Tháng 2 có thể chứng kiến số ca bệnh tăng cao vì Omicron, Nhật Bản vật lộn ngăn chặn làn sóng dịch mới

Quỳnh Chi (Theo Worldometers)-Thứ tư, ngày 09/02/2022 06:09 GMT+7

Đến nay, hơn 399,69 triệu người đã mắc COVID-19 trên toàn cầu. (Ảnh: AP)

VTV.vn - Đến sáng 9/2, thế giới có trên 399,69 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 5,77 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 78,42 triệu ca mắc và hơn 930.600 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 62,3 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 8/2, nước này ghi nhận tổng cộng trên 42,33 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 504.000 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.

Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 632.700 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 26,6 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Italy đã bắt đầu thực thi các quy định phòng chống dịch bệnh COVID-19 mới trong trường học, đảm bảo rằng nhiều học sinh được đến trường hơn khi số ca nhiễm mới có xu hướng giảm dần

Các lớp học sẽ chỉ chuyển sang hình thức học trực tuyến nếu có 5 học sinh bị nhiễm virus SARS-CoV-2 và ngay cả trong trường hợp một lớp có 5 bệnh nhân COVID-19, những học sinh trên 12 tuổi đã tiêm liều vaccine tăng cường và không bị nhiễm bệnh vẫn có thể đến trường. Giới chuyên môn ước tính rằng, các quy định mới sẽ cho phép 600.000 học sinh được trở lại trường học.

Ngoài ra, Chính phủ Italy cũng đã loại bỏ kỳ hạn 6 tháng đối với "thẻ xanh" chứng nhận những người đã được tiêm vaccine hoặc đã khỏi bệnh, giảm xuống còn 5 ngày với những người không tiêm vaccine phải cách ly nêu tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19.

Ngày 8/2, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cảnh bá, đại dịch COVID-19 sẽ không chấm dứt với biến thể Omicron và trong năm nay, nước này phải chuẩn bị ứng phó với nhiều biến thể khác của virus SARS-CoV-2. Thủ tướng Ardern đưa ra lời cảnh báo trên trong bài phát biểu đầu tiên trong năm 2022 trước các nghị sĩ, trong bối cảnh hàng trăm người biểu tình bên ngoài tòa nhà quốc hội ở thủ đô Wellington đòi chấm dứt các biện pháp hạn chế và quy định tiêm vaccine bắt buộc.

Trước đó, Chính phủ New Zealand cho biết, từ nay đến tháng 10 tới, nước này sẽ mở cửa lại biên giới theo từng giai đoạn tùy thuộc vào diễn biến dịch bệnh thực tế. Hiện số ca nhiễm mới biến thể Omicron đang tăng mạnh sau khi một số biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng gần đây.

Israel đã bãi bỏ quy định xuất trình "Thẻ Xanh", tức chứng nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ, tại hầu hết các tụ điểm công cộng như nhà hàng, rạp hát, chỉ duy trì quy định này đối với vũ trường và các sự kiện tập trung đông người. Cùng với quy định "Thẻ Xanh", một số quy định khác cũng được dỡ bỏ như giới hạn số người tham gia sự kiện đông người hoặc quy định giãn cách tối thiểu trong các trung tâm thương mại, nhà hàng, văn phòng, trụ sở doanh nghiệp.

Tháng 2 có thể chứng kiến số ca bệnh tăng cao vì Omicron, Nhật Bản vật lộn ngăn chặn làn sóng dịch mới - Ảnh 1.

Israel đã bãi bỏ quy định xuất trình chứng nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ. (Ảnh: AP)

Bộ Y tế Israel cho biết, việc nới lỏng quy định là do trên thực tế "Thẻ Xanh" đã không chứng minh được hiệu quả trong làn sóng dịch COVID-19 do biến thể Omicron gây ra. Trong những ngày qua, số bệnh nhân mắc mới COVID-19 tại Israel tiếp tục giảm nhanh, nhưng các ca bệnh nặng vẫn tiếp tục tăng lên, tập trung ở những người chưa tiêm vaccine.

Thái Lan sẽ đàm phán về các thỏa thuận đi lại song phương với Trung Quốc và Malaysia trong tháng 2 này. Quyết định được đưa ra sau một tuần nước này nối lại chương trình "Test and Go" (Xét nghiệm và Đi). Quyết định trên cho thấy nỗ lực của Chính phủ Thái Lan nhằm giúp ngành du lịch phục hồi.

Các du khách đi theo chương trình bong bóng du lịch giữa Thái Lan với Trung Quốc và Malaysia sẽ không phải thực hiện cách ly, có thể được cấp thị thực đặc biệt và địa điểm lưu trú. Các bên cũng sẽ thảo luận cụ thể về hạn mức chi trả bảo hiểm y tế, số lượng khách được phép qua lại cũng như những khu vực du khách có thể đi lại để ngăn chặn dịch COVID-19 bùng phát.

Ngày 8/2, Bộ Y tế Philippines cho biết, nước này ghi nhận thêm 3.574 ca nhiễm mới COVID-19, số ca mắc mới theo ngày thấp nhất kể từ đầu năm 2022 đến nay, nâng tổng số người nhiễm bệnh trên cả nước lên trên 3,61 triệu trường hợp. Trong 24 giờ qua, quốc gia Đông Nam Á này cũng có thêm 83 ca tử vong, đưa tổng số người không qua khỏi vì dịch bệnh lên 54.621 bệnh nhân.

Philippines đã chứng kiến 4 làn sóng dịch bệnh kể từ khi đại dịch bùng phát vào năm 2020. Số ca nhiễm mới theo ngày cao nhất từ trước đến nay được ghi nhận vào ngày 15/1 vừa qua với 39.004 ca mắc mới.

Giới chức Indonesia ngày 8/2 cho biết, Chính phủ nước này chưa "kéo phanh gấp" bằng cách áp dụng lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) khẩn cấp dù số ca nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 đang tăng vọt.

Ông Abraham Wirotomo, một quan chức Văn phòng Phủ Tổng thống (KSP) khẳng định: "Số liệu thống kê hàng tuần mới nhất cho thấy, tỷ lệ sử dụng giường bệnh (BOR) vẫn đang được kiểm soát rất tốt mặc dù số ca mắc mới tăng mạnh. Do vậy, phanh khẩn chưa cần phải sử dụng".

Ông Abraham cho rằng sự chuẩn bị của Chính phủ Indonesia để ứng phó với làn sóng lây lan dịch COVID-19 do biến thể Omicron tốt hơn trước đây vì luôn có sự tham gia của các chuyên gia và dựa vào các dữ liệu cũng như các nghiên cứu khoa học. Ông cho biết, Tổng thống Joko Widodo hôm 7/2 đã chỉ đạo tăng tốc độ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 và siết chặt các quy trình y tế.

Hội đồng Phục hồi Quốc gia (NRC) của Malaysia ngày 8/2 cho biết, cơ quan này đã đề nghị mở cửa trở lại hoàn toàn các cửa khẩu biên giới quốc tế. Theo đó, người nhập cảnh không phải trải qua bất kỳ quy định cách ly nào. Thời điểm dự kiến sớm nhất là từ ngày 1/3 tới.

Bộ Y tế nước này thông báo 13.944 ca mắc mới COVID-19 trong ngày 8/2, đưa tổng số ca mắc lên trên 2,9 triệu người, trong đó hơn 32.000 trường hợp tử vong. Malaysia nằm trong số các nước có tỷ lệ mắc và tử vong theo đầu người cao nhất tại châu Á.

Chính phủ Hàn Quốc đang xem xét phương án ứng phó với dịch COVID-19 giống như ứng phó với cúm mùa. Điều này cho thấy Hàn Quốc có ý định dần chuyển đổi sang hệ thống phòng dịch thông thường. Việc chuyển hướng này nhằm đảm bảo hệ thống y tế có thể xử lý ngay cả khi số ca mắc tăng.

Trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 do biến thể Omicron đang tăng vọt lên trên 30.000 ca/ngày, Hàn Quốc đã quyết định dừng công thức "3T" đang áp dụng (xét nghiệm, truy tìm và điều trị) và chuyển sang áp dụng một hệ thống quản lý kiểm dịch và truy vết tiếp xúc đơn giản hơn nhiều. Theo Cơ quan Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh của Hàn Quốc, bệnh nhân sẽ được chia thành hai nhóm (nhóm gồm những người từ 50 - 60 tuổi trở lên có các bệnh lý nền và nhóm bao gồm toàn bộ số bệnh nhân còn lại).

Để mở lại trường học, Bộ Giáo dục Hàn Quốc thông báo, các trường học cấp trên tiểu học sẽ được cung cấp các bộ xét nghiệm kháng nguyên nhanh để xét nghiệm cho 20% số học sinh, trong khi tỷ lệ này dành cho các trường mẫu giáo và tiểu học là 30%. Các trường đại học cũng sẽ được khuyến cáo tiếp tục học trực tiếp trong học kỳ mới và chuẩn bị một kế hoạch dự phòng 2 giai đoạn để chuyển sang học từ xa trong trường hợp cần thiết.

Từ học kỳ tới, các trường học sẽ tự quyết định học trực tiếp hay chuyển sang học từ xa tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh tại trường. Các trường được khuyến cáo không chuyển sang học từ xa hoàn toàn nếu 3% số học sinh có kết quả xét nghiệm dương tính hoặc 15% tự cách ly.

Tháng 2 có thể chứng kiến số ca bệnh tăng cao vì Omicron, Nhật Bản vật lộn ngăn chặn làn sóng dịch mới - Ảnh 2.

Nhật Bản đang phải vật lộn để ngăn chặn làn sóng dịch bệnh mới do biến thể Omicron có khả năng lây lan mạnh gây ra. (Ảnh: AP)

Tại Nhật Bản, hiện mỗi ngày có đến hơn 90.000 ca mắc mới, trong đó tỷ lệ học sinh mắc COVID-19 là khá cao. Tuy nhiên, nước này không thực hiện đóng cửa trường học giống như các đợt lây nhiễm trước đây mà thực hiện các biện pháp thích ứng linh hoạt hơn. Khi phát hiện ca nhiễm COVID-19, quyết định đóng cửa sẽ được chính quyền địa phương đưa ra dựa trên tình hình dịch bệnh cụ thể, ưu tiên vẫn là tổ chức học phân ca hoặc online để đảm bảo cơ hội học tập cho học sinh. Ngoài ra, thời hạn đóng cửa đối với những trường học, lớp học có các ca nhiễm COVID-19 được rút ngắn từ 7 ngày xuống còn 5 ngày.

Thủ đô Tokyo và 12 tỉnh khác của Nhật Bản, những khu vực hiện đang trong tình trạng gần như khẩn cấp vì COVID-19, ngày 8/2 đã yêu cầu Chính phủ Nhật Bản gia hạn các biện pháp hạn chế dự kiến hết hạn vào cuối tuần này để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Phát biểu tại cuộc họp báo, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno cho biết, Chính phủ nước này sẽ ngay lập tức xem xét những yêu cầu trên. Những yêu cầu này do chính quyền thủ đô Tokyo và 3 tỉnh lân cận là Saitama, Chiba, Kanagawa, cùng với các tỉnh khác gồm Gunma, Niitaga, Gifu, Aichi, Mie, Kagawa, Nagasaki, Kumamoto và Miyazaki, đệ trình. Các nguồn tin Chính phủ Nhật Bản cho biết chính phủ sẽ cân nhắc việc kéo dài các biện pháp hạn chế thêm 3 tuần kể từ cuối tuần này đối với 13 khu vực nói trên.

Ngày 8/2, Nhật Bản thông báo ghi nhận 122 ca tử vong vì COVID-19, mức tăng theo ngày cao nhất từ trước đến nay. Trong 24 giờ qua, nước này cũng có thêm hơn 100.000 ca nhiễm mới.

Các nhà khoa học Trung Quốc thông báo vừa phát triển bộ sinh phẩm xét nghiệm sàng lọc COVID-19 có độ chính xác như phương pháp xét nghiệm PCR, cho kết quả chỉ trong vòng 4 phút, tiết kiệm thời gian đáng kể so với phương pháp PCR thường phải mất vài giờ mới cho ra kết quả.

Ngày 8/2, khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) thông báo ghi nhận 625 ca mắc COVID-19, trong đó đa số là các ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đây là ngày thứ hai liên tiếp đặc khu này ghi nhận trên 600 người mắc mới trong một ngày. Trước diễn biến phức tạp trên, chính quyền đặc khu đã công bố biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát.

Tính đến ngày 7/2, trên 80% dân số tại Hong Kong đã tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19, trên 70% dân số đã tiêm đủ liều cơ bản, tuy nhiên, tỷ lệ tiêm vaccine ở người cao tuổi còn thấp.

Trong vòng 5 - 6 tuần qua, biến thể Omicron đã khiến nhiều người bị bệnh hơn bất kỳ giai đoạn tương tự nào trên toàn cầu kể từ đại dịch cúm năm 1918 - 1919. Thời báo Phố Wall dẫn thông tin từ Viện Đánh giá và Đo lường Sức khỏe, của Đại học Washington (Mỹ).

Biến thể Omicron lây lan mạnh khiến số ca mắc COVID-19 tăng vọt ở nhiều quốc gia. Ở Anh, cứ 6 người thì có một người nhiễm virus kể từ khi Omicron xuất hiện vào cuối tháng 11/2021. Tỷ lệ này ở Mỹ là 1/5, ở Israel là 1/10. Chuyên gia dịch tễ tại Mỹ ước tính, 80-90% những người bị nhiễm Omicron không có triệu chứng, so với tỷ lệ khoảng 40% với biến chủng Delta và cúm. Giới chức cảnh báo, tháng 2 có khả năng chứng kiến số ca bệnh tăng cao vì biến thể Omicron tiếp tục lây lan nhanh chóng.

Số ca nhập viện vì COVID-19 tại Australia  giảm sau khi làn sóng Omicron đạt đỉnh Số ca nhập viện vì COVID-19 tại Australia giảm sau khi làn sóng Omicron đạt đỉnh Sau Tết, số ca mắc COVID-19 tăng mạnh ở châu Á Sau Tết, số ca mắc COVID-19 tăng mạnh ở châu Á Ảnh hưởng của đại dịch sẽ kéo dài trong hàng chục năm Ảnh hưởng của đại dịch sẽ kéo dài trong hàng chục năm

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước