Trong một tuần làm việc, với hàng loạt hội nghị được thực hiện theo hình thức trực tuyến giữa các nước ASEAN, các nhà lãnh đạo đã thông qua nhiều quyết sách quan trọng định hướng cho hoạt động của các quốc gia Đông Nam Á vượt qua những khó khăn do dịch bệnh và tình hình quốc tế nhiều biến động.
Thế giới và cả khu vực ASEAN đang sống trong những ngày đặc biệt mà chúng ta phải gọi là một trạng thái bình thường mới. Không thể gọi là bình thường, bởi tại nhiều quốc gia, dịch bệnh COVID-19 vẫn đang hoành mạnh, cướp đi sinh mạng của hàng trăm ngàn người. Nhiều nước trong khu vực ASEAN vẫn đang phải cố gắng để đạt được trạng thái bình thường, được tự do đi học, đi làm, kinh doanh, buôn bán. Dịch bệnh COVID-19 vẫn là mối đe dọa lơ lửng, chỉ chực kéo tuột những thành quả kinh tế rất vất vả mới đạt được. Vì vậy, đối phó với dịch bệnh và tìm kiếm giải pháp để thúc đẩy kinh tế đi lên là ưu tiên trọng tâm của các nhà lãnh đạo ASEAN trong tuần lễ Hội nghị cấp cao 36 này.
Dịch bệnh COVID-19 vẫn đang hoành mạnh tại nhiều quốc gia. Ảnh: THX/TTXVN
Đối phó với dịch bệnh và tìm kiếm giải pháp để thúc đẩy kinh tế
COVID-19 tiếp tục là vấn đề trọng tâm thảo luận tại hội nghị lần này. Từ khóa được các nhà lãnh đạo đề cập là "khả năng tự cường của ASEAN". Đó là vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa khôi phục các hoạt động kinh tế, thương mại quốc tế, ổn định cuộc sống của người dân và doanh nghiệp.
Không chỉ dừng lại ở những tuyên bố, các nhà lãnh đạo đã trao đổi cụ thể về kế hoạch phục hồi tổng thể ASEAN sau dịch. Một loạt sáng kiến cụ thể được đề xuất, như lập Quỹ ASEAN ứng phó COVID-19, xây dựng Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp của ASEAN và xây dựng Quy trình ứng phó dịch bệnh chuẩn của ASEAN trong tình huống y tế khẩn cấp.
Ngoài ra, lãnh đạo ASEAN cũng thừa nhận ASEAN đang đứng trước những cơ hội và thách thức do dịch chuyển địa chiến lược toàn cầu. Các thách thức này đòi hỏi ASEAN cần tăng cường sự đoàn kết, kiên định với mục tiêu xây dựng cộng đồng.
Hội nghị lần này thông qua "Tuyên bố tầm nhìn của các nhà lãnh đạo ASEAN về một cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng: vượt lên thử thách, thúc đẩy tăng trưởng" đó sẽ là kim chỉ nam cho ASEAN tự tin trên bước đường tiếp theo. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ: "Qua mỗi cơn phong ba, bó lúa vàng trên logo biểu tượng của ASEAN sẽ ngày càng thêm gắn bó, kết nối bền chặt, tiếp tục đem lại những hạt gạo đong đầy tình cảm đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau của đại gia đình ASEAN".
Các nhà lãnh đạo đã trao đổi cụ thể về kế hoạch phục hồi tổng thể ASEAN sau dịch.
Việt Nam đã đi được hơn nửa chặng đường Chủ tịch ASEAN 2020
Như vậy, Việt Nam đã đi được hơn nửa chặng đường Chủ tịch ASEAN 2020. Một thời kỳ đầy thử thách là cơ hội để chứng minh bản lĩnh của Việt Nam trong việc dẫn dắt các chương trình nghị sự của khối, trong hoàn cảnh đặc biệt. Dịch bệnh khiến các nhà lãnh đạo, các quan chức không thể đối thoại mặt đối mặt. Việc triển khai nhiều chương trình hành động gặp cản trở rất lớn, nhưng chúng ta đã vượt qua những khó khăn đó một cách rất ấn tượng. Điều này đã được cộng đồng ASEAN ghi nhận.
Ông Thongphane Savanphet - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng SOM ASEAN Lào: Tôi thấy rằng Việt Nam, Chủ tịch ASEAN trong năm 2020 có vai trò rất quan trọng trong việc lãnh đạo ASEAN nhằm tăng cường sự gắn kết trong nội khối, đặc biệt là trong giai đoạn mà khu vực và thế giới đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, trong đó không thể không kể tới các tác động mà đại dịch COVID-19 đang gây ra trên toàn cầu.
Tiến sĩ Kin Phea - Viện trưởng Viện Quan hệ quốc tế Campuchia: Việt Nam đã có giải pháp phòng chống ngăn chặn rất tốt dịch bệnh COVID-19 và đã dẫn dắt ASEAN, đưa ra những biện pháp và giải pháp để ngăn chặn dịch bệnh, trong đó có việc thành lập quỹ ASEAN để chung tay phòng chống ngăn chặn dịch COVID-19 cũng như để phục hồi lại nền kinh tế sau dịch bệnh kết thúc.
Tiến sĩ Balaz Szanto - Đại học Webster, Thái Lan: Việt Nam là thành viên quan trọng, là quốc gia có vai trò chủ yếu trong ASEAN. Tôi nghĩ rằng các đóng góp của Việt Nam sẽ vô cùng quan trọng vì quốc gia này mang đến những quan điểm độc đáo khi thảo luận về các vấn đề của ASEAN.
Việt Nam đã đi được hơn nửa chặng đường Chủ tịch ASEAN 2020
Giáo sư Carlyle Thayer - Đại học New South Wales, Học viện Quốc phòng Australia: Tôi cho rằng Việt Nam đã thể hiện một cách xuất sắc vai trò của mình. Việt Nam đã vô cùng linh hoạt, chuyển đổi rất nhanh các chương trình nghị sự cho phù hợp với tình hình mới. Không một quốc gia nào có thể phàn nàn về vai trò của Việt Nam. Việc Việt Nam tổ chức Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 36 này thực sự ấn tượng. Rất nhiều công việc nặng nhọc đã được thực hiện để có thể tổ chức thành công hội nghị lần này.
Bên cạnh các sáng kiến của nước Chủ tịch Việt Nam, các thành viên ASEAN khác như Thái Lan, Malaysia, Singapore cũng đưa ra các sáng kiến hợp tác để vượt qua đại dịch.
Nhiều sáng kiến hợp tác để vượt qua đại dịch
ASEAN kết nối hơn, mạnh mẽ hơn, miễn dịch tốt hơn là đề xuất 3 đường hướng được Thái Lan nêu ra tại Hội nghị nhằm thúc đẩy hợp tác nội khối thời hậu COVID-19. "ASEAN kết nối hơn" bằng việc đẩy nhanh thực hiện Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN (MPAC) 2025, thúc đẩy kết nối và phát triển cơ sở hạ tầng xanh để tạo ra ASEAN liền mạch và bền vững. "ASEAN mạnh mẽ hơn" với việc "xây dựng sức mạnh từ bên trong" thông qua thúc đẩy hội nhập kinh tế và tiến hành ký kết Hiệp định RCEP trong năm nay. "ASEAN miễn dịch tốt hơn" nghĩa là các nước cần chuẩn bị cho những biến động và thách thức có thể phát sinh trong tương lai bằng cách tạo ra khả năng miễn dịch dài hạn.
Nhấn mạnh phục hồi kinh tế khu vực sau đại dịch là đề xuất của Malaysia. Theo đó, Malaysia cho rằng các nước cần thúc đẩy kế hoạch gắn kết, nhanh chóng thực thi các biện pháp "du lịch làn xanh" (du lịch bong bóng) để thúc đẩy đầu tư, tạo công ăn việc làm cho người dân. Trong tương lai gần, Malaysia có thể sẽ mở cửa biên giới cho các du khách trong khu vực ASEAN. Để phục hồi kinh tế, giúp ASEAN hồi phục mạnh mẽ hơn, Malaysia cũng nhấn mạnh các nước cần phối hợp hành động một cách khẩn trương, chính xác với tư cách là một khối thay vì các quốc gia riêng lẻ.
Trong khi đó, Singapore nhấn mạnh vào việc kiềm chế dịch bệnh và ngăn chặn các làn sóng lây nhiễm trong tương lai bằng càng áp dụng, chia sẻ công nghệ. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhấn mạnh, ASEAN cần chia sẻ kinh nghiệm kiểm soát dịch thông qua mạng lưới "Thành phố thông minh ASEAN"; đồng thời, các nước cần phối hợp, thúc đẩy nghiên cứu vaccine, phương pháp điều trị và đảm bảo công bằng khi tiếp cận vaccine. Ngoài ra, Singapore cũng nhấn mạnh ASEAN cần mở cửa thương mại, tăng cường liên kết nội khối, thúc đẩy sớm ký kết RCEP để góp phần phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Các nước ASEAN có thể khai thác những tiềm năng chưa khai phá của thị trường nội khối
Mặc dù đại dịch COVID-19 đã khiến các đường biên giới đóng cửa, nhưng nó càng cho thấy điều đúng đắn là cần phải hợp tác cùng với nhau. Để "cứu" nền kinh tế, nhiều quốc gia đã đưa ra những gói kích thích lớn cả về tài chính lẫn tiền tệ, với quy mô của các gói kích thích phụ thuộc vào khả năng kinh tế của từng nước. Mặc dù tâm lý tự bảo vệ mình của mỗi nước là điều có thể hiểu được, nhưng sẽ là khôn ngoan hơn rất nhiều nếu các quốc gia trong khu vực có thể hỗ trợ lẫn nhau. Sự thúc đẩy hợp tác này có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh khu vực Đông Nam Á hiện nay.
Bài học then chốt mà các chính phủ có khả năng rút ra được từ cú sốc của việc phong tỏa và các nguồn cung bị gián đoạn là tập trung vào việc tăng cường nền kinh tế trong nước. Đó là việc xây dựng khả năng tự cường để có thể đối mặt với những cuộc khủng hoảng trong tương lai, tương tự như COVID-19.
Trong giai đoạn hậu COVID, điều ASEAN cần là một kế hoạch kích thích kinh tế đồng bộ.
Sau khi dịch COVID-19 cơ bản đã được khống chế, việc phục hồi kinh tế đang được tập trung hàng đầu. Bên cạnh thúc đẩy thị trường nội địa, các nước ASEAN có thể khai thác những tiềm năng chưa khai phá của thị trường nội khối. ASEAN vẫn tự hào là thị trường hơn 660 triệu dân, nền kinh tế lớn thứ năm thế giới, nhưng thực tế thương mại nội khối trong ASEAN chỉ chiếm khoảng 20%, còn tương đối thấp so với các khu vực khác, bất chấp việc 98% dòng thuế đã được cắt giảm về 0 - 5%. Trong giai đoạn hậu COVID, điều ASEAN cần là một kế hoạch kích thích kinh tế đồng bộ, được thiết kế linh hoạt để chống chọi với suy thoái kinh tế kéo dài và thúc đẩy mạng lưới liên kết sản xuất của ASEAN.
Hướng đi phục hồi thứ hai là mở rộng giao thương với bên ngoài, trong đó sự chú ý đang đổ dồn về hiệp định RCEP giữa ASEAN với các đối tác. Tại Hội nghị cấp cao lần này, lãnh đạo ASEAN khẳng định quyết tâm ký kết RCEP ngay trong năm nay.
Ông Santisouk Phounesavath - Phó Vụ trưởng Vụ chính sách ngoại thương, Bộ Công Thương Lào: Việc ký kết RCEP là dấu hiệu để các đối tác thấy chúng ta vẫn đang duy trì tự do thương mại, đầu tư, giúp khôi phục kinh tế. Trong bối cảnh dịch COVID-19, việc tập trung đẩy nhanh ký kết RCEP là rất quan trọng trong quá trình phục hồi. Nhưng dù hướng đi nào, thì việc phục hồi sẽ phụ thuộc vào nội lực của mỗi nước, mà động lực chính là khả năng cạnh tranh trên biển lớn của từng doanh nghiệp.
Đối với thị trường ASEAN, các doanh nghiệp Việt có cơ hội rất lớn. Trong các thị trường xuất khẩu quốc tế thì ASEAN được coi là một thị trường dễ tính, dễ tiếp cận. Các doanh nghiệp Việt cũng có thể tận dụng cơ hội từ các FTA giữa các nước ASEAN, bởi so với các FTA mà Việt Nam đã ký với ngoài ASEAN thì các FTA nội khối có mức độ cắt giảm thuế quan cao nhất.
Trong nguy luôn có cơ, dịch bệnh sẽ vẫn mở ra cơ hội cho những doanh nghiệp nào nhanh chóng thay đổi, thích ứng được với một giai đoạn bình thường mới.
Thúc đẩy thương mại - đầu tư nội khối vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng.
Bên cạnh những thách thức về xử lý các vấn đề sau đại dịch, ASEAN tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức an ninh phức tạp, trong đó có tình hình căng thẳng gia tăng ở các điểm nóng như Biển Đông, Bán đảo Triều Tiên, khu vực Trung Đông, chủ nghĩa đơn phương, chủ nghĩa dân tộc và những dịch chuyển địa chiến lược do tác động của dịch COVID-19 đã khoét sâu thêm những ngăn cách trong lòng các quốc gia và khu vực. Thách thức này đã được đề cập trực diện trong bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và trong Hội nghị cấp cao 36 lần này.
ASEAN vẫn tồn tại nhiều thách thức từ bên trong
Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 kết thúc với việc thông qua "Tuyên bố Tầm nhìn của các nhà lãnh đạo ASEAN về một cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng: vượt lên thử thách, thúc đẩy tăng trưởng", đó sẽ là kim chỉ nam cho ASEAN tự tin trên bước đường tiếp theo. Tuyên bố này một lần nữa nhấn mạnh sức mạnh cốt lõi của ASEAN nằm ở hợp tác đa phương. Điều này đặc biệt quan trọng trong tình hình mới hiện nay khi đại dịch COVID-19 đã làm bộc lộ sâu sắc hơn những cạnh tranh chiến lược trong khu vực. Mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc trở nên căng thẳng hơn. Quan hệ Australia - Trung Quốc cũng đứng trước những thử thách mới. Tất cả những diễn biến này khiến môi trường an ninh quốc tế xung quanh ASEAN diễn biến rất khó lường.
ASEAN hiện giữ vai trò chủ chốt trong các thỏa thuận an ninh đa phương của khu vực như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN+ (ADMM+), ASEAN+1, ASEAN+3, và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS). Bất chấp những biến động về điều chỉnh chiến lược của các nước lớn trong khu vực, mục tiêu của ASEAN là duy trì vai trò trung tâm, dẫn dắt trong quan hệ với các đối tác ở Châu Á- Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, ASEAN vẫn tồn tại nhiều thách thức từ bên trong, như mức độ liên kết nội khối chưa cao, trình độ phát triển chưa đồng đều, khác biệt về thể chế chính trị, khác biệt về lợi ích.
Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga - Cố vấn cao cấp của Ban Thư ký quốc gia về ASEAN: Để có thể phát triển trong 50 năm tới và những năm tiếp theo, rõ ràng ASEAN phải thay đổi khác trước, trước hết đó là các hiệu quả hoạt động và cơ chế hoạt động, cải cách trong ASEAN phải tiếp tục. Thứ hai là phải chú trọng nâng cao năng lực thích ứng với thay đổi và năng lực ứng phó với các thách thức.
Những thay đổi trong bức tranh chiến lược quốc tế, với những tác động chính trị, kinh tế và công nghệ khác nhau, làm gia tăng sự cần thiết của việc thiết kế chiến lược của ASEAN trong tương lai. Các nhà lãnh đạo và các Bộ trưởng ASEAN cần tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực có tiềm năng để ASEAN đóng vai trò khu vực hay thậm chí là vai trò toàn cầu trong một thế giới đa cực.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!