Tại khu vực Đông Nam Á, Malaysia là nước tuyên bố trong tháng 4 sẽ bắt đầu cấp giấy chứng nhận tiêm chủng thông minh cho những ai đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Ngoài ra, Malaysia cùng các nước khác trong ASEAN đều đang thảo luận với đề xuất cấp giấy chứng nhận tiêm chủng số chung của khu vực.
Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis là một trong những người đầu tiên kêu gọi về tấm hộ chiếu vaccine chung cho toàn khu vực EU, cứu lấy mùa hè của năm COVID-19 thứ hai.
Ban đầu rất nhiều quan chức cấp cao của các nước thành viên EU phản đối, vì còn nhiều lo ngại tới sự công bằng, bất bình đẳng, phân cấp công dân, quyền riêng tư…, nhưng sau vài hội nghị thượng đỉnh trực tuyến diễn ra trong những tháng qua, câu hỏi không còn là liệu có nên có hộ chiếu vaccine không, mà là sẽ triển khai từ bao giờ và như thế nào.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết: "Mục tiêu chính trị là đạt được quy định về hộ chiếu vaccine trong những tháng tới. Tôi có đề cập là 3 tháng, vậy nên tôi mong là các quốc gia thành viên EU đang tích cực chuẩn bị cho việc này".
Châu Âu đang chờ một cơ chế chung cho những tấm hộ chiếu kiểu này, vì ứng dụng quan trọng nhất của nó là thể thông hành giữa các quốc gia với nhau. Đặc biệt quan trọng với một khối đi lại tự do.
Ngoài ra, một số quốc gia như Mỹ, Thái Lan hay Israel, UAE cũng đã tự có những quy định nhập cảnh ưu tiên và có thỏa thuận song phương với một số nước đối tác. Trước mắt thì mọi thứ đang diễn ra tương đối thuận lợi.
Thế giới đang chờ đợi một ngày cuộc sống trở lại bình thường như trước đại dịch và được giao thương bình thường giữa các nước là điều mong chờ lớn nhất. Trong khi chưa đạt được trạng thái đó, thì tấm giấy chứng nhận đã tiêm - hay hộ chiếu vaccine là một giải pháp quan trọng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!