Năm 2021 đã đi qua gần một tháng nhưng vẫn chưa thấy tia sáng nào cho thế giới để thoát ra khỏi đại dịch COVID-19. Nếu nhìn một cách bi quan, có lẽ đây sẽ là năm COVID-19 thứ 2. Một câu hỏi đặt ra là sau năm 2020 đầy hoảng loạn, thế giới đã chuẩn bị như thế nào để vượt qua năm 2021 nhiều bất trắc?.
Cách đây ít ngày, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã công bố tài liệu mang tên Báo cáo rủi ro toàn cầu năm 2021. Đây là kết quả của cuộc khảo sát công phu với 650 chuyên gia, nhà hoạch định chính sách và các nhà lãnh đạo nhiều ngành kinh tế lớn của thế giới. Báo cáo rủi ro toàn cầu của WEF là một tài liệu tham khảo hữu ích với các nhà lãnh đạo thế giới, các doanh nghiệp trong việc hoạch định chiến lược phát triển.
Những rủi ro đe dọa toàn cầu trong năm 2021
Đầu năm 2021, biến thể mới của SARS-CoV-2 lan rộng tại hơn 60 quốc gia. Nhiều nước châu Âu tái phong tỏa như thời đỉnh dịch. Trong báo cáo mới nhất về rủi ro toàn cầu 2021, dịch bệnh truyền nhiễm đứng đầu cả về nguy cơ xảy ra trong ngắn hạn lẫn tác động.
Dịch bệnh tiếp tục phủ bóng triển vọng kinh tế toàn cầu. Tăng trưởng 2020 âm 4.4%. Triển vọng ảm đạm dự báo sẽ kéo dài ít nhất 3 - 5 năm nữa, bao gồm bong bóng tài sản, bất ổn giá cả, khủng hoảng nợ.
Đã 1 năm đã trôi qua, COVID-19 vẫn gây ra 600.000 ca nhiễm mới, 10.000 ca tử vong mỗi ngày. Triển vọng vaccine chưa phổ cập ít nhất là tới cuối năm 2021 trong khi cuộc cạnh trạnh vaccine đang khiến những nước nghèo có nguy cơ tụt lại phía sau.
Tuy nhiên, điều mà báo cáo bày tỏ lo ngại là những tác động đằng sau cuộc khủng hoảng về y tế. Đó là cuộc khủng hoảng sinh kế - yếu tố xếp thứ 2 trong những nguy cơ cận kề nhất. COVID-19 đã đẩy 150 triệu người vào cảnh đói nghèo cùng cực. Đằng sau đó còn là khủng hoảng về giáo dục. 60% người trưởng thành thiếu hụt kiến thức và kỹ năng số cơ bản khi cơ quan, trường học phải đóng cửa. Và đó cũng là cuộc khủng hoảng về sức khỏe tinh thần. Điều này có nguy cơ kéo theo một kỷ nguyên của những cơ hội bị mất đi cũng như bất ổn xã hội.
Thời tiết cực đoan tiếp tục được đánh giá là 1 trong 3 nguy cơ hiện hữu nhất đối với thế giới. Năm ngoái, nó đứng ở vị trí đầu tiên. Câu chuyện biến đổi khí hậu đã được kêu gọi nhiều năm qua, nhưng 2020 vẫn trở thành năm nóng nhất lịch sử. Một con số đáng lưu tâm. Biến đổi khí hậu gây ra hơn 150.000 ca tử vong mỗi năm. Đó sẽ không phải là một cái chết ngay tức thì như dịch bệnh mà là cái chết âm thầm, kéo dài từ năm này qua năm khác.
Trong top 5 những rủi ro cận kề nhất với toàn cầu còn có an ninh mạng và bất bình đẳng kỹ thuật số. Đây cũng sẽ là những yếu tố mà các chính phủ cần tính đến trong hoạch định chính sách thời hậu dịch bệnh.
Những dấu hiệu bất định trong sự phục hồi kinh tế thế giới
Đại dịch vẫn đang tiếp tục "rút ruột" những người thu nhập thấp và trung bình trên thế giới. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), trên 10.000 tỷ USD đã bị mất đi trong năm 2020 - 2021 do COVID-19.
Cụ thể, vào đầu năm 2020, khi chưa có dịch COVID19, Ngân hàng Thế giới dự báo GDP toàn cầu đạt mức 86.000 tỷ USD. Thực tế, đến cuối năm, GDP toàn cầu mất 5.600 tỷ USD so với dự báo. Ước tính, sang năm 2021, GDP toàn cầu mất thêm 4.700 tỷ USD so với điều kiện bình thường lúc thế giới không có dịch COVID-19.
Như vậy, trong cả 2 năm, thế giới tổn thất 10.300 tỷ USD. Chỉ có Mỹ và Trung Quốc mới có GDP hàng năm lớn hơn 10.000 tỷ USD. Tính quy đổi, 10.300 tỷ USD đủ để mua 10 công ty niêm yết lớn nhất trên thế giới, bao gồm cả Amazon, Apple và Saudi Aramco. Số tiền đó cũng dư để mua toàn bộ bất động sản của thành phố New York tới 9 lần.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát, khó khăn chồng chất, nhất là với những người có thu nhập thấp và trung bình. Nhiều nước đã công bố những gói cứu trợ kinh tế trị giá nghìn tỷ USD. Theo thống kê, tính đến năm 2020, 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới đã bơm hơn 10.000 tỷ USD để kích thích kinh tế.
Đáng chú ý là chính sách trực tiếp hỗ trợ tiền đến tay người dân. Các nhà kinh tế gọi đây là chính sách "tiền trực thăng", một cách ví von đầy hình tượng là ngân hàng trung ương in tiền và trực tiếp phát tiền cho người dân, nhanh gọn như dùng máy bay trực thăng để rải tiền.
Điển hình như ở Mỹ, trong những tuyên bố mới nhất của chính quyền, mỗi người Mỹ nhận được tới gần 2.000 USD tiền mặt. Chính sách tiền tệ nới lỏng và các gói cứu trợ tài chính quy mô lớn được các nền kinh tế hàng đầu thế giới đem tới hy vọng về một sự phục hồi. Nhưng chính những gói cứu trợ kiểu tiền trực thăng này còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Những cam kết phục hồi kinh tế
Ngay trong những ngày đầu nhiệm kỳ, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố kế hoạch phục hồi kinh tế đầy hứa hẹn.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (Ảnh: AP)
"Kế hoạch giải cứu của chúng tôi bao gồm việc cứu trợ ngay lập tức cho những người Mỹ bị thiệt hại nặng nề và cần thiết nhất. Chúng tôi sẽ hỗ trợ tổng cộng 2.000 USD tiền mặt cho những người cần nó nhất. 600 USD hỗ trợ trước đó thật sự không đủ" - Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh.
Kèm theo đó là một loạt chính sách cam kết khác như tăng trợ cấp thất nghiệp lên 400 USD/tuần/người cho đến hết tháng 9, tăng gấp đôi lương tối thiểu lên 15 USD/giờ, chi 25 tỷ USD để hỗ trợ người thuê nhà và hoãn thời gian siết nợ đối với người vay mua nhà. Ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh cũng là một điều kiện tiên quyết để phục hồi nền kinh tế.
Sau khi ông Joe Biden chính thức trở thành Tổng thống Mỹ, thế giới hy vọng quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới thay đổi theo chiều hướng tốt hơn. Thế giới cần Trung Quốc và Mỹ đi chung trên một con đường để đạt được sự phục hồi kinh tế sớm.
Trong số 7 nền kinh tế lớn nhất thế giới, chỉ có Trung Quốc tăng dương trong năm ngoái, một phần nhờ vào thặng dư thương mại, đạt 535 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay. Trong nửa đầu năm 2020, thị phần xuất khẩu toàn cầu của Trung Quốc đã tăng 11% so với cùng kỳ năm trước.
Trên thực tế, trong hoàn cảnh thương mại toàn cầu ảm đạm đầy bất lợi, Trung Quốc đã thông qua hợp tác khu vực để ký kết các hiệp định, thỏa thuận thương mại và đầu tư. Tháng 11/2020, Trung Quốc ký Hiệp định Quan hệ kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với ASEAN và 4 nước khác. Trong 6 tháng cuối năm 2020, nước này còn tổ chức Hội nghị Giao dịch thương mại dịch vụ quốc tế Trung Quốc và hội chợ triển lãm xuất nhập khẩu quốc tế Trung Quốc. Tất cả những chương trình mở cửa quy mô lớn này đều phát huy tác dụng thúc đẩy kết nối sản xuất toàn cầu, tăng cường hợp tác quốc tế, đẩy nhanh phục hồi kinh tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!