Hơn 160,2 triệu người trên thế giới đã nhiễm virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 33,5 triệu ca mắc và hơn 596.800 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 26.800 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Số liệu của Bộ Y tế Ấn Độ công bố ngày 11/5 cho thấy, số ca mắc mới COVID-19 giảm với 348.500 ca trong 24 giờ qua, đưa tổng số người nhiễm bệnh lên 23,3 triệu trường hợp. Trong cùng thời gian, Ấn Độ báo cáo 4.200 trường hợp tử vong, nâng số người thiệt mạng do COVID-19 tại Ấn Độ lên hơn 254.200 bệnh nhân.
Số ca mắc COVID-19 tại Ấn Độ có xu hướng giảm từ ngày 10/5 với 366.161 ca được ghi nhận, giảm mạnh từ mức hơn 400.000 ca trong 4 ngày liên tiếp trước đó. Hiện Ấn Độ đang chao đảo vì làn sóng COVID-19 thứ 2. Các chuyên gia khuyến cáo, nước này cần phải chuẩn bị sớm nhất cho làn sóng lây nhiễm thứ 3 "không thể tránh khỏi".
Cũng theo Bộ Y tế Ấn Độ, số ca dương tính với SARS-CoV-2 đang điều trị hiện nay tại nước này là 3,71 triệu ca, chiếm 16,53% tổng số ca nhiễm. Trong khi đó, tỷ lệ phục hồi trên toàn quốc là 82,39% và tỷ lệ tử vong là 1,09%.
Trong 2 ngày 2 và 3/5, số ca nhiễm mới của Ấn Độ chiếm hơn 52% tổng số ca nhiễm COVID-19 mới trên thế giới. Mặc dù tình hình dịch bệnh tại bang Maharashtra và thủ đô Delhi có phần dịu bớt trong những ngày qua, các bệnh viện trên khắp nước này vẫn tiếp tục đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung oxy và thuốc men do nhu cầu tăng đột biến. Người dân đang phải chật vật để mua thậm chí là những loại thuốc cơ bản.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại Ấn Độ B.1.617 đã được phân loại ở mức đáng quan ngại cấp độ toàn cầu. Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới tiếp tục ghi nhận những ca nhiễm loại biến thể nguy hiểm này. Trong nỗ lực ngăn chặn sự xâm nhập của biến thể mới, nhiều quốc gia đã tạm thời cấm nhập cảnh đối với các du khách đến từ Ấn Độ, Pakistan, Sri Lanka, Nepal và Bangladesh. Mới nhất là ngày 10/5, Philippines, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và Thái Lan đã thông báo tạm cấm nhập cảnh với các du khách đến từ các quốc gia Nam Á từ ngày 12/5.
Các bệnh viện ở Ấn Độ vẫn tiếp tục đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung oxy và thuốc men (Ảnh: AP)
Trong 24 giờ qua, Brazil không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới. Đến nay, hơn 423.400 bệnh nhân COVID-19 đã không qua khỏi trong tổng số trên 15,2 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Ngày 11/5, Victoria, bang đông dân thứ hai của Australia, đã ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên trong hơn 2 tháng qua, buộc các nhà chức trách địa phương ráo riết truy vết nguồn lây trong bối cảnh gia tăng mối quan ngại về nguy cơ bùng phát đợt dịch mới. Bệnh nhân là một nam giới ở độ tuổi 30, vừa trở về từ Ấn Độ giữa tháng 4 vừa qua và đã hoàn thành 2 tuần cách ly tại khách sạn được chỉ định ở bang Nam Australia. Giới chức bang Victoria cho biết, người này đã có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 sau khi xuất hiện các triệu chứng bệnh vào cuối tuần qua. Giới chức y tế bang cũng yêu cầu những người tiếp xúc với bệnh nhân này tự cách ly và thực hiện xét nghiệm, đồng thời công bố những địa điểm mà người này từng tới.
Trong làn sóng dịch trước đó tại Australia, bang Victoria chiếm phần lớn số ca mắc và tử vong và thực thi lệnh phong tỏa kéo dài trong năm 2020. Hiện tổng cộng hơn 29.900 người ở Australia đã mắc COVID-19 với 910 bệnh nhân tử vong.
Hơn 30.000 ngọn nến đã được thắp sáng tại sân lâu đài Praha của Cộng hòa Czech để tưởng niệm các nạn nhân COVID-19. Hơn 30.000 ngọn nến tượng trưng cho hơn 30.000 người đã tử vong do COVID-19 ở nước này. Tổng thống Cộng hòa Czech Milos Zeman đã tham dự lễ tưởng niệm và bày tỏ hy vọng, đại dịch sẽ kết thúc vào tháng 9 tới nhờ chiến dịch tiêm chủng trên cả nước.
CH Czech đã bị ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19. Đất nước 10,7 triệu dân này có số ca tử vong trên đầu người cao thứ 2 thế giới chỉ sau Hungary. Đến nay, Czech ghi nhận trên 1,6 triệu ca mắc COVID-19, hơn 29.700 trường hợp thiệt mạng.
Dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại châu Á. (Ảnh: AP)
Dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp tại các nước châu Á. Trước tình hinhg này, các nước đang tiếp tục siết chặt những biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, trong đó có tăng cường kiểm soát biên giới.
Các nhà chức trách Thái Lan đã tăng thêm số lượng trạm kiểm soát và tuần tra dọc theo biên giới, đặc biệt là ở miền Bắc và miền Nam nước này nhằm ngăn chặn việc nhập cảnh trái phép, giúp chặn đứng sự lây lan của đại dịch COVID-19. Các trạm kiểm soát cũng sẽ được thiết lập ở các tỉnh nằm sâu trong nội địa với nhân lực được bố trí làm việc suốt ngày đêm để ngăn chặn việc vận chuyển người di cư bất hợp pháp. Những người di cư bất hợp pháp phải đối mặt với tội danh nhập cảnh bất hợp pháp theo Đạo luật Nhập cư và sẽ ngay lập tức bị cách ly, buộc tội và trục xuất ngay sau khi họ hoàn thành việc cách ly bắt buộc.
Trong 10 ngày qua, hơn 1.000 người di cư bất hợp pháp đã bị bắt vì nhập cảnh trái phép. Hiện Thái Lan đã báo cáo trên 86.900 người nhiễm COVID-19, 452 trường hợp mắc bệnh không qua khỏi.
Malaysia đã siết chặt các hạn chế chống dịch trên cả nước trước dịp lễ Eid al-Fitr, đánh dấu kết thúc tháng lễ Ramadan của tín đồ Hồi giáo trong tuần này. Các biện pháp hạn chế mới như cấm tổ chức lễ hội, hoạt động ăn mừng, lễ cưới, thăm hỏi giữa các gia đình, bạn bè sẽ có hiệu lực từ ngày 12/5 và kéo dài đến ngày 7/6. Thông báo trên được đưa ra sau khi chính quyền Malaysia tuyên bố một loạt biện pháp hạn chế đi lại cũng như tổ chức các sự kiện xã hội ở nhiều nơi trên cả nước.
Quốc gia Đông Nam Á này đang chống chọi với đợt bùng phát dịch COVID-19 mạnh nhất kể từ đầu năm 2021 khi chứng kiến hàng nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày. Số ca mắc COVID-19 liên tục tăng vọt hơn 4.000 ca/ngày sau khi các trường học và nhiều khu chợ được phép mở cửa trong tháng lễ ăn chay Ramadan. Hơn 1.700 người đã tử vong trong tổng số trên 448.400 ca mắc COVID-19 tại Malaysia.
Indonesia đã quyết định kéo dài lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng quy mô nhỏ đến hết tháng 5/2021 nhằm ngăn chặn đà lây nhiễm dịch COVID-19. Lệnh hạn chế này đang được áp đặt tại 30 trên 34 tỉnh và thành phố của Indonesia. Động thái này được đưa ra sau khi hoạt động di chuyển của người dân đã tăng mạnh trong thời gian gần đây.
Indonesia đặt mục tiêu tiêm 1 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 mỗi ngày. Nước này sẽ tiêm phòng cho ít nhất 181 triệu người nhằm đạt khả năng miễn dịch cộng đồng trong vòng 1 năm. Đến nay, tổng cộng trên 1,7 triệu người đã nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Indonesia, bao gồm hơn 47.400 trường hợp tử vong.
Indonesia sẽ được khởi động chương trình tiêm chủng tư nhân ngừa COVID-19 diễn ra vào ngày 13 và 14/5. Vaccine Sinopharm và CanSino của Trung Quốc sẽ được sử dụng cho chương trình tiêm chủng tư nhân. Chi phí tiêm vaccine COVID-19 theo chương trình này là 500.000 Rupiah (tương đương 800.000 đồng) mỗi liều và phải tiêm 2 liều. Vào giữa tháng 1/2021, Indonesia đã khởi động chiến dịch tiêm chủng quốc gia miễn phí ngừa COVID-19 với mục tiêu cung cấp vaccine cho 181 triệu người trong vòng một năm.
Ngày 11/5, Bộ Y tế Philippines cho biết đã ghi nhận hai trường đầu tiên mắc biến thể mới có nguồn gốc tại Ấn Độ. Bà Alethea De Guzman, một quan chức của Bộ trên, nêu rõ, các trường hợp mắc bệnh là hai thủy thủ từng tới Oman vào ngày 10/4 và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất vào ngày 19/4 trước khi nhập cảnh vào Philippines. Theo bà De Guzman, hai người này chưa từng tới Ấn Độ và hiện sức khỏe của họ đã ổn định. Cả hai đã được cách ly ngay sau khi nhập cảnh. Cũng trong ngày 11/5, Philippines ghi nhận trên 4.700 ca mắc mới, nâng tổng số người mắc COVID-19 tại quốc gia Đông Nam Á này lên mức hơn 1,1 triệu trường hợp, trong đó có 18.620 bệnh nhân tử vong.
Philippines đã xác nhận hai ca đầu tiên mắc biến thể mới tại Ấn Độ. (Ảnh: AP)
Bộ trưởng Bộ Y tế Philippines Francisco Duque nhận định, cuộc chiến chống COVID-19 tại nước này đang tiến triển khi tỷ lệ lây nhiễm có chiều hướng giảm trong hai tuần qua.
Hơn 3 tuần sau khi làn sóng dịch thứ 2 bắt đầu bùng phát, tình hình dịch bệnh tại Lào đang dần được kiểm soát khi số ca mắc mới, đặc biệt là tại các thành phố lớn, ngày càng giảm. Bộ Y tế Lào vào chiều 11/5 thông báo, nước này ghi nhận 35 trường hợp mắc mới trong 24 giờ qua, trong đó, tâm dịch thủ đô Vientiane có 9 ca, tiếp tục ở mức 1 chữ số. Trong khi đó, tỉnh Champasak, trung tâm kinh tế của Nam Lào, ghi nhận 5 bệnh nhân và đều là các trường hợp nhập cảnh được cách ly ngay. Việc các thành phố lớn của Lào không ghi nhận hoặc có số ca mắc mới ngày một giảm cho thấy, tình hình dịch đang có xu hướng được kiểm soát.
Tuy nhiên, huyện Tonpheung, tỉnh Bokeo, giáp giới với Trung Quốc, tiếp tục ghi nhận số ca cao nhất cả nước với 20 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng, trở thành điểm nóng mới của dịch COVID-19 tại Lào. Tính tới thời điểm hiện tại, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào là 1.362 trường hợp, trong đó có 297 người đã được chữa khỏi và chỉ có 1 trường hợp tử vong.
Tình hình dịch bệnh tại Campuchia cũng có chiều hướng khả quan hơn. Thống kê của Bộ Y tế Campuchia cho thấy, số ca nhiễm mới SARS-CoV-2 giảm trong ngày thứ 3 liên tiếp khi nước này ghi nhận 480 trường hợp trong ngày 11/5. Tổng số ca nhiễm tại Campuchia tới nay là 20.223 người, trong đó 8.170 trường hợp được điều trị bình phục.
Báo cáo của Bộ Y tế Campuchia ghi nhận, tổng số ca nhiễm mới có chiều hướng giảm nhưng diễn biến dịch tại các địa phương vẫn phức tạp, trong đó, lực lượng chức năng phòng chống dịch đã ghi nhận nhiều ca nhiễm.
Nhật Bản sẽ tiêm vaccine phòng COVID-19 cho nhóm thiếu niên trong độ tuổi từ 12 - 15. Thông báo được Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản đưa ra vào ngày 11/5. Cho đến nay, vaccine của Pfizer-BioNTech, loại vaccine COVID-19 duy nhất được ủy quyền sản xuất tại Nhật Bản, chỉ được tiêm cho người trong độ tuổi từ 16 trở lên. Tuy nhiên, nếu xác nhận được hiệu quả và mức độ an toàn khi tiêm cho người ở độ tuổi thiếu niên, Nhật Bản sẽ sửa đổi các nguyên tắc chỉ đạo đối với việc tiêm vaccine phòng COVID-19 để có thể tiêm chủng cho nhóm thiếu niên dưới 16 tuổi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!