Hơn 68.500 người bệnh đang điều trị COVID-19 tại các bệnh viện trên toàn nước Mỹ. Ảnh: Reuters
Mỹ, Ấn Độ và Brazil vẫn là những quốc gia ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch. Nhiều nước châu Âu và châu Mỹ vẫn đang phải căng mình đối phó với làn sóng lây lan nhanh chóng của dịch khi mà số ca mắc mới vẫn không ngừng tăng đến mức kỷ lục mỗi ngày. Chỉ trong 24h qua, thế giới đã có thêm hơn 400 nghìn ca nhiễm mới và hơn 6 nghìn ca tử vong.
Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết nước này đã ghi nhận thêm 223 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 193 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 28.769 trường hợp.
Tại Đông Nam Á, Indonesia, Philippines và Malaysia tiếp tục ghi nhận hàng nghìn ca mắc mới trong ngày 16/11. Bộ Y tế Indonesia thông báo đã thêm 3.535 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc lên 470.648 ca. Ngoài ra, nước này cũng ghi nhận 85 ca tử vong mới do dịch bệnh nguy hiểm này, nâng tổng số trường hợp không qua khỏi lên 15.296 ca. Indonesia hiện là quốc gia có số ca mắc và tử vong do COVID-19 cao nhất Đông Nam Á.
Sau mỗi lần nới lỏng và gỡ bỏ các biện pháp phong tỏa, số ca nhiễm mới tại Ấn Độ đều đặn tăng. (Nguồn: The Indian Express)
Bộ Y tế Philippines cùng ngày cũng ghi nhận thêm 1.738 ca mắc và 7 ca tử vong. Hiện số ca mắc và tử vong do COVID-19 tại nước này lần lượt là 409.574 ca và 7.839 ca. Thứ trưởng Y tế Maria Rosario Vergeire cảnh báo dù cố ca mắc có xu hướng đi xuống trong những tuần gần đây, song người dân không được chủ quan và vẫn cần cảnh giác, tuân thủ các biện pháp phòng chống lây nhiễm.
Tại Malaysia, Bộ Y tế nước này cùng ngày cũng thông báo 1.103 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên 48.520 ca. Ngoài ra, cũng đã có thêm 4 ca tử vong được ghi nhận, nâng số trường hợp không qua khỏi lên 313 ca.
Hôm qua, Australia đã bổ sung các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại bang Nam Australia, sau khi ghi nhận 16 ca nhiễm mới, số ca nhiễm cao nhất trong 1 ngày. Trước đó, hôm 15/11, lần đầu tiên bang này ghi nhận các ca nhiễm trong cộng đồng kể từ tháng 4. Các chuyến bay quốc tế tới thành phố Adelaide đã bị tạm dừng cho tới cuối tuần. Các phòng tập thể dục, trung tâm giải trí, các quán cà phê cũng sẽ bị đóng cửa. Các hoạt động thể thao tạm thời bị hủy. Người dân được yêu cầu xét nghiệm diện rộng. Trong khi đó, chính quyền cũng ưu tiên đảm bảo đủ năng lực về các khu vực cách ly, kiểm dịch.
Iran - một trong những điểm nóng dịch bệnh của khu vực Trung Đông ghi nhận thêm 13.053 ca mắc, mức cao nhất từng được ghi nhận, nâng tổng số ca mắc lên 775.121 ca. Ngoài ra, số ca tử vong cũng tăng thêm 486 ca và hiện là 41.979 ca. Iran hiện là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch COVID-19 tại Trung Đông.
Các nhân viên y tế đang chờ tại một trung tâm y tế ở Brussels, Bỉ để vận chuyển người bệnh COVID-19. Ảnh: Reuters
Tình hình dịch bệnh ở châu Âu vẫn diễn biến phức tạp. Tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson ngày 16/11 cho biết sức khỏe vẫn đang tốt và chưa xuất hiện triệu chứng nào, trong bối cảnh ông đang tự cách ly sau khi tiếp xúc với một người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus. Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Matt Hancock cho biết, Thủ tướng Johnson sẽ tiếp tục điều hành chính phủ thông qua ứng dụng Zoom. Đề cập đến vấn đề vaccine, ông Hancock cho biết cho dù công tác phát triển vaccine phòng COVID-19 đang được tiến hành khẩn trương, song việc tiêm chủng cho đa số người dân Anh có thể sẽ phải chờ tới năm sau.
Trong khi đó, Chính phủ liên bang Đức và các bang của nước này đang cân nhắc triển khai các biện pháp chống dịch mới nhằm khống chế sự gia tăng số ca mắc mới COVID-19 tại nước này. Trong tháng 11 này, Đức đã áp đặt một loạt biện pháp nhằm khống chế làn sóng dịch COVID-19 thứ hai. Nhờ đó, số ca mắc mới không còn tăng theo cấp số nhân, song tình hình dịch bệnh vẫn rất khó lường. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, Đức đã phát hiện khoảng 520.000 ca mắc COVID-19 vào cuối tháng 10, song con số này đã tăng vọt 50% lên 780.000 ca trong 2 tuần đầu của tháng 11. Trong cùng giai đoạn, số bệnh nhân cần được chăm sóc đặc biệt tại các bệnh viện của Đức cũng tăng 70%.
Sau khi khiến nhiều nước châu Âu phải tái áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt, dịch COVID-19 đang tiếp tục buộc giới chức Mỹ phải hành động mạnh tay hơn. Các bang Michigan và Washington của Mỹ đã áp đặt một loạt hạn chế mới nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, trong bối cảnh số ca mắc ở nước này đã vượt ngưỡng 11 triệu ca, chỉ hơn một tuần sau khi chạm mốc 10 triệu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!