Theo Liên Hợp Quốc, năm 2021, khu vực châu Phi cận Sahara ghi nhận 48% số người thiệt mạng được cho là do các nhóm khủng bố trên thế giới gây ra. Các nhóm khủng bố như Al-Qaeda, Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và các chi nhánh của chúng liên tục được mở rộng và xâm nhập vào các khu vực khác nhau của châu Phi. Các nhóm khủng bố lợi dụng những cuộc xung đột sắc tộc và các yếu tố khác để làm leo thang bạo lực, thúc đẩy bất ổn.
Liên Hợp Quốc nhấn mạnh rằng để chống lại chủ nghĩa khủng bố hiệu quả, các quốc gia cần giải quyết các vấn đề như thể chế yếu kém, bất bình đẳng, nghèo đói và bất công.
Trước đó, vào ngày 5/6, Liên minh châu Phi (AU) đã bày tỏ đặc biệt quan ngại về tình hình an ninh và nhân đạo ngày càng xấu đi ở khu vực Sahel. Trong tuyên bố, Hội đồng Hòa bình và An ninh của AU "bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình an ninh, chính trị và nhân đạo xấu đi nhanh chóng ở khu vực Sahel, đặc biệt là tình trạng các vụ tấn công khủng bố vẫn tiếp diễn và số người thiệt mạng gia tăng, cũng như những thách thức kinh tế - xã hội tiếp tục ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực".
AU cũng lo ngại về mối đe dọa khủng bố từ vùng Sahel lan sang các nước vịnh Guniea.
Tuyên bố của AU lên án mạnh mẽ mọi cuộc tấn công của những phần tử khủng bố, các nhóm vũ trang và tội phạm nhằm vào dân thường, các tổ chức an ninh của các quốc gia trong khu vực, cũng như Phái bộ Liên Hợp Quốc tại Mali (MINUSMA) và các lực lượng quốc tế khác.
Ngoài ra, tuyên bố cảnh báo về những thách thức kinh tế - xã hội hiện nay như sự bất bình của công chúng, tình trạng kém phát triển, tác động của biến đổi khí hậu, thâm hụt ngân sách và khủng hoảng nhân đạo do đại dịch COVID-19 gây ra.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!