Hơn 505,53 triệu người trên thế giới đã mắc virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 82,39 triệu ca mắc và gần 1,016 triệu trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 17.500 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Theo dữ liệu mới nhất của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, số ca mắc mới COVID-19 đang tăng ở hơn một nửa số bang của nước này do sự lây lan dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron. Mỹ hiện ghi nhận trung bình 35.000 ca mắc mới COVID-19 mỗi ngày, tăng 19% so với tuần trước và 42% so với 2 tuần trước đây. Số ca tử vong và nhập viện vì COVID-19 mỗi ngày lần lượt là 370 và 1.400. Các chuyên gia cho rằng, số ca mắc mới trên thực tế có thể cao hơn do nhiều trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính tại nhà nhưng không khai báo với cơ quan y tế.
Trong bối cảnh các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tiếp tục gia tăng ở Mỹ cùng với sự lây lan của biến thể BA.2, hai địa điểm ở phía Bắc nước Mỹ là các bang Illinois và Vermont đang trở thành những khu vực hàng đầu về tỷ lệ ca mắc COVID-19 mới.
Theo dữ liệu của CDC Mỹ, tính đến ngày 18/4, khoảng 218 triệu người, tương đương 65,9% dân số Mỹ, đã hoàn thành liều cơ bản vaccine ngừa COVID-19.
CDC Mỹ đã đưa khoảng 90 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới ra khỏi danh sách khuyến cáo không đi du lịch liên quan đến dịch COVID-19. Với quyết định này, Mỹ không còn xếp bất kỳ quốc gia và vùng lãnh thổ nào vào mức cảnh báo cao nhất trong thang cảnh báo 4 cấp độ của nước này.
Mức cảnh báo cấp 4 vốn được áp dụng với những quốc gia và vùng lãnh thổ có số ca mắc mới COVID-19 tăng đột biến, hoặc xuất hiện một biến thể mới đáng lo ngại hoặc hệ thống y tế bị quá tải. Hiện Mỹ đang áp dụng mức cảnh báo "Cấp độ 3: Rủi ro cao lây lan dịch COVID-19" với khoảng 120 quốc gia. Đây là những nơi có hơn 100 ca mắc mới trên 100.000 người trong vòng 28 ngày.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 19/4, nước này ghi nhận tổng cộng trên 43,04 triệu người mắc COVID-19, bao gồm gần 522.000 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.
Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 662.000 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 30,26 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Một phòng khám chuyên khoa đã được thành lập tại thủ đô Canberra của Australia nhằm giúp những người bệnh vượt qua các triệu chứng hậu COVID-19 nghiêm trọng và kéo dài. Theo các chuyên gia y tế, có khoảng 200 triệu chứng liên quan đến hội chứng hậu COVID-19, đặc biệt ở những bệnh nhân đã trải qua điều trị hồi sức tích cực.
Các kết quả nghiên cứu cho thấy, có 33% - 76% người bệnh có thể gặp triệu chứng hậu COVID-19 kéo dài ít nhất 6 tháng sau khi nhiễm bệnh, 20% người bệnh phải tái nhập viện; 80% người bệnh phải theo dõi tại cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu trong vòng 2 tháng sau xuất viện.
Tình trạng này có thể khiến sức khỏe người bệnh bị suy giảm kéo dài, có tác động nghiêm trọng đến khả năng quay trở lại làm việc hoặc tham gia cuộc sống xã hội. Triệu chứng hậu COVID-19 ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần thể chất và có thể gây ra những hậu quả kinh tế đáng kể cho bản thân, gia đình và cho xã hội.
Ngày 19/4, Australia ghi nhận 39.091 ca mắc mới COVID-19 và 18 người thiệt mạng. (Ảnh: AP)
Ngày 19/4, báo chí Lào đưa tin, sau 5 ngày (13 - 17/4) nghỉ Tết cổ truyền với nhiều hoạt động tập trung đông người, Bộ Y tế Lào đã khuyến cáo người dân cần theo dõi tình hình sức khỏe và các biểu hiện như sốt, ho, khó thở… để kịp thời phát hiện có mắc COVID -19 hay không. Những người có các biểu hiện hoặc lo lắng có thể đã mắc COVID-19 cần thực hiện xét nghiệm tại các cơ sở y tế công tại địa phương hoặc tự xét nghiệm nhanh tại nhà. Nếu có kết quả dương tính, người dân nên thông báo cho nhà chức trách để được hỗ trợ, tư vấn.
Dịp Tết cổ truyền của Lào vừa qua đã ghi nhận nhiều hoạt động đi lại nhộn nhịp giữa các tỉnh cũng như việc tụ tập đông người để đón năm mới, điều khiến các giới chức y tế Lào lo ngại về một đợt bùng phát dịch COVID–19 mới trong bối cảnh số ca nhiễm biến thể Omicron được cho là chiếm tới hơn 90% trong số các ca nhiễm tại Lào.
Cùng ngày, Bộ Y tế Lào, cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 958 ca mắc mới và 5 người thiệt mạng vì COVID-19. Tính tới thời điểm hiện tại, Lào đã ghi nhận tổng cộng 201.460 ca bệnh, trong đó 727 trường hợp tử vong.
Trong thông báo cập nhật vào ngày 19/4, giới chức Malaysia cho biết, nước này ghi nhận 7.140 ca mắc mới trong ngày 19/4, nâng tổng số người nhiễm bệnh trên cả nước lên hơn 4,39 triệu trường hợp. Hiện tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại Malaysia cũng tăng lên 35.437 bệnh nhân sau khi có thêm 16 người không qua khỏi trong cùng thời gian trên.
Tính đến ngày 18/4, đã có 84,6% dân số Malaysia được tiêm ít nhất 1 liều vaccine ngừa COVID-19, trong đó 80,5% đã tiêm đủ liều cơ bản và 48,9% đã tiêm liều tăng cường.
Ngày 19/4, thành phố Thượng Hải của Trung Quốc ghi nhận thêm 7 ca tử vong do COVID-19 trong bối cảnh thành phố này vẫn đang thực hiện phong tỏa do số ca mắc tăng nhanh. Ủy ban Y tế Thượng Hải xác nhận, các trường hợp tử vong trong độ tuổi từ 60 - 110 tuổi và đều có bệnh nền như bệnh tim, tiểu đường... Các bệnh nhân này đều có triệu chứng nặng sau khi nhập viện.
Như vậy, tổng số trường hợp không qua khỏi vì COVID-19 tại Thượng Hải là 10 người. Thượng Hải ghi nhận 20.000 ca mắc mới COVID-19 trong ngày 19/4, phần lớn là các ca không triệu chứng.
Chính sách không COVID linh hoạt vẫn là lựa chọn chống dịch tốt nhất với Trung Quốc. Đây là khẳng định của chuyên gia dịch tễ Trung Quốc đưa ra ngày 19/4. Phát biểu với báo giới, trưởng nhóm dịch tễ học tại Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc cho biết, nước này không theo đuổi tuyệt đối chính sách không ca nhiễm, mà thay vào đó là quản lý và ngăn ngừa các đợt bùng phát. Theo các chuyên gia, chính sách không COVID linh hoạt phù hợp với điều kiện thực tế của Trung Quốc, và đạt được hiệu quả xã hội tối đa với chi phí tối thiểu.
Chính quyền Hong Kong (Trung Quốc) cho biết, lượng rác thải dùng một lần ở đặc khu hành chính này đã tăng đáng kể kể từ khi COVID-19 bùng phát. Từ đầu năm đến nay, Hong Kong đã thực hiện cách ly hàng chục nghìn người tại các cơ sở cách ly theo chính sách "Zero COVID".
Tại các địa điểm cách ly, có thể thấy rất nhiều những vật dụng bằng nhựa sử dụng một lần hoặc những đồ dùng được bọc nhựa hoặc túi nilon ở mọi nơi. Các nhân viên làm việc tại đây cũng đều được trang bị đồ bảo hộ cá nhân như áo choàng, găng tay, giày cao cổ, mũ... Mọi vật dụng như bộ điều khiển từ xa hay gối đều được bọc nilon. Tất cả các bữa ăn đều được đựng trong túi nilon và đồ ăn được phục vụ kèm dao dĩa nhựa. Hong Kong sẽ phải xử lý hơn 2.300 tấn rác thải nhựa mỗi ngày, trong đó tỷ lệ tái chế chỉ là hơn 1/10, số còn lại sẽ được chôn lấp.
Lượng rác thải nhựa tại Hong Kong tăng mạnh sau dịch COVID-19. (Ảnh: AP)
Bộ Y tế Nhật Bản đã phê duyệt việc sử dụng vaccine ngừa COVID-19 do công ty dược phẩm Mỹ Novavax phát triển dành cho những người từ 18 tuổi trở lên. Với quyết định này, vaccine của Novavax sẽ là loại vaccine ngừa COVID-19 thứ tư được lưu hành tại Nhật Bản bên cạnh 3 loại vaccine của Pfizer Inc., Moderna Inc. và AstraZeneca Plc.
Bộ Y tế Nhật Bản hy vọng, vaccine của Novavax có thể được sử dụng cho những người có khả năng có phản ứng dị ứng với vaccine công nghệ mRNA trong bối cảnh virus SARS-CoV-2 vẫn chưa được kiểm soát tại Nhật Bản. Bộ trưởng Bộ Y tế Shigeyuki Goto cho biết, vaccine của Novavax được sản xuất dựa trên công nghệ protein và được coi là an toàn và hiệu quả, qua đó sẽ giúp thu hút nhiều người chưa tiêm chủng vì lo ngại các tác dụng phụ.
Chính quyền thành phố Seoul của Hàn Quốc sẽ mở một thư viện ngoài trời tại khu Seoul Plaza trước Tòa thị chính cuối tuần này, sau khi tất cả quy định giãn cách xã hội được dỡ bỏ. Đây sẽ là sự kiện ngoài trời đầu tiên được tổ chức tại Seoul Plaza sau 2 năm đại dịch COVID-19.
Ngày 19/4, chính quyền Seoul, Hàn Quốc cho biết, Thư viện ngoài trời tại Seoul sẽ mở từ 11h - 16h các ngày thứ Sáu và thứ Bảy hàng tuần, từ tuần này đến cuối tháng 10 tới. Thư viện sẽ đóng cửa vào mùa mưa, tức tháng 7 và 8. Những người ghé thăm thư viện ngoài trời này sẽ có cơ hội đọc khoảng 3.000 đầu sách hoặc những cuốn sách được mượn từ Thư viện thành phố Seoul. Những túi hạt đậu, ô và thảm dã ngoại sẽ được chuẩn bị sẵn để phục vụ khách.
Khoảng 49% số trường hợp mắc hội chứng COVID-19 kéo dài (long COVID) sẽ phải chịu đựng các triệu chứng kéo dài dai dẳng hơn 4 tháng sau khi chẩn đoán. Đây là kết quả được đưa ra trong một phân tích tổng hợp từ 50 nghiên cứu thực hiện trên toàn cầu.
Trong một báo cáo được công bố trên Tạp chí Bệnh truyền nhiễm (The Journal of Infectious Diseases) vào tuần trước, các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Michigan đã phát hiện ra rằng, tỷ lệ các trường hợp mắc hội chứng COVID kéo dài khoảng 1 tháng là 37%, trong khi đó ở 25% số trường hợp, quãng thời gian này kéo dài 2 tháng và 32% số trường hợp kéo dài 3 tháng.
Kết quả phân tích tổng hợp cũng cho thấy, tỷ lệ nữ giới mắc hội chứng COVID kéo dài cao hơn nam giới (49% so với 37%), trong đó bệnh hen suyễn bẩm sinh là một yếu tố dễ dẫn đến nguy cơ mắc hội chứng này.
Kết quả một nghiên cứu quốc tế mới được công bố trên tạp chí Clinical & Translational Immunology cho thấy, tiêm phòng vaccine COVID-19 sau khi mắc và khỏi bệnh tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh hơn đáng kể so với những người tiêm khi chưa mắc bệnh. Kết quả cho thấy, phản ứng miễn dịch ở những người đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 sau khi khỏi bệnh mạnh hơn nhiều so với những người tiêm vaccine nhưng không có tiền sử mắc bệnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!