Số ca COVID-19 cộng đồng ở Lào tăng 10 lần trong 1 tháng, Hàn Quốc sẽ tiêm mũi bổ sung cho một số nhóm dân cư

Quỳnh Chi (Theo Worldometers)-Thứ hai, ngày 27/09/2021 06:08 GMT+7

Hơn 232,5 triệu người trên thế giới đã nhiễm virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)

VTV.vn - Đến sáng 27/9, thế giới có trên 232,5 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 4,76 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 với trên 43,7 triệu ca mắc và gần 706.300 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 20.200 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Cục Quản lý Thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) ghi nhận 49 báo cáo về các vụ ngộ độc và phản ứng nghiêm trọng do dùng thuốc Ivermectin để điều trị COVID-19 từ đầu năm đến nay. Ivermectin là loại thuốc uống để tẩy giun và điều trị các loại bệnh do nhiễm ký sinh trùng. Tính đến thời điểm này, số người trúng độc liên quan đến Ivermectin đã tăng gấp đôi so năm 2020. Nguyên nhân là do các tin giả lan truyền trên trên mạng xã hội cho rằng, loại thuốc này có thể điều trị COVID-19.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 26/9, nước này ghi nhận hơn 27.000 ca mắc mới COVID-19 và 277 trường hợp tử vong. Hiện tổng cộng trên 33,6 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 447.200 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.

Ấn Độ sẽ xuất khẩu 8 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 vào cuối tháng 10 tới sau khi chấm dứt lệnh cấm xuất khẩu vaccine ra nước ngoài. Hầu hết trong số 8 triệu liều vaccine của hãng Johnson & Johnson mà nước này sản xuất sẽ được gửi đến các nước châu Á - Thái Bình Dương. Việc chuyển giao vaccine đã sẵn sàng được thực hiện từ cuối tháng 10 tới.

Ấn Độ, một trong những nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, vào đầu năm nay cam kết, đến tháng 12/2022 sẽ xuất khẩu 1 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19. Tuy nhiên, New Delhi đã phải tạm dừng xuất khẩu vaccine hồi tháng 5 do dịch COVID-19 lây lan trên diện rộng ở nước này. Trong tuần qua, Ấn Độ đã dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vaccine sau khi số ca lây nhiễm và tử vong do COVID-19 giảm.

Trong 24 giờ qua, Brazil ghi nhận trên 8.600 ca mắc COVID-19. Đến nay, hơn 594.400 bệnh nhân COVID-19 đã không qua khỏi trong tổng số trên 21,3 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Ngày 26/9, Thủ tướng Australia Scott Morrison yêu cầu chính quyền các bang và vùng lãnh thổ của nước này mở cửa biên giới nội địa sau khi đạt tỷ lệ tiêm chủng 80% đối với những người đủ 16 tuổi trở lên. Tuyên bố của Thủ tướng Australia được cho là nhằm vào hai bang Queensland và Tây Australia do các bang này đến nay vẫn chưa có kế hoạch mở cửa biên giới của mình, mặc dù trước đó họ đã nhất trí về việc này với Chính phủ liên bang và các địa phương khác sau khi đạt tỷ lệ tiêm chủng 80%.

Trong hơn 3 tháng qua, hầu hết các bang và vùng lãnh thổ tại Australia đều đóng cửa biên giới với các bang khác để ngăn chặn đợt dịch do biến thể Delta.

Số ca COVID-19 cộng đồng ở Lào tăng 10 lần trong 1 tháng, Hàn Quốc sẽ tiêm mũi bổ sung cho một số nhóm dân cư - Ảnh 1.

Các bang của Australia sẽ mở cửa biên giới và nới lỏng các hạn chế khi tỷ lệ tiêm vaccine COVID-19 đạt 80%. (Ảnh: AP)

Ireland đã ngừng việc áp dụng cách ly bắt buộc tại khách sạn đối với du khách nhập cảnh vào nước này, trong bối cảnh Ireland vẫn đang nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng ngừa COVID-19.

Kể từ cuối tháng 3, Chính phủ Ireland đã đưa ra danh sách các nước phải cách ly bắt buộc trong 2 tuần tại khách sạn khi nhập cảnh nước này. Bên cạnh đó, những người không đáp ứng các quy định nhập cảnh như có xét nghiệm PCR âm tính cũng phải cách ly tại khách sạn. Tuy nhiên, ngày 25/9, Bộ Y tế Ireland đã quyết định xóa bỏ danh sách trên dựa trên đề nghị của lực lượng chức năng.

Thống kê cho thấy, trong 6 tháng qua, có gần 10.300 người đã phải cách ly bắt buộc tại các khách sạn ở Ireland. Gần 600 người trong số này có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của 5.209 người tại Ireland. Hầu hết các hạn chế phòng chống dịch bệnh đã được dỡ bỏ.

Nhằm chủ động trước đợt dịch Covid-19 thứ tư, dự báo đạt đỉnh điểm trong 3 hoặc 4 tuần tới, Chính phủ Ai Cập đã công bố một số biện pháp ứng phó. Nước này yêu cầu trang bị tất cả các dịch vụ hậu cần cho các bệnh viện, nâng cao trạng thái sẵn sàng, đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng và tăng cường đường dây nóng. Bộ Y tế Ai Cập khẳng định sẵn sàng các nguồn cung cấp y tế, thuốc men, hệ thống cấp cứu trong các bệnh viện. Bên cạnh đó, Ai Cập cũng đang mở rộng sản xuất vaccine Sinovac với khoảng 80 triệu liều trong 3 tháng tới, đồng thời nhận các nguồn hỗ trợ quốc tế về vaccine.

Theo Văn phòng An ninh y tế quốc gia Thái Lan, các trường hợp trẻ em gặp phải tác dụng phụ do tiêm vaccine COVID-19 sẽ được bồi thường. Nhà chức trách Thái Lan cho biết, dữ liệu hiện nay cho thấy, khả năng bị tác dụng phụ do tiêm vaccine Pfizer ở trẻ em là rất thấp. Trích dẫn dữ liệu ở Mỹ, nhà chức trách Thái Lan cho biết, vaccine COVID-19 của Pfizer có thể gây viêm tim ở các trẻ trai từ 0-19 tuổi, chủ yếu sau khi tiêm liều thứ hai. Hiện mức bồi thường cụ thể chưa được công bố. Thái Lan đang thực hiện kế hoạch tiêm chủng cho học sinh trung học và học nghề, dự kiến hoàn thành vào ngày 15/11 tới.

Tại Lào, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhiều tỉnh của nước này đã bổ sung thêm các biện pháp phòng ngừa dịch COVID-19 chặt chẽ hơn sau khi ghi nhận cụm lây nhiễm trong cộng đồng như tỉnh Vientiane, tỉnh Luang Prabang, tỉnh Huaphan...

Bộ Y tế Lào ngày 26/9 cho biết, trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận 292 ca nhiễm mới, trong đó có tới 280 trường hợp mắc trong cộng đồng, còn lại là người nhập cảnh được cách ly ngay. Số ca cộng đồng tiếp tục ghi nhận tại 11 tỉnh, thành, trong đó thủ đô Vientiane vẫn nhiều nhất trong một ngày với 135 ca. Đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào là 21.819 trường hợp, trong đó có 16 người thiệt mạng.

Trước tình hình trên, cơ quan y tế cũng như lực lượng chức năng Lào đang khẩn trương truy vết người tiếp xúc gần với các ca lây nhiễm; tăng cường phun khử trùng tại các địa điểm có ca mắc COVID-19. Lào đang đối mặt với tình trạng số ca lây nhiễm trong cộng đồng tăng cao, từ hơn 300 ca trong tháng 8 lên trên 3.000 ca trong tháng 9. Đáng chú ý, hầu hết các ca mắc mới đều nhiễm biến thể Delta Plus, biến thể có tốc độ lây lan nhanh và kháng các phương pháp điều trị COVID-19.

Malaysia đã cảnh báo tình trạng làm giả những chứng nhận tiêm chủng vaccine COVID-19. Nhân viên y tế ở thủ đô Kuala Lumpur cho biết, có một số người tới các điểm tiêm chủng nhưng không muốn tiêm mà chỉ muốn "sở hữu" giấy chứng nhận. Giới chức y tế nước này cho rằng, việc làm giả chứng nhận tiêm chủng xảy ra khi các quốc gia bắt đầu triển khai Thẻ xanh cho các hoạt động như du lịch và công nhận giấy chứng nhận tiêm vaccine của nước khác cho nhiều mục đích.

Nhằm nhanh chóng xét nghiệm và cách ly các ca mắc COVID-19, Bộ Y tế Malaysia quyết định thành lập Lực lượng Đặc nhiệm phản ứng nhanh quốc gia. Trong một phát biểu vào ngày 26/9, Bộ trưởng Bộ Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin cho biết, lực lượng này sẽ áp dụng kinh nghiệm đạt được trong việc giảm số ca nhiễm ở Thung lũng Klang (gồm lãnh thổ liên bang Kuala Lumpur, bang Selangor và một phần bang Nigeri Sembilan) vào việc phòng chống COVID-19 trên phạm vi toàn quốc. Lực lượng sẽ tập trung vào việc nhanh chóng xét nghiệm và cách ly những người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.

Bộ Y tế Malaysia đã quyết định rút ngắn thời gian giữa hai mũi tiêm vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca từ 9 tuần xuống còn 6 tuần. Đây là lần thứ hai Bộ Y tế nước này quyết định rút ngắn thời gian giữa hai mũi tiêm đối với loại vaccine này. Quyết định có hiệu lực từ ngày 1/10.

Số ca COVID-19 cộng đồng ở Lào tăng 10 lần trong 1 tháng, Hàn Quốc sẽ tiêm mũi bổ sung cho một số nhóm dân cư - Ảnh 2.

Nhật Bản đang cân nhắc dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp. (Ảnh: AP)

Dịch COVID-19 có thể gây thiệt hại 730 tỷ USD cho nền kinh tế Philippines trong 10 đến 40 năm tới, đây là dự báo của Cơ quan Kinh tế và phát triển quốc gia Philippines. Dự báo chi tiêu tiêu dùng và nguồn vốn đầu tư có thể sẽ thấp hơn trong 10 năm tới do nhu cầu giảm trong các lĩnh vực như du lịch, nhà hàng, giao thông công cộng. Do đó, doanh thu từ thuế sẽ thấp hơn nếu các doanh nghiệp không thể hoạt động 100% công suất.

Giới chức Philippines dự báo, thời điểm nền kinh tế tăng trưởng sau đại dịch là cuối năm 2022 hoặc đầu năm 2023. Trong khi đó, Bộ Kế hoạch kinh tế xã hội Philippines hy vọng, nền kinh tế sẽ trở lại mức tăng trưởng như thời điểm trước dịch COVID-19 vào năm 2029.

Nhật Bản có khả năng dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp vốn đang được áp đặt tại nhiều tỉnh, thành cho đến cuối tháng 9. Quyết định trên được cân nhắc trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Nhật Bản đang có tín hiệu cải thiện. Hiện số ca mắc mới ở Nhật Bản đã giảm xuống chỉ còn khoảng 3.000 ca/ngày so với thời điểm lên tới khoảng 25.000 ca/ngày.

Thủ tướng Nhật Bản Suga cho biết muốn đưa ra quyết định về việc dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp sau khi tham khảo ý kiến của giới chuyên gia. Nhiều khả năng Thủ tướng Nhật Bản sẽ đưa ra quyết định cuối cùng vào ngày 28/9 tới. Hôm 9/9, Nhật Bản đã quyết định gia hạn áp dụng tình trạng khẩn cấp tại 19 địa phương và áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm đối với 8 địa phương đến ngày 30/9.

Hàn Quốc ngày 26/9 tuyên bố sẽ kiên định với lộ trình hồi phục theo từng giai đoạn. Bất chấp sự gia tăng số ca mắc mới COVID-19, Hàn Quốc quyết tâm đưa cuộc sống trở lại bình thường bắt đầu từ cuối tháng 10 tới. Chính phủ Hàn Quốc đang tìm cách đẩy nhanh trở lại cuộc sống bình thường dựa trên tiến độ của chiến dịch tiêm chủng.

Dự kiến, vào cuối tháng 10, 70% dân số Hàn Quốc sẽ được tiêm chủng đầy đủ. Đây được coi là cơ sở để Hàn Quốc chuyển sang giai đoạn tiếp theo. Hàn Quốc quyết tâm theo đuổi lộ trình hồi phục theo từng giai đoạn trong bối cảnh các doanh nghiệp nhỏ đang phải gánh chịu cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc do tình trạng giãn cách xã hội kéo dài.

Hàn Quốc sẽ bắt đầu tiến hành tiêm vaccine phòng COVID-19 nhắc lại (bổ sung) cho những người có nguy cơ cao, bao gồm người từ 60 tuổi trở lên và nhân viên y tế, trong tương lai gần. Thủ tướng Hàn Quốc Kim Boo-kyum đưa ra thông tin trên ngày 26/9 trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 ở nước này gia tăng sau kỳ nghỉ lễ Trung thu. Ông Kim Boo-kyum cũng lưu ý, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) sẽ công bố kế hoạch tiêm chủng quý IV trong ngày 27/9, bao gồm cả việc tiêm nhắc lại. Ông cũng cho biết bắt đầu từ đầu tháng tới, Chính phủ Hàn Quốc sẽ rút ngắn khoảng cách giữa mũi vaccine thứ nhất và mũi thứ hai để giúp tăng hơn nữa tỷ lệ những người được tiêm chủng đầy đủ.

Đến nay, Hàn Quốc ghi nhận tổng cộng 301.172 ca mắc COVID-19, trong đó có 2.450 trường hợp tử vong và 268.140 người khỏi bệnh hoàn toàn.

Trên thế giới, nhiều quốc gia phát triển đã cam kết sẽ tăng viện trợ vaccine ngừa COVID-19 cho các nước nghèo. Theo Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, thế giới cần phải hành động khẩn trương hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa để cải thiện tình trạng bất bình đẳng vaccine.

Pháp vừa tuyên bố sẽ tăng gấp đôi số vaccine ngừa COVID-19 viện trợ cho các nước nghèo, lên 120 triệu liều. Trước đó, Mỹ cũng tăng gấp 2 lần viện trợ vaccine ngừa COVID-19, lên tổng cộng 1,1 tỷ liều. Trung Quốc cam kết cung cấp cho thế giới tổng cộng 2 tỷ liều vaccine đến cuối năm nay. Còn Liên minh châu Âu (EU) cam kết phân phối 500 triệu liều vaccine.

Theo thống kê chính thức, hiện lượng vaccine dành cho hơn 1,3 tỷ người tại 53 nước châu Phi chỉ đạt tỷ lệ 10 liều/100 người dân.

Vaccine của hãng Sinovac hiệu quả với người cao tuổi và giảm nguy cơ bệnh nặng Vaccine của hãng Sinovac hiệu quả với người cao tuổi và giảm nguy cơ bệnh nặng Lào đối mặt nguy cơ bùng dịch trên diện rộng, Hàn Quốc lần đầu tiên ghi nhận trên 3.000 ca mắc/ngày Lào đối mặt nguy cơ bùng dịch trên diện rộng, Hàn Quốc lần đầu tiên ghi nhận trên 3.000 ca mắc/ngày Vaccine - yếu tố quan trọng giúp Trung Quốc khống chế dịch hiệu quả Vaccine - yếu tố quan trọng giúp Trung Quốc khống chế dịch hiệu quả

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước