Dự luật trên cũng bao gồm 14 tỷ USD viện trợ cho Israel trong cuộc chiến chống Hamas và 4,83 tỷ USD để hỗ trợ các đối tác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Gói hỗ trợ cũng sẽ dành 9,15 tỷ USD viện trợ nhân đạo cho dân thường ở Gaza và Bờ Tây, Ukraine và các khu vực xung đột khác trên toàn cầu.
Trong khi dự luật đã được thông qua với tỷ lệ 70 - 29 trong cuộc bỏ phiếu trong đêm tại Thượng viện Mỹ, sự phản đối mạnh mẽ vẫn diễn ra ở Hạ viện. Theo đó, Hạ viện Mỹ phản đối việc tiếp tục viện trợ cho Ukraine. Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson đã liên kết bất kỳ việc phân bổ ngân sách nào cho Kiev với những cải cách căn bản trong nước về cả hệ thống nhập cư của Mỹ và an ninh ở biên giới phía Nam.
Ông Mike Johnson nhắc lại sự phản đối của ông đối với dự luật, sau khi các thượng nghị sĩ vượt qua rào cản thủ tục vào đầu tuần để tổ chức bỏ phiếu về dự luật này. Ông Johnson nói trong một tuyên bố: "Thay vì thúc đẩy dự luật, họ lẽ ra phải quay lại thảo luận để sửa đổi dự luật hiện tại, qua đó dự luật sẽ bao gồm các điều khoản tăng chi cho vấn đề an ninh biên giới". Ông Johnson nói thêm rằng Hạ viện Mỹ "sẽ phải tiếp tục thực hiện ý chí của mình về những vấn đề quan trọng này".
Những người ủng hộ Ukraine biểu tình khi Thượng viện Mỹ tranh luận về dự luật hỗ trợ an ninh nước ngoài ngày 11/2/2024. (Ảnh: Getty)
Mỹ đến nay vẫn là bên viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine, với hàng chục tỷ USD viện trợ an ninh và liên tục cam kết ủng hộ Kiev đến chừng nào còn cần thiết. Tuy nhiên, sự phản đối của các nghị sĩ đảng Cộng hòa theo đường lối cứng rắn đã làm dấy lên nghi ngờ về khả năng duy trì viện trợ của Mỹ.
Tổng thống Joe Biden trong nhiều tháng qua đã thúc giục Quốc hội Mỹ đẩy nhanh việc phê duyệt gói viện trợ cho Ukraine vì chính quyền của ông đã cạn tiền mà các nhà lập pháp đã phê duyệt trước đó. Ông tuyên bố rằng do không cung cấp thêm tiền cho Chính phủ Ukraine, Mỹ có nguy cơ đối đầu trực tiếp với Nga sau này.
Ông Biden nhận định, sau khi đánh bại Ukraine, Moscow sẽ tấn công một quốc gia thành viên NATO và Washington sẽ phải gửi quân đến giải cứu theo đúng nghĩa vụ theo quy định của khối.
Chính phủ Nga đã nhiều lần phủ nhận mọi ý định tấn công NATO. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhắc lại những đảm bảo này vào tuần trước trong một cuộc phỏng vấn với nhà báo Mỹ Tucker Carlson, khi ông được hỏi liệu Ba Lan hay Litva có phải lo lắng cho sự an toàn của nước mình hay không. Tổng thống Putin giải thích rằng Nga không quan tâm đến việc chống lại NATO và sẽ chỉ tham gia chiến sự nếu bị tấn công trước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!