Các quốc gia đang chi 14.600 tỷ USD (10.500 tỷ Bảng Anh) để nỗ lực ngăn chặn sự sụp đổ nền kinh tế, tìm cách bảo vệ công ăn việc làm cho người dân và cứu các doanh nghiệp trên bờ vực phá sản. Tuy nhiên, một phân tích do Liên Hợp Quốc chủ trì đối với 50 nền kinh tế hàng đầu thế giới cho thấy, chỉ có 368 tỷ USD, tương đương khoảng 18%, trong các đầu tư phục vụ cho các dự án xanh.
Theo kết quả một nghiên cứu của Đại học Oxford, cơ quan dẫn đầu phân tích của UNEP, việc đầu tư vào các dự án cắt giảm phát thải khí nhà kính, khôi phục môi trường tự nhiên hoặc khắc phục các thiệt hại môi trường có thể hỗ trợ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và tạo việc làm cả trong ngắn hạn và dài hạn.
Các quốc gia đã đổ tiền vào các ngành công nghiệp hiện có trong cuộc khủng hoảng COVID-19. (Ảnh: Reuters)
Tuy nhiên, các quốc gia đã và đang đổ tiền vào các ngành công nghiệp hiện có và thúc đẩy nền kinh tế phát thải carbon hơn là tìm cách tái thiết, phát triển kinh tế và tạo ra việc làm một cách bền vững.
Khoảng 66 tỷ USD đã được dành cho đầu tư vào các dự án năng lượng carbon thấp trên khắp thế giới vào năm 2020 và gần 29 tỷ USD cho những nỗ lực nghiên cứu, phát triển các công nghệ xanh mới, trong khi khoảng 35,2 tỷ USD được công bố cho việc nâng cấp các công trình xanh.
Các chính phủ đã lên kế hoạch chi 56 tỷ USD cho các dự án xanh như khôi phục đất bạc màu, trồng rừng và bảo vệ đất. Các chuyên gia cho biết, những giải pháp bảo vệ tự nhiên có thể giảm lượng khí thải carbon dioxide, chống lại các tác động của biến đổi khí hậu như ngăn ngừa lũ lụt.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!