Tấn công mạng là nguy cơ số một ảnh hưởng tới nền kinh tế

Thảo Thành (Theo TTXVN, Reuters)-Thứ sáu, ngày 16/04/2021 06:41 GMT+7

Với viễn cảnh tiêu cực, ông Powell tin chắc nhóm tin tặc có thể dễ dàng đóng cửa một bộ phận xử lý thanh toán gây cản trở dòng tiền của các tổ chức tài chính. (Nguồn: CNN)

VTV.vn - Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell cảnh báo, trong tương lai sẽ có cuộc khủng hoảng tài chính tương tự năm 2008.

Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell cảnh báo về nguy cơ xảy ra các cuộc tấn công mạng với quy mô toàn cầu. Theo dự đoán, thậm chí cuộc tấn công mạng này sẽ còn xảy ra nhiều hơn cả cuộc khủng hoảng tài chính vào năm 2008.

Ngày 11/4, ông Jerome Powell đã trả lời phỏng vấn chương trình "60 minutes" phát trên đài CBS bình luận về các vấn đề xoay quanh tình hình tài chính.

Ông cho rằng, hiện nay, thế giới đã tiến một bước rất xa kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Tuy nhiên, những sự thay đổi lớn cũng đi kèm thay đổi về các nguy cơ. Không nên vì thế mà mất cảnh giác vì hiện nay còn nhiều cuộc tấn công khác còn nguy hiểm và khó kiểm soát hơn rất nhiều.

Tấn công mạng là nguy cơ số một ảnh hưởng tới nền kinh tế - Ảnh 1.

Nhóm tội phạm mạng trở nên ngày càng tinh vi, có thể dễ dàng thậm nhập và đánh sập các hệ thống tài chính lớn toàn cầu. (Nguồn: AFP)

"Tôi chỉ muốn nói rằng, thứ chúng ta cần đề cao cảnh giác nhất hiện nay chính là rủi ro tấn công mạng. Hàng loạt các cơ quan Chính phủ bao gồm FED, nhiều công ty tư nhân lớn, và đặc biệt các công ty tài chính cá nhân đang đầu tư nhiều nhất vào việc chống tấn công mạng", ông Powell phát biểu.

Chủ tịch FED cũng chỉ ra nhiều kịch bản khác nhau, từ hệ thống thanh toán không thể hoạt động hay một thể chế tài chính lớn mất khả năng truy vết giao dịch, hay một phần hệ thống tài chính sụp đổ. Thậm chí, FED còn phải "chi nhiều thời gian, năng lượng và tiền bạc vào việc bảo vệ hệ thống tài chính khỏi những nguy cơ trên", đồng thời nhấn mạnh dù đã cố gắng bảo vệ bảo mật ở mức nghiêm ngặt nhất song các cuộc tấn công vẫn xảy ra như "cơm bữa".

Ông cũng đã trả lời thêm các câu hỏi về thời gian phát hành đồng tiền số của Mỹ hay một số việc liên quan đến tin Trung Quốc trở thành nền kinh tế đầu tiên ra mắt một đồng tiền kỹ thuật số từ tháng trước. Hiện nay, FED cũng đang phát triển phần mềm và thiết kế giao diện của đồng USD kỹ thuật số. Sau cùng, việc công bố và sử dụng đồng tiền này còn tuỳ thuộc xem tác động của nó có được hiểu đúng hay không. Để tung đồng tiền kỹ thuật số ra thị trường, có rất nhiều vấn đề cần phải cân nhắc, bao gồm cả rủi ro không đáng có.

Chủ tịch FED đặt ra hàng loạt các câu hỏi về tầm quan trọng và hệ quả của loại tiền mới : "Liệu sau khi thêm đồng tiền số vào và sử dụng với giá trị như những đồng bạc xanh thì người dân có đón nhận không? Chúng có giúp ích gì cho người dân không? Những ảnh hưởng tiêu cực của nó là gì? Liệu những điều không mong muốn có xảy ra? Đồng Dollar là loại tiền tệ quan trọng trên thế giới. Vì vậy chúng ta cần phải làm mọi thứ cho chuẩn xác chứ không cần phải trở thành người đầu tiên làm nó. Và nước Mỹ sẽ làm đúng, vì đó là mục tiêu chính của chúng ta".

Liên quan đến kinh tế Mỹ thời kỳ hậu đại dịch, ông Powell nhận định, Mỹ "đang ở ngã rẽ quan trọng" và dự báo tăng trưởng và việc làm sẽ được thúc đẩy trong những tháng tới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước