Trong tuyên bố, Bộ Ngoại giao Thụy Điển cho biết: "Chính phủ Thụy Điển hoàn toàn hiểu rằng các hành vi bài Hồi giáo do các cá nhân thực hiện tại các cuộc biểu tình ở Thụy Điển có thể khiến người Hồi giáo bất bình. Chúng tôi lên án mạnh mẽ những hành động này vốn không phản ánh quan điểm của Chính phủ Thụy Điển".
Theo Bộ Ngoại giao Thụy Điển, việc đốt kinh Koran hay bất kỳ tài liệu tôn giáo nào khác là hành động "xúc phạm và thiếu tôn trọng". Thụy Điển hay châu Âu nói chung không ủng hộ những hành động phân biệt chủng tộc, bài ngoại như vậy.
Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) đã kêu gọi đưa ra biện pháp để tránh các vụ việc tương tự tái diễn.
Chính phủ Thụy Điển đưa ra tuyên bố trên nhằm đáp lại lời kêu gọi của OIC có trụ sở tại Saudi Arabia về việc thực hiện các biện pháp chung để tránh tái diễn các vụ việc tương tự. Tổ chức Hồi giáo gồm 57 thành viên này đã tổ chức cuộc họp bất thường tại trụ sở ở thành phố Jeddah, Saudi Arabia, nhằm phản ứng về vụ đốt kinh Koran vào9 ngày 28/6 vừa qua. Theo tuyên bố được đưa ra sau cuộc họp, OIC hối thúc các nước thành viên áp dụng những biện pháp chung và thống nhất để ngăn chặn các vụ “xúc phạm” kinh Koran tái diễn.
Trước đó, Salwan Momika, một người tị nạn Iraq sống tại Thụy Điển, đã đốt kinh Koran trước đền thờ Hồi giáo lớn nhất ở thủ đô Stockholm hôm 28/6, đúng ngày đầu tiên diễn ra lễ Eid al-Adha của người Hồi giáo. Các tín đồ Hồi giáo và chính phủ nhiều nước có cộng đồng người Hồi giáo đã phản ứng mạnh sau vụ việc. Các nước Iraq, Kuwait, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Morocco đã triệu đại sứ Thụy Điển để phản đối vụ việc trên, trong khi Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian trong ngày 2/7 tuyên bố, nước này hoãn cử đại sứ mới tới Thụy Điển.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!