Vụ nổ mìn trên tuyến đường bộ Donghae nằm dọc bờ biển phía đông của Triều Tiên, ngày 15/10/2024. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)
Gia tăng căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên
Trong vòng chưa đầy 1 tuần qua, tình hình trên Bán đảo Triều Tiên đang trở nên vô cùng căng thẳng. Diễn biến mới nhất là việc Triều Tiên sửa đổi hiến pháp và lần đầu gọi Hàn Quốc là "quốc gia thù địch".
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 16/10 thông báo Quốc hội nước này đã hoàn thành việc sửa đổi hiến pháp theo yêu cầu của Chủ tịch Kim Jong Un, với nội dung từ bỏ mục tiêu thống nhất quốc gia, đồng thời xác định Hàn Quốc là "quốc gia thù địch".
Trước đó, hôm 15/10, Triều Tiên đã cho nổ một số tuyến đường bộ nối liền Bán đảo Triều Tiên ở phía Bắc Đường phân giới quân sự giữa 2 nước - và từng được coi là biểu tượng của sự hoà giải giữa 2 miền. Theo KCNA, việc cho nổ các tuyến đường này là biện pháp tất yếu và phù hợp với hiến pháp. Ở thời điểm hiện tại, toàn bộ các tuyến đường bộ cao tốc và đường sắt giữa hai miền đã bị chặn hoàn toàn.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã gọi Hàn Quốc là “một quốc gia xa lạ” đồng thời cảnh báo sẽ sử dụng vũ lực nếu chủ quyền của Triều Tiên bị xâm phạm. (Ảnh: AFP)
Giữa thời điểm căng thẳng gia tăng với Hàn Quốc, khoảng 1 triệu thanh niên Triều Tiên, trong đó có sinh viên và cán bộ đoàn thanh niên, đã đăng ký mới hoặc tái nhập ngũ chỉ trong 2 ngày 14 và 15/10.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đã đưa ra kế hoạch hành động quân sự ngay lập tức và đề xuất các nhiệm vụ quan trọng cần hoàn thành trong hoạt động răn đe chiến tranh và thực thi quyền tự vệ để bảo vệ chủ quyền quốc gia. Trong khi đó, Hàn Quốc cũng yêu cầu các đơn vị quân đội theo dõi chặt chẽ các động thái của Bình Nhưỡng và sẵn sàng hỏa lực để ứng phó
Những căng thẳng mới trong quan hệ hai miền Triều Tiên bùng phát hôm 13/10, khi Triều Tiên cáo buộc Hàn Quốc triển khai thiết bị bay không người lái rải truyền đơn ở thủ đô Bình Nhưỡng. Bà Kim Yo Jong, em gái của chủ tịch Triều Tiên, cảnh báo Hàn Quốc về "hậu quả khủng khiếp" nếu thiết bị bay không người lái của Hàn Quốc bị phát hiện bay qua Bình Nhưỡng. Đáp lại, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc cho biết họ không thể xác nhận những cáo buộc của Triều Tiên.
Hàn Quốc nêu bật tầm quan trọng của việc thống nhất hai miền Triều Tiên
Ngày 17/10, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Kim Yung Ho nhấn mạnh đối với Seoul, việc thống nhất Bán đảo Triều Tiên là nghĩa vụ mang tính chất "đạo đức."
Phát biểu tại thủ đô Washington trong chuyến thăm Mỹ, Bộ trưởng Kim Yung Ho nêu rõ có nhiều tranh cãi xung quanh vấn đề thống nhất, nhưng đối với người Hàn Quốc, việc thống nhất Bán đảo Triều Tiên phải được nhìn nhận từ góc độ đạo đức và giá trị gắn kết, thay vì chỉ tập trung vào những lợi ích và chi phí kinh tế.
Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc Kim Yung-ho. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)
Ông cũng khẳng định Hàn Quốc sẽ theo đuổi một sự thống nhất "tự do và hòa bình" theo học thuyết mà Tổng thống Yoon Suk Yeol đã công bố vào tháng 8 vừa qua dựa trên các nguyên tắc tự do, hòa bình và thịnh vượng.
Quan chức này nhấn mạnh bên cạnh tiếp tục tìm kiếm đối thoại với Bình Nhưỡng, Seoul sẽ triển khai mọi biện pháp khả thi để tạo nền tảng cho việc thống nhất hai miền Triều Tiên.
Trước đó, ngày 16/10, Hội nghị Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ-Nhật-Hàn lần thứ 14 đã diễn ra tại Seoul, trong đó các bên đặc biệt đề cập đến tình hình trên Bán đảo Triều Tiên.
Tại buổi họp báo sau hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Kurt Campbell cùng hai người đồng cấp Hàn Quốc Kim Hong Kyun và Nhật Bản Okano Masataka đã nhất trí sẽ giữ vững mối quan hệ đồng minh, tăng cường hợp tác an ninh thông qua sự phối hợp chặt chẽ để ứng phó kiên quyết với các biến động trong khu vực.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!