Tại sao các quốc gia chạy đua lên mặt trăng?

Chuyển động 24h-Thứ năm, ngày 24/08/2023 20:12 GMT+7

(Ảnh: NASA)

VTV.vn - Cuộc đua lên mặt trăng của các cường quốc đang trở nên khốc liệt hơn còn bởi kho tài nguyên trên mặt trăng có thể đạt giá trị hơn 1 triệu tỷ USD.

Ấn Độ đã viết nên lịch sử sau khi trở thành quốc gia đầu tiên đặt chân lên cực Nam của mặt trăng. Xe tự hành Pragyaan trên module Vikram được triển khai ở cực Nam và sẽ được các nhà khoa học thuộc Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ sử dụng để thực hiện các thí nghiệm trong 14 ngày tới nhằm khám phá thành phần của đất và đá trên mặt trăng.

Không chỉ là quốc gia thứ tư chinh phục mặt trăng sau Liên Xô, Mỹ và Trung Quốc. Quan trọng hơn, Ấn Độ là quốc gia đầu tiên hạ cánh gần cực Nam của mặt trăng, một đích đến khó khăn do địa hình gồ ghề, nhưng lại rất quan trọng đối với nỗ lực tìm kiếm nước đóng băng.

Ước tính được trích dẫn trên tờ Daily Mail vào năm 2022 đã định giá nguồn nước vô cùng dồi dào ở cực Nam của mặt trăng có giá trị ở mức hơn 200 tỷ USD, khí heli của nó có trị giá 1,5 triệu tỷ USD và các kim loại trên mặt trăng có trị giá 2,5 nghìn tỷ USD.

Các nhà khoa học phát hiện ra những phân tử Hydroxyl bao gồm hydro và oxy trải rộng trên bề mặt mặt trăng và tập trung ở các cực. Chúng không chỉ quan trọng đối với sự sống của con người mà còn có thể được sử dụng làm nhiên liệu tên lửa.

Tại sao các quốc gia chạy đua lên mặt trăng? - Ảnh 1.

(Ảnh: Time)

Ngoài ra, trên mặt trăng còn có Helium-3. Đây là một đồng vị của Heli rất hiếm trên Trái đất. Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ ước tính, có khoảng 1 triệu tấn Helium-3 trên mặt trăng.

Còn theo Cơ quan Vũ trụ châu Âu, đồng vị này có thể cung cấp năng lượng hạt nhân trong lò phản ứng nhiệt hạch, và vì nó không phóng xạ nên sẽ không tạo ra chất thải nguy hiểm.

Nghiên cứu của tập đoàn Boeing còn cho biết thêm, các kim loại đất hiếm, được sử dụng trong điện thoại thông minh, máy tính và công nghệ tiên tiến, hiện có trên mặt Trăng. Ngoài đất hiếm, mặt trăng còn có rất nhiều khoáng chất khác bao gồm bazan, sắt, thạch anh, silicon, bạch kim, palladium, rhodium, titan...

28 quốc gia trên thế giới đã ký Hiệp định Artemis do Mỹ đứng đầu nhằm mục đích sử dụng không gian hòa bình và hợp tác. Tuy nhiên, trong cuộc đua lên mặt trăng này, nhiều quốc gia bày tỏ lo ngại về khả năng thỏa thuận sẽ hạn chế các hoạt động trên mặt trăng của họ. Dù hiệp ước quy định rằng không quốc gia nào có quyền tuyên bố chủ quyền đối với các vùng lãnh thổ trên mặt trăng, nhưng nó không chỉ rõ nguyên tắc không chiếm đoạt được áp dụng như thế nào đối với tài nguyên không gian, chẳng hạn như quyền khai thác, sở hữu và sử dụng nước đóng băng trên mặt trăng.

Thám hiểm Mặt Trăng - Cú hích ngành công nghiệp vũ trụ Ấn Độ Thám hiểm Mặt Trăng - Cú hích ngành công nghiệp vũ trụ Ấn Độ NASA hợp tác với Blue Origin khám phá Mặt Trăng NASA hợp tác với Blue Origin khám phá Mặt Trăng Nhật Bản đột phá trong việc thám hiểm Mặt trăng Nhật Bản đột phá trong việc thám hiểm Mặt trăng

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước