1. Khủng hoảng Syria "nóng" tại Phiên họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc
Phiên họp cấp cao thường niên của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (ĐHĐ LHQ) đêm 20/9 đã chính thức khai mạc tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Mỹ.
Lãnh đạo các nước trên thế giới đã đưa ra quan điểm về các vấn đề nóng trên thế giới được dư luận hết sức quan tâm như, tình trạng biến đổi khí hậu, khủng hoảng người di cư, việc Anh rời Liên minh châu Âu, đặc biệt là khủng hoảng Syria, sau vụ tấn công đoàn xe cứu trợ của Liên Hợp Quốc ở thành phố Aleppo.
Ngoại trưởng Syria Walid al-Moallem phát biểu trước Đại hội đồng LHQ (Ảnh: AP)
Trong bài phát biểu cuối cùng trên cương vị Tổng thống Mỹ trước toàn thể Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, ông Obama đã đề cập nhiều vấn đề lớn của thế giới như cuộc khủng hoảng người di cư, vấn đề Biển Đông, tiến trình hòa bình Trung Đông. Vấn đề Syria được nhà lãnh đạo Mỹ đặc biệt quan tâm.
Theo ông Obama, tình hình Syria hiện nay là không chấp nhận được. Thế giới chưa thống nhất quan điểm trong việc chấm dứt khủng hoảng Syria. Ông Obama khẳng định ngoại giao là con đường duy nhất để chấm dứt xung đột đã kéo dài 5 năm qua tại quốc gia này.
Ước tính, cuộc khủng hoảng Syria kéo dài hơn 5 năm qua, đến nay đã cướp đi mạng sống của của hơn 300.000 người và gây ra một cuộc khủng hoảng di cư nghiêm trọng nhất tại châu Âu hiện nay.
2. Nước Mỹ đang chìm trong bất ổn
Cảnh sát Mỹ đang điều tra 3 vụ tấn công liên tiếp gồm 2 vụ nổ ở New York và New Jersey và một vụ tấn công bằng dao ở Minnesota trong cùng một ngày 17/9 vừa qua. Đặc biệt, vụ nổ vào tối 17/9 đã làm xáo động khu phố Chelsea, Manhattan, Mỹ và khiến ít nhất 29 người bị thương. Vụ nổ xảy ra vào thời điểm cuối tuần, lúc 20h30 tối 17/9, khi khu phố đang đông đúc nhiều người qua lại.
Hiện trường vụ nổ ở Chelsea, Manhattan (Ảnh: Getty)
Tiếp đó, sáng 19/9, chưa đầy một ngày sau vụ nổ rung chuyển New York, cảnh sát Mỹ đã tìm thấy 5 thiết bị nổ trong một vali đáng ngờ ở New Jersey. 1 trong 5 thiết bị nói trên đã phát nổ khi robot của cảnh sát đang tiến hành vô hiệu hóa các thiết bị này.
Khoảng 19h ngày 23/9 (theo giờ địa phương) tại trung tâm thương mại Cascade, thành phố Burlington, bang Washington, một vụ xả súng đã nổ ra làm 4 người thiệt mạng. Kẻ tấn công đã trốn khỏi hiện trường khi cảnh sát có mặt.
3. 500 triệu tài khoản Yahoo bị tin tặc tấn công
Tập đoàn Yahoo hôm 23/8 lên tiếng thừa nhận, 500 triệu tài
khoản Yahoo đã bị tin tặc tấn công.
Đây là vụ công khai lỗ hổng mạng lớn nhất trong lịch sử.
Theo Yahoo, thủ phạm là "một nhân tố được Nhà nước bảo trợ". Vụ
tấn công xảy ra từ năm 2014. Dữ liệu của người dùng Yahoo bị tin tặc đánh cắp gồm:
tên, địa chỉ email, số điện thoại, ngày sinh và các mật khẩu mã hóa. Tuy nhiên,
Yahoo khẳng định, thông tin thẻ thanh toán và thông tin tài khoản ngân hàng
không bị ảnh hưởng. Yahoo khuyến cáo, người dùng nào 2 năm nay chưa đổi mật khẩu
thì nên đổi ngay.
Yahoo đang phải đối mặt với vụ kiện lớn
Ngay sau đó, ông Ronald Schwartz, đại diện cho nhóm người
dùng Yahoo tại Mỹ bị đánh cắp tài khoản hôm 23/9 đã đệ đơn kiện lên tòa án
liên bang tại thành phố San Jose, bang California. Đơn kiện cáo buộc Yahoo đã
hành động "thiếu trách nhiệm đối với thông tin cá nhân của người
dùng", đi ngược lại cam kết bảo mật thông tin của hãng. Nguyên đơn cũng chỉ
trích sự chậm trễ của hãng trong việc công bố vụ đánh cắp thông tin xảy ra từ
năm 2014.
4. Tổng thống Mỹ phủ quyết dự luật JASTA
Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 23/9 đã phủ quyết dự luật
"Công lý chống hành động bảo trợ khủng bố" (gọi tắt là JASTA).
Đây là dự luật cho phép gia đình và thân nhân các nạn nhân vụ tấn
công khủng bố 11/9/2001 kiện Saudi Arabia. Quyết định trên có nguy cơ làm
gia tăng tâm lý bất bình trong công chúng và hành động phản kháng từ phía Quốc
hội Mỹ.
Dù bày tỏ "sự đồng cảm sâu sắc" với gia đình các nạn
nhân vụ 11/9, song Tổng thống Obama cho rằng dự luật JASTA sẽ "gây
phương hại cho các lợi ích quốc gia của Mỹ". Nếu dự luật được ban hành,
quan hệ đồng minh thân cận giữa Mỹ và Saudi Arabia có nguy cơ leo thang căng thẳng.
Bên cạnh đó, Chính phủ Mỹ cũng quan ngại JASTA sẽ tạo ra một tiền lệ nguy hiểm
trên phương diện pháp lý và làm xói mòn nguyên tắc quyền miễn trừ pháp lý của một
quốc gia.
5. Đảng của Thủ tướng Đức thất bại tại cuộc bầu cử Nghị viện
Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Đức Angela
Merkel đã hứng chịu thất bại thứ 2 tại cuộc bầu cử Nghị viện ở thủ đô Berlin.
Theo kết quả sơ bộ, CDU giành được 18% phiếu ủng hộ, giảm từ
23,3% trong cuộc bầu cử ở Berlin năm 2011. Sự ủng hộ dành cho bà Merkel bị sụt
giảm là do cử tri phản đối chính sách mở cửa cho người di cư.
Trong khi đó, đảng "Sự lựa chọn vì nước Đức" (AfD)
là đảng theo đường lối chống người nhập cưđã lần đầu tiên hiện diện tại cơ
quan lập pháp Berlin.
Đảng mạnh nhất tại Berlin hiện vẫn là đảng Dân chủ Xã hội
(SPD) dù sự ủng hộ đã giảm từ 28,3% xuống 22,4%. Có khả năng SPD sẽ đẩy đảng của
bà Merkel ra khỏi liên minh hiện tại, chuyển sang liên minh với đảng khác để cầm
quyền tại thủ đô Đức trong nhiệm kỳ tới.
6. Bầu cử Tổng thống Mỹ đến giai đoạn nước rút
Theo kết quả thăm dò mới đây của NBC News, bà Hillary Clinton đang dẫn trước ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump với khoảng cách khá an toàn.
Kết quả thăm dò cho thấy, tỷ lệ ủng hộ của các cử tri Mỹ được hỏi đối với bà Hillary Clinton hiện là 43%, so với con số 37% của ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump. Đây là tỷ lệ ủng hộ cao nhất dành cho bà Hillary Clinton kể từ sau khi bà công khai các vấn đề về sức khỏe.
Cuộc đua vào Nhà Trắng đang ở giai đoạn nước rút
Bất chấp việc vừa trải qua những tuần lễ tệ nhất kể từ đầu chiến dịch, các kết quả điều tra cho thấy bà Hillary Clinton vẫn là người đang chiếm thế thượng phong.
Trước đó vào đúng vào dịp kỷ niệm sự kiện 11/9, bà Hillary Clinton đã gặp vấn đề về sức khỏe, khiến bà phải hủy bỏ một số hoạt động và nghỉ ngơi vài ngày. Văn phòng tranh cử của bà Hillary Clinton khẳng định bà chỉ bị viêm phổi nhẹ.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tạiTV Online!