Sáng kiến "Cam kết về khí hậu năm 2025" - Chung tay hành động để hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 26/04/2024 07:02 GMT+7

VTV.vn - Sáng kiến "Cam kết về khí hậu năm 2025" nhằm kêu gọi hành động toàn cầu để hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5 độ C theo mục tiêu của Thỏa thuận chung Paris.

HÀNH ĐỘNG ĐỂ HẠN CHẾ MỨC TĂNG NHIỆT ĐỘ

Chiến dịch do Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc khởi xướng nhằm mục đích huy động sự tham gia của đông đảo các thành phần, bao gồm những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội và những tập đoàn lớn.

Nhấn mạnh sự cấp bách của việc hành động vì khí hậu, ông Guterres trích dẫn những hiện tượng thời tiết cực đoan gần đây và các báo cáo khoa học, đồng thời cảnh báo những gì chúng ta đang chứng kiến chỉ là bản nháp của thảm họa đang chờ đợi, trừ khi chúng ta hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu trong dài hạn ở 1,5℃.

Ông Guterres đồng thời kêu gọi tất cả các quốc gia tăng cường nỗ lực, có những bước đi cụ thể trong năm nay để thu hút dòng tài chính và thúc đẩy tham vọng về khí hậu.

CHÂU Á ĐỐI MẶT MÙA HÈ KHẮC NGHIỆT

Không chỉ còn là những cảnh báo, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đang ngày càng trở nên rõ rệt hơn với tốc độ diễn ra nhanh hơn, hậu quả nghiêm trọng hơn. Một trong số đó là nhiệt độ tăng cao bất thường, vượt ngưỡng chịu đựng của con người.

Dù chỉ mới khởi đầu mùa hè, nhưng nhiều khu vực của châu Á, đặc biệt là tại Đông Nam Á, đã phải hứng chịu cái nóng khủng khiếp. Điều này báo hiệu một mùa hè khắc nghiệt sắp tới với những kỷ lục nhiệt độ mới.

Nhà chức trách Thái Lan hôm 25/4 đã ban hành cảnh báo nắng nóng ở thủ đô Bangkok, kêu gọi người dân ở trong nhà để đảm bảo an toàn. Dự báo nhiệt độ ở thủ đô Bangkok sẽ lên tới 39℃, trong khi chỉ số nóng bức có thể vượt 52℃ - mức "cực kỳ nguy hiểm". Trước đó, nhiệt độ đo được ở tỉnh Lampang - miền Bắc nước này - hôm 22/4 đã lên tới 44,6℃.

Sáng kiến Cam kết về khí hậu năm 2025 - Chung tay hành động để hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu - Ảnh 1.

(Ảnh: Copernicus Climate Change Service)

Ít nhất 30 người đã tử vong do sốc nhiệt kể từ đầu năm đến nay. Tháng 4 thường là thời điểm nóng nhất và độ ẩm cao nhất trong năm ở Thái Lan. Tuy nhiên, do hình thái thời tiết El Nino nên điều kiện thời tiết năm nay khắc nghiệt hơn.

Trong khi đó, từ đầu năm đến ngày 18/4, Philippines đã ghi nhận ít nhất 34 trường hợp mắc các bệnh liên quan đến nắng nóng, trong đó đã có 6 ca tử vong.

Sau khi cơ quan thời tiết Philippines cảnh báo chỉ số nắng nóng lên mức "nguy hiểm" với nhiệt độ vượt quá 42℃, nhiều khu vực bao gồm vùng thủ đô Manila đã quyết định tạm dừng các lớp học trực tiếp. Dự báo nhiệt độ có thể lên tới 51℃ ở một số khu vực tại Philippines và thời tiết oi bức sẽ kéo dài cho đến tháng 5.

Tại Dhaka, Bangladesh, hàng trăm người dân cùng tập trung cầu nguyện để trời đổ mưa trong bối cảnh nắng nóng cực đoan đang bao phủ quốc gia Nam Á này, buộc nhà chức trách phải đóng cửa các trường học trên khắp cả nước.

Nhiều buổi lễ cầu mưa có quy mô tương tự cũng được tổ chức ở các địa phương khác của Bangladesh.

Nhiệt độ trên khắp nước này trong tuần qua đã vượt 42℃. Trong đó, nhiệt độ ở thủ đô Dhaka cao hơn 4 - 5℃ so với mức trung bình cùng kỳ của 30 năm qua. Theo các chuyên gia thời tiết, tháng 4 thường là tháng nóng nhất ở Bangladesh, nhưng tháng 4 này là một trong những tháng nóng nhất kể từ năm 1971.

NGƯỜI LAO ĐỘNG DỄ BỊ TỔN THƯƠNG DO NẮNG NÓNG

Nắng nóng gay gắt khiến những lao động ngoài trời hơn ai hết là người chịu ảnh hưởng trực tiếp từ môi trường, khiến công việc mưu sinh thêm phần vất vả. Khoảng 2,4 tỷ người lao động toàn cầu (hơn 70% lực lượng lao động) phải làm việc trong nắng nóng vượt ngưỡng chịu đựng, tăng 35% trong 2 thập niên qua.

Mỗi năm có gần 23 triệu trường hợp bị tổn hại sức khỏe và khoảng 19.000 ca tử vong do làm việc trong điều kiện khắc nghiệt này. Bên cạnh đó, hơn 26 triệu người sống chung với nhiều căn bệnh mãn tính liên quan tới các điều kiện nhiệt độ bất lợi ở nơi làm việc.

Những số liệu vừa được Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) công bố cho thấy thực tế đáng báo động: người lao động toàn cầu đang đối mặt với những rủi ro liên quan biến đổi khí hậu ngay tại nơi làm việc, làm tăng nguy cơ chấn thương, mắc bệnh và tử vong của người lao động.

Sáng kiến Cam kết về khí hậu năm 2025 - Chung tay hành động để hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu - Ảnh 2.

(Ảnh: AFP/Getty Images)

Báo cáo "Đảm bảo an toàn và sức khỏe khi làm việc trong môi trường biến đổi khí hậu" của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cung cấp những bằng chứng quan trọng liên quan đến 6 tác động chính của biến đổi khí hậu đến an toàn vệ sinh lao động, được xác định dựa trên mức độ nghiêm trọng và mức độ ảnh hưởng đối với người lao động: nhiệt độ quá cao, bức xạ tia cực tím (UV), các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, ô nhiễm không khí tại nơi làm việc, bệnh truyền qua vật chủ trung gian và hóa chất nông nghiệp.

Dự báo cho thấy đến năm 2030, 2,2% tổng số giờ làm việc trên thế giới sẽ bị mất do nhiệt độ cao. Nông nghiệp và xây dựng là hai trong số những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, tiếp đó là lao động trong các ngành dịch vụ môi trường, thu gom rác, dịch vụ khẩn cấp, công việc sửa chữa, vận chuyển, du lịch, thể thao và một số ngành công nghiệp.

Trong số nhóm dễ bị tổn thương nhất, người lao động tại các quốc gia thu nhập thấp và thu nhập trung bình thấp dự kiến sẽ phải chịu đựng nhiều tổn thất, chủ yếu là do họ có ít nguồn lực hơn để thích nghi với hệ quả của hiện tượng tăng nhiệt.

Trước thực trạng này, ILO nhấn mạnh các nước cần đánh giá lại quy định hiện hành hoặc đưa ra các quy định mới bảo vệ người lao động một cách phù hợp trong môi trường biến đổi khí hậu, qua đó bảo đảm quyền cơ bản của người lao động được làm việc trong môi trường an toàn và lành mạnh.

Nắng nóng kỷ lục tại nhiều nước châu Á Nắng nóng kỷ lục tại nhiều nước châu Á Nắng nóng có thể khiến hơn 243 triệu trẻ em gặp nguy hiểm Nắng nóng có thể khiến hơn 243 triệu trẻ em gặp nguy hiểm 10.000 người có thể tử vong vì nắng nóng mỗi năm tại Anh 10.000 người có thể tử vong vì nắng nóng mỗi năm tại Anh

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước