SMIC vào tầm ngắm của Mỹ, tham vọng nội địa hóa công nghệ của Trung Quốc bị đe dọa

Thanh Hiệp-Thứ tư, ngày 09/09/2020 19:33 GMT+7

VTV.vn - Việc Mỹ có thể cấm nhà sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc SMIC được dự báo sẽ giáng một đòn mạnh vào kế hoạch nội địa hóa công nghệ đầy tham vọng của Trung Quốc.

SMIC đối diện với nguy cơ cấm vận từ Mỹ

Hôm 4/9, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết cơ quan này đang làm việc với các ngành khác trong chính phủ Mỹ để quyết định xem có nên đưa công ty sản xuất chip của Trung Quốc SMIC vào "danh sách đen" về thương mại hay không. Nếu điều này trở thành hiện thực, các nhà cung cấp thiết bị và phần mềm của Mỹ sẽ buộc phải xin giấy phép đặc biệt khi bán hàng cho SMIC. Hãng tin Reuters dẫn các nguồn tin thân cận cho biết, mối quan hệ giữa SMIC và quân đội Trung Quốc đang bị giới chức Mỹ giám sát chặt chẽ.

SMIC vào tầm ngắm của Mỹ, tham vọng nội địa hóa công nghệ của Trung Quốc bị đe dọa  - Ảnh 1.

SMIC đối mặt với nguy cơ bị Mỹ đưa vào "danh sách đen" về thương mại (Nguồn: CNN)

Trên thực tế, điều này có thể làm tê liệt SMIC vì mọi công ty cung cấp bất cứ thứ gì bắt nguồn từ vật liệu và công nghệ của Mỹ đều có thể bị áp dụng lệnh cấm. Mặc dù SMIC có thể tìm kiếm được nguồn từ các công ty khác bên ngoài nước Mỹ nhưng sẽ không thể nhanh chóng để giải quyết điều này, đặc biệt là khi công ty cũng phải kiểm tra kỹ các nguồn xem họ có sử dụng sản phẩm Mỹ hay không.

Thông tin này ngay lập tức đã giáng một đòn mạnh vào SMIC, khiến cổ phiếu của hãng trên sàn chứng khoán Hong Kong lao dốc 23%, thổi bay 4 tỷ USD giá trị thị trường ngay trong phiên giao dịch đầu tuần. Đến hết phiên giao dịch ngày 9/9 giá trị thị trường cổ phiếu SMIC vẫn tiếp tục sụt giảm thêm 2%.

Phía SMIC cho biết, họ "hoàn toàn bị sốc" về thông tin này. Trong thông điệp gửi đến Sở Giao dịch Chứng khoán Hong Kong, hãng khẳng định: "Công ty sản xuất chip bán dẫn và cung cấp các dịch vụ trong khu vực dân sự, thương mại cho người dùng cuối. Chúng tôi không có quan hệ gì với quân đội Trung Quốc".

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng ngay lập tức lên tiếng phản đối, cho rằng đây là hành động chèn ép từ phía Mỹ, làm leo thang căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước.

Đòn giáng mạnh vào tham vọng của Trung Quốc

Nếu như Huawei là tập đoàn công nghệ viễn thông hàng đầu Trung Quốc thì SMIC là cái tên đi đầu trong lĩnh vực công nghệ điện tử, chuyên sản xuất các thiết bị bán dẫn.

Được thành lập từ năm 2000, SMIC hiện là nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc. SMIC cùng với công ty Huahong có trụ sở tại Thượng Hải là hai cơ sở duy nhất ở Trung Quốc có thể sản xuất chip sử dụng nút xử lý 28 nanomet, một trong những công nghệ tiên tiến nhất hiện có tại nước này.

Với vị thế như vậy, SMIC được coi là trọng tâm trong kế hoạch phát triển ngành sản xuất thiết bị bán dẫn nội địa đầy tham vọng của chính phủ Trung Quốc. Trung Quốc đang muốn xây dựng một ngành công nghiệp bán dẫn tiên tiến, một việc cần tiêu tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc. Một kế hoạch đầu tư trị giá hơn 200 tỷ USD nhằm giúp ngành sản xuất chip phát triển nhanh hơn, sản xuất ra nhiều sản phẩm hiện đại hơn đã được triển khai. Hồi tháng trước, Quốc vụ viện Trung Quốc cũng đã ban hành các chính sách mới để hỗ trợ lĩnh vực này, bao gồm các biện pháp miễn thuế, hợp lý hóa quy trình niêm yết và tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Hồi tháng 7 vừa qua, SMIC đã huy động được 46,3 tỷ Nhân dân tệ (6,8 tỷ USD) trong đợt IPO tại Thượng Hải, cao gấp đôi so với mục tiêu ban đầu. Kết quả này cho thấy kỳ vọng lớn lao của giới đầu tư Trung Quốc vào công ty.

Trong bối cảnh đó, một lệnh trừng phạt từ Washington nhằm vào SMIC chẳng khác nào một đòn đánh chí mạng, giáng vào tham vọng nội địa hóa công nghệ của Trung Quốc.

SMIC vào tầm ngắm của Mỹ, tham vọng nội địa hóa công nghệ của Trung Quốc bị đe dọa  - Ảnh 2.

Tham vọng phát triển ngành công nghiệp sản xuất chip của Trung Quốc bị đe dọa nghiêm trọng (Nguồn: Reuters)

Theo các chuyên gia phân tích, việc hạn chế quyền tiếp cận của SMIC với các nhà cung cấp tại Mỹ có thể làm gián đoạn nỗ lực của Trung Quốc trong việc nội địa hóa các ngành công nghiệp phần mềm và vi mạch tích hợp. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi loại sản phẩm công nghệ từ điện thoại thông minh, các trạm gốc 5G cho tới hệ thống dẫn đường tên lửa.

Ông Eric Tseng, Giám đốc điều hành công ty nghiên cứu chất bán dẫn Isaiah Capital & Research có trụ sở tại Đài Loan (Trung Quốc), cho biết: "Một lệnh cấm tiềm tàng từ Mỹ có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng của SMIC, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất cảm biến CMOS, sản phẩm vân tay trên điện thoại thông minh và các sản phẩm liên quan đến mạch tích hợp quản lý điện năng".

Một trong những doanh nghiệp phải chịu ảnh hưởng nặng nhất nếu SMIC bị Mỹ trừng phạt chính là Huawei, công ty đang gặp nhiều khó khăn kể từ khi bị liệt vào "danh sách đen" của Bộ Thương mại Mỹ từ tháng 5 năm ngoái. Huawei gần đây đã phải ngừng hợp tác với hãng sản xuất chip Đài Loan, Trung Quốc TSMC vì lệnh cấm xuất khẩu mới từ Bộ Thương mại Mỹ và đang coi SMIC là một phần của Kế hoạch B.

Các số liệu thống kê tính đến ngày 14/8 cho thấy Huawei hiện đang là khách hàng lớn nhất, mang lại 18,7% doanh thu cho SMIC, trong khi SMIC chiếm 1% chi phí vốn của Huawei. Giờ đây, với việc SMIC có thể bị đưa vào "danh sách đen" của Mỹ, Huawei sẽ tiếp tục phải loay hoay tìm cách thoát khỏi tình trạng khó khăn này.

Trung Quốc đẩy mạnh các nỗ lực nội địa hóa công nghệ

Trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của Washington nhằm vào các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc liên tiếp được đưa ra, Trung Quốc đang có kế hoạch khởi động quỹ "thay thế nội địa" vào cuối năm nay. Mục tiêu của kế hoạch này là tạo ra các gã khổng lồ công nghệ tiếp theo của Trung Quốc và hỗ trợ các công ty bị Mỹ trừng phạt.

Ông Zhang Jun, Chủ tịch công ty đầu tư mạ‌o hiể‌м China Europe Capital và cũng là một trong những chuyên gia tại Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc, đặt mục tiêu huy động 5 tỷ Nhân dân tệ (731,46 triệu USD) để đầu tư vào các công ty khởi nghiệp chuyên về công nghệ bao gồm bán dẫn, 5G và trí tuệ nhân tạo.

Trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters, ông Zhang chia sẻ: "Trung Quốc và Mỹ đang trong một cuộc cạnh tranh gay gắt và chỉ kết thúc khi một bên bị hạ gục. Đó không chỉ là về chiến tranh thương mại hay các lệnh trừng phạt. Đó là vấn đề của sự sống còn".

Ông Zhang nhìn thấy cơ hội trong cuộc khủng hoảng hiện tại, đặt cược rằng việc Trung - Mỹ tách rời khỏi nhau sẽ thúc đẩy một khu vực công nghệ tự phát triển trong nước có thể tồn tại một ngày nào đó mà không cần đến các nhà cung cấp của Mỹ như Qualcomm và Intel. Ông Zhang cho biết: "Ngày càng có nhiều công ty Trung Quốc bị Mỹ trừng phạt và những gì chúng tôi làm là cung cấp cho họ lốp xe dự phòng để những công ty bị cắt khỏi nguồn cung của Mỹ có thể tồn tại và hoạt động".

Bình luận về vấn đề này, ông Stewart Randall, Giám đốc phụ trách mảng thiết bị điện tử và phần mềm tại Intralink, cũng có chung nhận định rằng: "Việc SMIC bị đe dọa đưa vào 'danh sách đen' cũng đồng nghĩa với việc bất kỳ công ty Trung Quốc nào có quy mô tương tự cũng có thể rơi vào tầm ngắm của Mỹ. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Trung Quốc không có lựa chọn nào khác ngoài việc cố gắng phát triển tất cả các thiết bị ở trong nước và có một hệ thống khép kín".

Xu hướng tăng cường nội địa hóa cũng đang được đẩy mạnh trong nhiều ngành công nghệ khác của Trung Quốc. Một báo cáo thường niên vừa được Tổng cục Thống kê Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Tài chính Trung Quốc công bố mới đây cho thấy mức chi tiêu của các doanh nghiệp nước này cho hoạt động nghiên cứu cơ bản đã tăng 52% trong năm ngoái, cao gấp ba lần so với tỷ lệ được ghi nhận hai năm trước đó. Đây cũng là lần đầu tiên chi tiêu cho hoạt động nghiên cứu cơ bản, yếu tố rất quan trọng để có thể tự lực về các công nghệ cốt lõi trong dài hạn, chiếm hơn 6% tổng chi phí nghiên cứu và phát triển của Trung Quốc.

Khoảng cách công nghệ không dễ thu hẹp

Tuy nhiên, liệu những nỗ lực đầu tư tài chính đã là đủ để tạo ra những thay đổi lớn? Câu trả lời có lẽ là vẫn chưa đủ.

Một nghiên cứu được nhóm chuyên gia chính sách thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc công bố hồi tháng 11 năm ngoái cho thấy nước này vẫn chưa thể tạo ra những sự thay đổi lớn khi mà phần lớn chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển chủ yếu dành cho việc phát triển các sản phẩm ngắn hạn thay vì nghiên cứu cơ bản.

SMIC vào tầm ngắm của Mỹ, tham vọng nội địa hóa công nghệ của Trung Quốc bị đe dọa  - Ảnh 3.

Những nỗ lực đầu tư chưa thể giúp Trung Quốc thu hẹp khoảng cách công nghệ với Mỹ (Nguồn: Reuters)

Tỷ lệ đầu tư cho nghiên cứu cơ bản của Trung Quốc dù đã đạt 6% tổng chi phí nghiên cứu và phát triển, mức cao nhất từ trước tới nay nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình 15% tại Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia phát triển tại châu Âu. Nhóm nghiên cứu cũng cảnh báo rằng mức độ nghiên cứu cơ bản như hiện tại sẽ không thể hỗ trợ tham vọng nâng cấp công nghệ của Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất.

Bên cạnh đó, mặc dù có lợi thế về số lượng, các nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc không được trích dẫn thường xuyên như mức trung bình của quốc tế. Giá trị thương mại của các bằng sáng chế Trung Quốc cũng thấp với doanh thu từ thương mại sở hữu trí tuệ chỉ chiếm chưa đến 5% tổng doanh thu của thế giới. 

Ông Deng Yongxu, chuyên gia thống kê cấp cao của Tổng cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, nhận định rằng: "Kết quả nghiên cứu và phát triển mặc dù dồi dào về số lượng nhưng thường lại thiếu về mặt chất lượng".

Với thực tế như vậy, ngày càng nhiều nhà phân tích tỏ ra hoài nghi về khả năng thành công của Trung Quốc nếu bị cắt đứt khỏi chuỗi cung ứng của phương Tây, khi mà nước này vẫn còn một chặng đường dài trong việc tự cung tự cấp về công nghệ, đặc biệt là với những ngành đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao như sản xuất chip.

Theo chuyên gia Paul Triolo, người đứng đầu bộ phận địa-công nghệ tại Eurasia Group, mặc dù Trung Quốc đã có nhiều nỗ lực đầu tư cho ngành sản xuất chip, "những kết quả đạt được hiện vẫn rất hạn chế". Ngay cả SMIC, nhà sản xuất chip hiện đại nhất Trung Quốc, cũng vẫn đang bị tụt hậu lại phía sau từ 3 đến 5 năm so với các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực này như Intel, Samsung hay TSMC. Thu hẹp khoảng cách này mà không cần tới các công nghệ, sản phẩm của Mỹ thực sự là một thách thức lớn nếu không muốn nói là bất khả thi với các doanh nghiệp Trung Quốc.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước