Số ca mắc tại Campuchia vẫn tăng gần 1.000 ca/ngày, dịch bệnh diễn biến khó lường ở Indonesia

Quỳnh Chi (Theo Worldometers)-Thứ tư, ngày 07/07/2021 06:13 GMT+7

Hơn 185,2 triệu người trên thế giới đã nhiễm virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)

VTV.vn - Đến sáng 7/7, thế giới có trên 185,2 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 4 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.


Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 34,6 triệu ca mắc và hơn 621.500 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 5.400 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Tất cả 50 bang và thủ đô Washington D.C. đã báo cáo các trường hợp dương tính với biến thể Delta, được cho là có khả năng lây truyền cao hơn các chủng khác. Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết, dù các chuyên gia nhấn mạnh vaccine là biện pháp bảo vệ tốt nhất và cung cấp khả năng bảo vệ mạnh mẽ chống lại biến thể, nhưng tại một số bang, tỷ lệ người dân tiêm chủng vaccine phòng bệnh vẫn ở mức thấp.

Ngày 6/7, Tổng thống Mỹ Biden đã kêu gọi những người Mỹ chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19 khẩn trưởng đi tiêm phòng và gọi đây là hành động yêu nước. Lời kêu gọi của Tổng thống Biden được đưa ra trong bối cảnh số ca mắc biến thể Delta đang trở nên ngày một nhiều, đặc biệt ngày càng có nhiều người trẻ tuổi mắc COVID-19 hơn do đây là đối tượng chưa được tiêm vaccine.

Tổng thống Biden cho biết, chính quyền của ông đã không đạt được mục tiêu 70% người lớn được tiêm phòng ít nhất một mũi trước ngày 4/7. Tuy nhiên, ông Biden nhấn mạnh, 160 triệu người Mỹ sẽ được tiêm chủng đầy đủ vào cuối tuần này. Để đẩy nhanh hơn nữa chiến dịch tiêm chủng, Tổng thống Biden cho biết sẽ cung cấp vaccine ở nhiều cấp cơ sở y tế hơn, chuyển từ các điểm tiêm chủng đại trà sang phương pháp tiếp cận cộng đồng.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 6/7, nước này ghi nhận hơn 43.300 ca mắc mới COVID-19 và 909 trường hợp tử vong. Hiện tổng cộng trên 30,6 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 404.200 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.

Trong lúc này, Ấn Độ cho biết sẽ chia sẻ ứng dụng quản lý tiêm chủng COVID-19 có tên gọi CoWIN cho tất cả các quốc gia trên thế giới. Mục tiêu là nhằm tăng cường hệ thống kỹ thuật số trong cuộc chiến chống dịch. Phát biểu tại một sự kiện, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết, phần mềm CoWIN sẽ trở thành nền tảng mã nguồn mở. Ấn Độ sẽ chia sẻ nền tảng này với tất cả các quốc gia. Đến nay, CoWIN đã được sử dụng để tiêm 350 triệu liều vaccine COVID-19 tại Ấn Độ. Thủ tướng Modi nhấn mạnh, trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, mọi người cần chung tay và chia sẻ kinh nghiệm. Đến nay, đã có hơn 50 quốc gia đã bày tỏ quan tâm đến nền tảng quản lý tiêm chủng CoWIN của Ấn Độ.

Giới chức Ấn Độ mới đây cho biết, có hàng nghìn người là nạn nhân của một vụ lừa đảo tinh vi liên quan đến tiêm vaccine COVID-19 giả ở Ấn Độ. Một số nhân viên y tế đã bị bắt vì liên quan đến đường dây này. Theo giới chức Ấn Độ, các điểm tiêm vaccine giả xuất hiện vào cuối tháng 5, đầu tháng 6. It nhất 12 điểm tiêm vaccine giả mạo đã được dựng lên ở Mumbai, bang Maharashtra.

Ước tính khoảng 2.500 người đã bị tiêm nước muối và thu tiền tiêm phòng. Những kẻ đứng sau có thể đã thu lợi bất chính 28.000 USD (640 triệu đồng). Đường dây này tinh vi đến nỗi đã sử dụng một bệnh viện để cung cấp chứng nhận vaccine giả, lọ vaccine giả và kim tiêm. Cho đến nay, 14 người đã bị bắt với cáo buộc gian lận, âm mưu giết người và các tội danh khác.

Trong 24 giờ qua, Brazil ghi nhận trên 62.500 ca mắc COVID-19. Đến nay, gần 526.900 bệnh nhân COVID-19 đã không qua khỏi trong tổng số trên 18,8 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Số ca mắc tại Campuchia vẫn tăng gần 1.000 ca/ngày, dịch bệnh diễn biến khó lường ở Indonesia - Ảnh 1.

Hàng nghìn người ở Ấn Độ đã bị tiêm vaccine giả. (Ảnh: AP)

Thủ tướng Anh Boris Johnson xác nhận, đeo khẩu trang và giãn cách xã hội sẽ không còn là quy định bắt buộc trong giai đoạn cuối cùng của lộ trình dỡ bỏ phong tỏa tại nước này dự kiến vào ngày 19/7 tới. Phát biểu tại cuộc họp báo tại phố Downing, Thủ tướng Johnson cho biết, quyết định cuối cùng về dỡ bỏ phong tỏa sẽ được đưa ra vào ngày 12/7 sau khi Chính phủ Anh đánh giá dữ liệu mới nhất.

Theo ông Johnson, Anh có thể chấm dứt phần lớn những biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19 là nhờ vào thành công của chương trình tiêm chủng. Nếu lệnh phong tỏa được dỡ bỏ vào ngày 19/7 tới, các câu lạc bộ đêm và quầy bar ở Anh lần đầu tiên có thể mở cửa trở lại kể từ khi đại dịch bùng phát mà không phải áp dụng những quy định về giãn cách xã hội, bao gồm quy tắc giữ khoảng cách trên 1m.

Ngày 6/7, Anh thông báo kế hoạch sẽ nới lỏng hơn nữa các hạn chế chống dịch COVID-19 bất chấp cảnh báo rằng số ca mắc mới theo ngày có thể tăng lên tới mức 100.000 ca/ngày. Bộ trưởng Bộ Y tế Anh Sajid Javid cho biết, từ ngày 16/8 tới, những người trưởng thành đã hoàn thành 2 mũi tiêm vaccine ngừa COVID-19 sẽ không cần tự cách ly nếu tiếp xúc gần với người nhiễm virus. Thay vào đó, những người này sẽ tiến hành xét nghiệm và chỉ cách ly nếu có kết quả dương tính. Những quy định tương tự cũng sẽ áp dụng với những đối tượng dưới 18 tuổi, chưa được tiêm vaccine tại Anh. Lãnh đạo Bộ Y tế Anh cho biết, quy định mới sẽ có hiệu lực trước khi học sinh được phép trở lại trường vào tháng 9 sau nhiều tháng đóng cửa hoàn toàn.

Trước các lo ngại và chỉ trích về việc các cổ động viên bóng đá đang làm lây lan nhanh dịch COVID-19 trên toàn châu Âu, Thủ tướng Anh Boris Johnson kêu gọi, các cổ động viên hãy có trách nhiệm trong thời gian còn lại của EURO 2020, khi cả 3 trận đấu đều diễn ra trên đất Anh. Ông Boris Johnson cho rằng, các cổ động viên bóng đá cổ vũ một cách nhiệt tình nhưng có trách nhiệm, đồng thời khẳng định, Chính phủ Anh sẽ đặc biệt chú trọng đến quy định xét nghiệm cổ động viên vào sân, để các trận đấu còn lại diễn ra an toàn.

Cuối tuần qua, Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, EURO 2020 đang làm số ca mắc COVID-19 tại châu Âu tăng 10% trong tuần qua, chấm dứt hơn 2 tháng dịch suy giảm. Cả 3 trận đấu còn lại của EURO, bao gồm 2 trận bán kết và 1 trận chung kết, đều sẽ được tổ chức tại sân vận động Wembley ở thủ đô London, đón tiếp khoảng 60.000 cổ động viên.

Ngày 6/7, Bộ trưởng Ngân khố Australia Josh Frydenberg kêu gọi Chính phủ và người dân nước này cần làm quen với việc "sống chung với dịch bệnh COVID-19". Ông Frydenberg cho rằng, Australia cần chuyển trọng tâm từ việc kiểm soát số ca nhiễm sang việc sống chung với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, nâng cao tỷ lệ tiêm chủng để giảm thiểu mối đe dọa về số ca bệnh nặng phải nhập viện và số ca tử vong. Ông Frydenberg nhấn mạnh, người dân Australia cần làm quen với việc sống chung với COVID-19 vì hiện tại, việc loại trừ hoàn toàn virus gây bệnh là không thể.

Nhận định trên của ông Frydenberg phù hợp với các ý kiến do Thủ tướng Australia Scott Morrison và Giám đốc Y tế Liên bang Paul Kelly đưa ra tuần trước, khi ông Morrison thông báo kế hoạch 4 giai đoạn phòng chống đại dịch dựa trên các ngưỡng tiêm chủng cần đạt được cho mỗi giai đoạn.

Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) của Đức ngày 5/7 thông báo, cơ quan này sẽ điều chỉnh phân loại 5 nước gồm Ấn Độ, Nepal, Nga, Bồ Đào Nha và Anh từ danh sách các nước xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2, chuyển sang danh sách các nước có tỷ lệ lây nhiễm cao. Theo đó, Đức sẽ gỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh đối với tất cả mọi người đến từ các nước kể trên, ngoài các đối tượng là công dân và người lưu trú dài hạn tại Đức. Việc điều chỉnh có hiệu lực từ ngày 7/7.

Theo kế hoạch điều chỉnh, mọi đối tượng từ những nước có tỷ lệ lây nhiễm cao được phép nhập cảnh vào Đức nếu đảm bảo các yêu cầu có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 và tham gia cách ly 10 ngày. Thời gian cách ly có thể giảm xuống còn 5 ngày nếu kết quả xét nghiệm sau đó tiếp tục âm tính với virus này.

Chỉ có các đối tượng là công dân và người cư trú tại Đức từ các nước nằm trong danh sách xuất hiện biến thể SARS-CoV-2 được phép trở về nước nếu đảm bảo cách ly 2 tuần bất kể đã tiêm chủng đẩy đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính. Hiện danh sách các nước xuất hiện biến thể SARS-CoV-2 của Đức có Nam Phi và Brazil.

Trước sự nguy hiểm của biến thể Delta có tính lây lan mạnh hơn, Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) của Đức đã nâng mục tiêu bao phủ tiêm chủng ở nước này từ 80% lên mức 85% để có thể đạt miễn dịch cộng đồng. Trong khi đó, nhiều chính trị gia Đức kêu gọi người dân tham gia tiêm chủng để có thể dỡ bỏ các biện pháp chống dịch vào tháng 8 tới.

Số ca mắc tại Campuchia vẫn tăng gần 1.000 ca/ngày, dịch bệnh diễn biến khó lường ở Indonesia - Ảnh 2.

Ngày 6/7, Indonesia ghi nhận số ca mắc mới cao kỷ lục với 31.189 trường hợp. (Ảnh: AP)

Sự xuất hiện của biến chủng Delta đang làm số ca mắc mới COVID-19 ở Indonesia không ngừng gia tăng. Tình hình trên đã đẩy các bệnh viện ở nước này vào nguy cơ quá tải. Công suất sử dụng giường bệnh trên cả nước ở mức trên 75%. Một số bệnh viện tại đảo Java, mức công suất phục vụ là hơn 90%. Dịch cũng làm trầm trọng tình trạng thiếu oxy tại các bệnh viện ở nước này.

Ngày 6/7, Indonesia ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 cao kỷ lục với 31.189 trường hợp và 728 người tử vong. Đến nay, tổng cộng trên 2,34 triệu người đã nhiễm COVID-19 tại quốc gia này, bao gồm 61.868 bệnh nhân thiệt mạng.

Chính phủ Indonesia đã đề nghị một số quốc gia, trong đó có Singapore và Trung Quốc, hỗ trợ nước này ứng phó với làn sóng dịch COVID-19 vốn đang diễn biến phức tạp và khó lường hiện nay. Ngày 6/7, Bộ trưởng Điều phối các vấn đề hàng hải và đầu tư Luhut Binsar Pandjaitan cho biết, đây là một phần trong kịch bản ứng phó với số ca mắc mới COVID-19 ở ngưỡng 40.000 - 70.000 ca/ngày.

Bộ Y tế Lào thông báo, ngày 6/7, nước này ghi nhận 56 ca mắc mới COVID-19, trong đó có đến 55 trường hợp là người lao động nhập cảnh về nước từ Thái Lan được cách ly ngay và chỉ có một ca trong cộng đồng tại tỉnh Vientiane. Dù số ca lây nhiễm trong cộng đồng có xu hướng giảm, nhưng để đảm bảo hiệu quả phòng bệnh, Bộ Y tế Lào tiếp tục vận động người dân tiêm đủ hai mũi vaccine. Bộ trên cũng cảnh báo, người dân vẫn có thể mắc COVID-19 kể cả đã tiêm vaccine đầy đủ. Chính vì vậy, người dân cần tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 hiện hành, tăng cường đoàn kết và hợp tác với chính quyền trong việc đẩy lùi đại dịch.

Tính đến ngày 3/7, tại Lào, khoảng 942.835 người là nhân viên y tế tuyến đầu, người trên 60 tuổi, nhân viên làm việc tại các điểm nhập cảnh vào Lào và tại các trung tâm kiểm dịch, cũng như nhân viên ngoại giao đã được tiêm một mũi vaccine, trong khi 587.832 người đã được tiêm đủ hai mũi. Đến nay, Lào đã nhận được trên 2 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 các loại từ cơ chế tiếp cận vaccine công bằng COVAX và Trung Quốc. Lào hiện có tổng cộng 2.356 bệnh nhân COVID-19 và 3 người tử vong.

Số ca mắc mới COVID-19 ở mức cao xấp xỉ 1.000 ca/ngày, số ca nhập cảnh mắc COVID-19 và số người tử vong vì đại dịch liên tục ở mức cao vẫn là diễn biến chung của tình hình dịch bệnh tại Campuchia trong thời gian gần đây. Ngày 6/7, Bộ Y tế Campuchia xác nhận có thêm 935 ca mắc COVID-19 (bao gồm cả 155 người nhập cảnh), nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này kể từ khi dịch bùng phát vượt mốc 56.000 trường hợp. Ngày 6/7 cũng là một ngày tồi tệ với Campuchia khi số ca tử vong vì COVID-19 tại đây ở mức cao thứ hai từ đầu dịch với 31 người thiệt mạng. Tới nay, tổng cộng 779 người không qua khỏi vì COVID-19 tại quốc gia này.

Giữa lúc dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, vacine COVID-19 vẫn là giải pháp hữu hiệu giúp ngăn ngừa, hạn chế đà lây lan. Tuy nhiên, nguồn cung vaccine toàn cầu vẫn còn hạn chế, tình trạng bất bình đẳng vaccine vẫn hiện hữu. Trước tình trạng này, Hàn Quốc đang thúc đẩy đàm phán với các nhà sản xuất vaccine công nghệ mRNA để sản xuất vaccine mRNA tại nước này. Nếu được đồng ý, kế hoạch trên sẽ giúp giảm bớt tình trạng khan hiếm nguồn cung vaccine trên toàn cầu, đặc biệt là tại châu Á. Theo giới chức Hàn Quốc, nếu các nhà sản xuất đồng ý, Hàn Quốc có khả năng sản xuất, cung cấp tới 1 tỷ liều vaccine. 

Hiện Hàn Quốc đã đạt được thỏa thuận sản xuất vaccine tại nước này đối với các vaccine AstraZeneca, Novavax và Sputnik-V. Hàn Quốc cũng có hợp đồng đóng gói, đóng chai với vaccine của Moderna. Tuy nhiên, các hãng sản xuất vaccine mRNA là Pfizer/BioNtech, Moderna, CureVac từ chối đưa ra bình luận về thông tin trên.

Hàn Quốc và Israel sẽ trao đổi vaccine nhằm tránh nguy cơ lãng phí vaccine sắp hết hạn. Theo đó, Israel sẽ gửi 700.000 liều vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer-BioNTech hết hạn vào cuối tháng 7 để Hàn Quốc sử dụng ngay. Đổi lại, Israel sẽ nhận lại số liều tương tự từ các đơn tháng 9 đến tháng 11 của Hàn Quốc. Dự kiến, số vaccine này sẽ được chuyển tới Hàn Quốc ngay trong ngày 7/7 để tiêm luôn cho người dân Seoul, nơi đang chứng kiến số ca mắc tăng đột biến. Hàn Quốc đang đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng nhưng cũng vẫn gặp tình trạng thiếu nguồn cung.

Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo, các nước nên cẩn trọng và từ tốn hơn trong việc nới lỏng các biện pháp phòng dịch COVID-19 và mở cửa trở lại bình thường. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh nhiều quốc gia châu Âu đang bắt đầu nới lỏng các hạn chế. Theo người đứng đầu chương trình khẩn cấp của WHO, đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc và một làn sóng lây nhiễm mới có thể xảy ra vào mùa thu tới. Hiện các quốc gia ở châu Mỹ vẫn đang ghi nhận khoảng 1 triệu ca nhiễm mới mỗi tuần, ở châu Âu là 0,5 triệu trường hợp. Trong bối cảnh một làn sóng mới là không thể tránh khỏi, các nước cần phải cẩn trọng. 

Với đặc điểm dễ lây lan, khó truy vết, biến thể Delta lần đầu xuất hiện tại Ấn Độ đã xuất hiện tại 98 quốc gia và đang chiếm đa số các ca nhiễm mới tại nhiều nước. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, thế giới đang ở trong giai đoạn nguy hiểm nhất của dịch COVID-19 do biến thể này gây ra.

Là 1 trong 4 biến thể thuộc danh sách đáng quan ngại của WHO, mang đột biến kép, biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao hơn 55% so với biến thể Alpha lần đầu phát hiện tại Anh, tức là lây lan nhanh gấp 2 lần so với chủng virus ban đầu. Biến thể Delta có thời gian ủ bệnh ngắn, chỉ khoảng 2 - 4 ngày so với các chủng trước đó là 5 - 7 ngày. Nó cũng mang các triệu chứng khác, trong đó đau đầu là triệu chứng phổ biến nhất, sau đó là đau họng, sổ mũi và sốt, khác với triệu chứng sốt, ho dai dẳng, mất vị giác, khứu giác của chủng virus trước đây.

Biến thể Delta khiến dịch lây lan nhanh tại nhiều nước từ châu Á tới châu Âu, Mỹ, thậm chí là tại các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao như Israel, Anh, các nước EU. Nhiều nước buộc phải tái áp đặt các biện pháp hạn chế do lo ngại sự lây lan của biến thể này. Trước diễn biến dịch hiện tại và sự thống trị của biến thể Delta, các thành quả phòng dịch toàn cầu cũng bị đe dọa lật đổ.

Chúng ta đã biết gì về biến thể COVID-19 mới mang tên Lambda? Chúng ta đã biết gì về biến thể COVID-19 mới mang tên Lambda? Biến thể Delta lây lan nhanh, khó truy vết khiến dịch bùng phát trở lại Biến thể Delta lây lan nhanh, khó truy vết khiến dịch bùng phát trở lại Tiêm vaccine - yếu tố quan trọng để sống chung với COVID-19 Tiêm vaccine - yếu tố quan trọng để sống chung với COVID-19

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước