Các vết đạn bắn trên cửa kính tại một trong 6 nơi bị các tay súng tấn công. (Ảnh: Bangkok Post)
Động thái siết chặt an ninh nói trên được triển khai sau khi xảy ra một loạt vụ đánh bom và xả súng dọc theo các tuyến đường sắt ở 3 tỉnh biên giới phía Nam của Thái Lan.
Các vụ tấn công xảy ra gần như đồng thời vào lúc 20h ngày 14/4, ngày cuối cùng trong tháng ăn chay Ramadan của người Hồi giáo, tại 6 địa điểm thuộc các tỉnh Yala, Pattani và Narathiwat. Rất may là tất cả các vụ tấn công đều không gây ra thương vong.
Ngoài vụ đánh bom vào một cây cầu đường sắt ở tỉnh Yala, mục tiêu của các vụ tấn công khác đều là các đồn cảnh sát hoặc nơi đóng quân của những lực lượng quân sự hoặc kiểm lâm dọc tuyến đường sắt.
Do lo ngại bất ổn có thể ảnh hưởng tới các khu du lịch, các cơ quan an ninh ở tỉnh Songkha lân cận đã phải tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh, đặc biệt là tại các khu kinh tế và du lịch ở các huyện Sadao và Hat Yai.
Lực lượng an ninh kiểm tra hiện trường vụ đánh bom ở quận Rangae, tỉnh Narathiwat vào hôm 13/8/2022. (Ảnh: Bangkok Post)
Trước đó, vào ngày 2/3, đại diện của Chính phủ Thái Lan do Tướng Pornsak Poolsawat dẫn đầu đã gặp các quan chức cấp cao của Bộ Tư lệnh Chiến dịch An ninh Nội địa (ISOC) vùng 4 để thảo luận biện pháp tăng cường an ninh và gìn giữ hòa bình tại các tỉnh cực Nam Thái Lan vẫn đang trong tình trạng bất ổn.
Tướng Pornsak cho biết, ưu tiên hàng đầu hiện nay là đảm bảo người dân địa phương có thể sinh sống và kinh doanh an toàn, trong khi các lực lượng chức năng có thể thực thi nhiệm vụ của mình.
Theo Tướng Pornsak, những vấn đề an ninh dai dẳng ở miền Nam đã khiến các hoạt động bất hợp pháp như buôn lậu hàng hóa, vũ khí và ma túy phát triển tràn lan. Việc tăng cường giám sát dọc khu vực biên giới sẽ giúp chặn các lối thoát của những phần tử ly khai muốn kích động bạo lực nhằm phá vỡ tiến trình hòa bình.
Thái Lan mới đây cũng đã gia hạn Sắc lệnh khẩn cấp thêm 3 tháng đối với các tỉnh biên giới Yala, Pattani và Narathiwat, sẽ có hiệu lực từ ngày 20/3 đến ngày 19/6. Xung đột trong nhiều năm ở các tỉnh cực Nam Thái Lan đã khiến hơn 7.000 người thiệt mạng và hơn 13.000 người bị thương tính đến ngày 31/1 vừa qua.
Nối lại vòng đàm phán hòa bình sau hơn 1 năm tạm dừng, Chính phủ Thái Lan và Phong trào ly khai Mặt trận cách mạng dân tộc (BRN) ở miền Nam Thái Lan hôm 22/2 vừa qua đã đạt nhất trí xây dựng Kế hoạch hòa bình toàn diện chung (JCPP), hướng tới thiết lập hòa bình lâu dài, toàn diện ở miền Nam Thái Lan.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!