Tình hình dịch bệnh tại Hàn Quốc đang có dấu hiệu dịu lại kể từ làn sóng lây nhiễm thứ 3. Ảnh: Reuters
Cho đến nay, Mỹ có tổng cộng 476.416 ca tử vong trong tổng số 27.701.918 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 155.195 ca tử vong trong số 10.847.790 ca bệnh. Brazil đứng thứ ba với 238.248 ca tử vong trong số 9.550.301 bệnh nhân.
Xét tỷ lệ dân số, Bỉ là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 185 người tử vong. Tiếp đến là Slovenia với 175 người và Anh 166 người/100.000 dân.
Xét theo khu vực, châu Âu đang là tâm dịch của thế giới với hơn 34,7 triệu người mắc COVID-19, trong đó có hơn 777.500 ca tử vong. Tiếp đến là các nước Mỹ Latin và Caribe, với hơn 621.000 ca tử vong trong hơn 19,6 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ có hơn 485.900 ca tử vong trong hơn 27,9 triệu ca nhiễm. Châu Á ghi nhận hơn 245.100 ca tử vong trong hơn 15,5 triệu ca nhiễm. Trung Đông có hơn 99.600 ca tử vong, châu Phi có hơn 95.500 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại dương là 945 người.
Điều trị cho người bệnh COVID-19 tại Bệnh viện North Memorial Health tại Mỹ. Ảnh: AP
Myanmar đã cho phép mở cửa trở lại chùa chiền cho công chúng, nhưng hạn chế số người thăm viếng. Theo thông báo của Bộ Các vấn đề tôn giáo và văn hóa, quyết định trên được đưa ra sau khi nước này phần nào đã kiểm soát được đợt bùng phát dịch COVID-19 nhờ các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát và điều trị hiệu quả. Thông báo cũng nêu rõ, những người đi lễ chùa phải tuân thủ các hướng dẫn phòng dịch do Bộ Y tế và Thể thao ban hành.
Chính phủ Nhật Bản cũng đang xem xét khả năng dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp trước thời hạn ở 3 tỉnh, gồm Aichi và Gifu ở miền Trung và Fukuoka ở miền Tây Nam, trong bối cảnh dịch COVID-19 ở nước này đang có dấu hiệu lắng dịu. Chính phủ Nhật Bản đã quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp vì dịch COVID-19 ở thủ đô Tokyo và 3 tỉnh lân cận từ ngày 8/1 đến 7/2. Sau đó, phạm vi áp dụng tình trạng khẩn cấp được mở rộng ra 7 tỉnh khác vào ngày 13/1. Hôm 2/2, Thủ tướng Yoshihide Suga đã quyết định dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp ở tỉnh Tochigi, nhưng lại gia hạn tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Tokyo và 9 tỉnh, thành khác tới ngày 7/3.
Tại Canada, chính quyền tỉnh Ontario thông báo nới lỏng dần các hạn chế hoạt động tại nhiều khu vực thuộc tỉnh đông dân nhất nước này. Quyết định trên được đưa ra sau khi số ca mắc mới và số bệnh nhân COVID-19 đang phải điều trị tại bệnh viện giảm. Tuy nhiên, thành phố Toronto và một số "điểm nóng" khác về dịch bệnh của tỉnh Ontario sẽ duy trì biện pháp trên ít nhất thêm 2 tuần nữa, đến ngày 22/2 tới.
Bắt buộc mang khẩu trang trên tàu điện ở Đài Loan - Ảnh: AP
Tại Nga, theo các số liệu Cơ quan thống kê Rosstat công bố ngày 8/2, tỷ lệ tử vong tại nước này trong năm 2020 đã tăng 17,9% so với năm 2019 do dịch COVID-19. Thống kê cho thấy khi dịch COVID-19 hoành hành tại Nga từ tháng 4 đến tháng 12/2020, nước này đã ghi nhận 162.429 ca tử vong liên quan đến dịch bệnh. Chỉ riêng tháng 12 đã ghi nhận tới 44.435 ca tử vong do dịch COVID-19. Đây cũng là tháng có số ca tử vong cao nhất do dịch bệnh.
Chính phủ Hà Lan đã quyết định gia hạn lệnh giới nghiêm vào ban đêm, vốn được ban bố vào tháng trước, nhằm phòng tránh dịch COVID-19. Cụ thể, lệnh giới nghiêm kéo dài từ 21h00 tối hôm trước đến 4h30 sáng hôm sau, lần đầu tiên được áp dụng tại Hà Lan kể từ Chiến tranh Thế giới thứ 2, sẽ được gia hạn đến ngày 2/3 tới. Lệnh này dự kiến hết hiệu lực vào ngày 11/2.
Chính phủ Tây Ban Nha cũng thông báo sẽ kéo dài lệnh kiểm soát đường biên giới đường bộ dài 1.200 km với Bồ Đào Nha cho đến ngày 1/3. Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh cả hai nước đều đang nỗ lực kiềm chế làn sóng lây nhiễm dịch COVID-19. Ngày 28/1 vừa qua, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã nhất trí đóng cửa biên giới đối với những hoạt động đi lại không thiết yếu, trừ nhân viên y tế và lái xe tải. Số ca nhiễm COVID-19 ở Bồ Đào Nha đã gia tăng kể từ sau Giáng sinh, khiến các bệnh viện ở nước này bên bờ vực sụp đổ, khiến nước này phải áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!