quốc gia, giải quyết hòa bình tranh chấp" - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, sau hơn 35 năm Đổi mới toàn diện, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, hướng hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045 - nhân dịp kỷ niệm 100 năm Việt Nam giành độc lập.
Với đường lối đối ngoại tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa các mối quan hệ quốc tế, Việt Nam mong muốn tăng cường niềm tin vào chủ nghĩa đa phương. Các thông điệp của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho thấy, Việt Nam hoàn toàn có thể đóng góp hiệu quả vào việc giải quyết các vấn đề toàn cầu và khu vực thông qua việc cung cấp các sáng kiến và nguồn lực cho các chương trình hợp tác trong khuôn khổ Liên hợp quốc. Cùng nhau, Việt nam và thế giới sẽ vượt qua những thách thức đang đe dọa sự ổn định và thịnh vượng chung.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!