Cách đây chỉ 3 tuần, nước Anh công bố kế hoạch chi tiêu quốc phòng, được xem là chương trình đầu tư lớn nhất cho lực lượng vũ trang nước này kể từ sau Chiến tranh lạnh. Quyết định đưa ra mặc dù Anh cũng là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng của dịch COVID-19.
Thủ tướng Boris Johnson giải thích cho kế hoạch quốc phòng mới bằng nhận định, tình hình thế giới đang ngày càng nguy hiểm và cạnh tranh đang căng thẳng hơn bất cứ thời điểm nào sau chiến tranh lạnh. Có lẽ không chỉ một mình ông Johnson và nước Anh đánh giá như vậy.
Thủ tướng Anh Boris Johnson (Ảnh: AP)
Trong suốt năm qua, dù sự tập trung nguồn lực dồn cho dịch bệnh, truyền thông vẫn liên tục ghi nhận các kế hoạch điều chỉnh chi tiêu quân sự trên khắp thế giới. Đây là năm thứ 6 liên tiếp NATO tăng chi tiêu quốc phòng. Hoạt động mua sắm vũ khí sôi động tại châu Á, tại Trung Đông, và các nước tiềm ẩn nhiều đối đầu quanh Địa Trung Hải. Tập trận chung trên không, trên bộ, trên biển vẫn sôi động ở hầu hết các điểm nóng.
Chạy đua vũ trang là hiện thực tồn tại lâu nay, một biểu hiện của sự thiếu lòng tin giữa các quốc gia, biểu hiện cho những thách thức về an ninh, cạnh tranh, đối đầu gia tăng. Năm 2020, chạy đua vũ trang vẫn lạnh lùng và trực chờ nguy cơ như một cơn sóng ngầm. Hiện thực này đặt thế giới trước những suy nghĩ gì về hoà bình, an ninh và ổn định.
Nguy cơ chạy đua vũ trang mới
Ngày 10/12, Thượng viện Mỹ thất bại trong việc ngăn chặn chính quyền Tổng thống Donald Trump bán vũ khí cho UAE. Thỏa thuận trị giá 23 tỷ USD sẽ nâng cấp nặng lực quốc phòng cho quốc gia vùng Trung Đông với 50 máy bay chiến đấu F35, 20 máy bay không người lái Reaper, loại tối tân nhất hiện nay và nhiều loại bom đạn khác. Các nhà lập pháp Mỹ lo ngại thương vụ này nếu được thông qua có thể khởi đầu một cuộc chạy đua vũ trang mới ở một khu vực bất ổn.
Iran cũng tuyên bố sẽ tự do mua và bán các loại vũ khí sau khi lệnh cấm vận vũ khí do Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hết hiệu lực. Mua sắm vũ khí, hiện đại hóa quân đội cũng là tham vọng của một số nước. Thủ tướng Anh Boris Johnson mới đây đã công bố chương trình đầu tư quốc phòng lớn nhất của nước này dành cho các lực lượng vũ trang kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc.
Theo báo cáo của Viện nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), chi tiêu quốc phòng của các nước trên thế giới năm 2019 đã tăng 3,6% so với năm 2018. Mỹ vẫn là nước có chi tiêu lớn nhất với mức chi tiêu bằng tổng chi tiêu của 10 nước xếp sau gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Saudi Arabia, Pháp, Đức, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc và Brazil.
Cuộc đua vũ trang cũng phần nào được thể hiện trong báo cáo của SIPRI. Tổng doanh thu của 25 công ty sản xuất vũ khí hàng đầu thế giới trong năm 2019 tăng 8,5% lên 361 tỷ USD, gấp 50 lần ngân sách hằng năm dành cho các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Mỹ và Trung Quốc thống lĩnh thị trường vũ khí thế giới trong năm 2019.
Ở chiều nhập khẩu, Ấn Độ đã trở thành quốc gia nhập khẩu vũ khí nhiều thứ 3 thế giới. Trong 10 năm qua nước này đã chi nhiều hơn bất kỳ nước nào trên thế giới để mua vũ khí từ nước ngoài. Chỉ riêng trong năm nay, quốc gia Nam Á này đã mua 3,4 tỷ USD vũ khí từ Mỹ.
Bảng xếp hạng của SIPRI còn cho thấy, các tập đoàn của châu Âu cũng chiếm tỷ trọng quan trọng. Xét về doanh thu, các công ty châu Âu cũng ngang tầm với Mỹ và Trung Quốc.
Sự không toàn vẹn trong các hiệp ước hạn chế vũ khí
Chỉ trong tháng 11 vừa qua, Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở và tuyên bố không gia hạn Hiệp ước Cắt giảm và Hạn chế vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) với Nga, dự kiến hết hạn vào tháng 2 năm tới. Một năm trước đó, vào tháng 8/2019, Mỹ cũng chính thức rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF). Loạt động thái này đã tạo ra những lo ngại về sự mất cân bằng và ổn định chiến lược toàn cầu.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres bày tỏ sự lo ngại về căng thẳng gia tăng giữa các quốc gia trang bị vũ khí hạt nhân: "Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân tầm trung (INF) là một thỏa thuận mang tính bước ngoặt đã giúp ổn định châu Âu và chấm dứt Chiến tranh lạnh. Khi nó kết thúc, thế giới mất đi một cái phanh vô giá đối với việc ngăn chặn chiến tranh hạt nhân. Và điều này sẽ làm gia tăng các mối đe dọa do tên lửa đạn đạo gây ra. Bất kể điều gì xảy ra, các bên cần tránh tạo ra các diễn biến và khẩn trương tìm kiếm thỏa thuận về một con đường chung mới để kiểm soát vũ khí quốc tế".
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres (Ảnh: AP)
Các thiết chế quốc tế đa phương dần mất đi vai trò khi các cường quốc đang rút dần khỏi các cơ chế này. Thiếu đi các cơ chế kiểm soát đa phương, nguy cơ tạo ra một khoảng trống phát triển vũ khí hạt nhân chiến lược tăng cao. Các quốc gia có thể tự phát triển các loại vũ khí mới, tăng cường các hoạt động thử nghiệm hạt nhân, tên lửa đạn đạo, thậm chí có thể dẫn đến các cuộc chạy đua vũ trang giữa các cường quốc hạt nhân, nguy cơ đẩy thế giới đến bên lề một cuộc Chiến tranh lạnh mới.
Có nhiều ý kiến cho rằng, chi tiêu quốc phòng toàn cầu tăng đột biến trong thập kỷ qua nhưng có thể bị đảo ngược do hậu quả của đại dịch COVID-19 và nguy cơ suy thoái kinh tế. Cắt giảm chi tiêu quốc phòng có thể sẽ là lựa chọn để cân bằng với các nhu cầu chi tiêu khác dành cho an sinh.
Tuy nhiên, Viện nghiên cứu Hoà bình quốc tế Stockholm cho rằng, chuyện giảm ngân sách quốc phòng trong bối cảnh khủng hoảng sẽ không kéo dài, có thể từ 1 đến 3 năm, rồi tăng lên trở lại những năm sau đó. Từ năm 2019 - 2020, chính sách, chiến lược quốc phòng, sự xác định thách thức an ninh, quốc phòng và trọng tâm chiến lược của các nước, nhất là nước lớn có nhiều thay đổi. Các vận động quốc phòng cũng sẽ hướng theo những vận động chiến lược mới này. Để tránh khỏi một cuộc chạy đua vũ trang ồ ạt, gây bất ổn an ninh toàn cầu, việc phát huy vai trò của các cơ chế đa phương, các cơ chế kiểm soát, giám sát đa phương và sự cam kết ràng buộc trách nhiệm của các nước theo các công ước, hiệp ước đã ký vẫn là giải pháp tốt nhất.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!