Tiềm ẩn khủng hoảng tâm lý lao động trên thế giới

VTV Digital-Thứ năm, ngày 04/07/2024 14:05 GMT+7

VTV.vn - Trước nỗi căng thẳng, lo âu, nhiều người chọn cách "âm thầm nghỉ việc" vì không thể cân bằng công việc với cuộc sống.

Nguyên nhân của thực trạng thiếu lao động

Hơn một nửa số người lao động trên toàn thế giới tích cực tìm kiếm việc để nhảy việc hoặc để ý đến các cơ hội việc làm. Nhiều chuyên gia đã nhận định thế giới đang sống trong thời kỳ tốt đẹp nhất trong lịch sử loài người. Vậy tại sao xu hướng nghỉ việc, nhảy việc quy mô lớn lại có thể xảy ra trong thời điểm này? Từ cuộc khảo sát với hơn 120.000 người lao động trên toàn thế giới của Gallup - công ty nổi tiếng về thăm dò dư luận, có thể thấy người lao động cảm thấy căng thẳng hơn tại nơi làm việc.

52% người lao động ở Mỹ, Canada và Đông Á cho biết họ cảm thấy căng thẳng "rất nhiều trong ngày làm việc". 39% người lao động ở châu Âu cũng vậy. Người trẻ và những người làm việc ở các địa điểm khác nhau cùng lúc hoặc làm việc từ xa có mức độ căng thẳng cao nhất.

59% người lao động trên toàn thế giới "âm thầm bỏ việc", tức là không nỗ lực trong công việc hoặc có tâm lý không gắn bó với công việc. Họ cho biết những cải thiện trong văn hóa nơi công sở, tăng mức gắn kết giữa các nhân viên, mức lương và phúc lợi có thể giúp họ yêu thích công việc của mình hơn.

Tiềm ẩn khủng hoảng tâm lý lao động trên thế giới - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Getty Images)

Theo Gallup, tình trạng già hóa dân số dẫn đến chênh lệch tuổi tác tại nơi làm việc đang khiến nhiều người không còn hứng thú đi làm. Ngày càng nhiều lao động trẻ thuộc hai thế hệ Milliennial và gen Z (tức những người sinh từ đầu những năm 1980 đến đầu những năm 2000) thấy lạc lõng với mục tiêu của cơ quan, đặc biệt khi làm việc trong môi trường những người quản lý có tuổi đời cao hơn nhiều. Hơn nữa, những nước phụ thuộc vào nguồn lao động lớn như Trung Quốc phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số. Chỉ trong năm nay, khoảng 28 triệu người dân Trung Quốc dự kiến sẽ nghỉ hưu. Đặc biệt, tỷ suất sinh thấp ở ngày càng nhiều nước cũng khiến cho nguồn lao động rơi vào nguy cơ khủng hoảng.

Đối với người lao động có con nhỏ, chính sách hỗ trợ cho trẻ em hiện còn vô cùng hạn chế. Theo nghiên cứu của American Progress - một tổ chức nghiên cứu và vận động, một nửa dân số Mỹ đang sống tại những khu vực không có hoặc ít dịch vụ hỗ trợ trẻ em. Ngoài ra, chi phí để chăm lo cho trẻ em đang tăng. Ví dụ như tại Mỹ, chi phí hàng năm để lo cho trẻ em thậm chí còn cao hơn học phí đại học. Điều này khiến các bậc phụ huynh phải giảm giờ làm để lo cho con, có những trường hợp còn buộc phải nghỉ làm khiến nguồn cung nhân lực bị suy giảm trầm trọng ở nhiều nước.

Có một nguyên nhân tới từ những người chủ tuyển dụng lao động. Theo tờ New York Post, văn hóa làm việc độc hại và quá tải công việc khiến nhiều người lao động cảm thấy chán nản, cảm thân bản thân chỉ là công cụ làm việc, thiếu tính nhân văn. Ngoài ra, nỗi lo âu đến từ việc tái cơ cấu nhân sự hay cắt giảm tiền lương cũng là điều khiến nhiều người lao động bất an khi không được trao đổi thẳng thắn và hỗ trợ.

Ngược lại, từ phía người lao động, có thể nói chính những suy nghĩ tiêu cực của nhân viên khi làm việc đã tạo áp lực cho nguồn cung lao động. Theo Gallup, có tới 20% tổng số người lao động trên thế giới đang trải qua cảm giác cô đơn, lẻ loi tại nơi làm việc mỗi ngày, điển hình ở lực lượng lao động trẻ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định cảm giác cô đơn xuất phát từ sự tưởng tượng, từ những định kiến về cách mọi người xung quanh nhìn nhận về mình. Đây cũng là nền tảng giúp trào lưu "nằm thẳng" trở nên phổ biến tại Trung Quốc khi người lao động chọn cách "buông xuôi" và hạ thấp mục tiêu, giảm khát vọng do cảm thấy bản thân không thể đuổi kịp đồng nghiệp và bạn bè.

Những nguyên nhân khiến người lao động chán nản

Vấn đề sức khỏe tâm thần đang trở thành một vấn đề nổi bật khi nói đến môi trường làm việc ngày nay. Điều này tạo nên nguy cơ khủng hoảng tâm lý khi người lao động cảm thấy thất vọng, cay đắng và thiếu hứng thú. Tình trạng này có thể do nhiều lý do nghề nghiệp và cá nhân khác nhau như lương thấp, thiếu cơ hội thăng tiến, không có vai trò trong công việc, khâu quản lý kém, thiếu cân bằng giữa công việc và cuộc sống…

Công việc chiếm một tỷ lệ đáng kể trong cuộc đời và mọi người đều có những kỳ vọng riêng về công việc của mình. Khi những kỳ vọng này không được đáp ứng sẽ dẫn đến việc không hài lòng trong công việc. Khi đó điều gì sẽ xảy ra? Người lao động có thể buộc phải tìm cơ hội việc làm ở nơi khác.

Các bác sĩ Ireland đang di cư hàng loạt trong cuộc khủng hoảng nhân sự chưa từng xảy ra ở đất nước này. Chị Kate Barr là một trong hàng trăm bác sĩ trẻ người Ireland di cư đến Australia trong năm nay, nơi chị cho rằng có "giờ giấc làm việc hợp lý hơn, lối sống tốt hơn". Trong những năm gần đây, tình trạng di cư của các bác sĩ và giáo viên xảy ra trên khắp châu Âu do nhu cầu về cân bằng giữa công việc và cuộc sống, chi phí nhà ở và sinh hoạt hợp lý.

Tiềm ẩn khủng hoảng tâm lý lao động trên thế giới - Ảnh 2.

Chị Kate Barr chia sẻ: "Công việc ở Ireland không tốt bằng, thời gian làm việc mỗi ngày dài hơn. Tôi không nói rằng tiền lương tệ. Chỉ là ở Australia, bạn sẽ được trả mức lương tương tự nhưng làm ít việc hơn".

Tình trạng thiếu thời gian nghỉ ngơi và thời gian làm việc không thể đoán trước cũng là nguyên nhân dẫn đến quyết định di cư của lao động ngành y Ireland.

Theo bà Niamh Humphries - giảng viên Đại học Phẫu thuật hoàng gia Ireland: "Ở Ireland có lẽ các bác sĩ làm việc 80 giờ một tuần nhưng khi họ chuyển đến Australia, con số đó đã giảm đáng kể xuống còn 40 giờ một tuần. Một tuần làm việc 40 giờ so với một tuần làm việc 80 giờ là một sự khác biệt vô cùng quan trọng. Họ có nhiều thời gian hơn cho bản thân, nhiều thời gian hơn để có cuộc sống ngoài công việc".

Năm nay, 535 bác sĩ Ireland sẽ di cư đến Australia, tăng so với khoảng 400 bác sĩ trong năm 2023. Lương tốt hơn và chi phí sinh hoạt thấp hơn vẫn là những yếu tố quan trọng trong quyết định di cư làm việc ở nơi khác.

Theo Tổ chức công đoàn Giáo viên quốc gia Ireland, trong số 43.000 vị trí giảng dạy tiểu học được Bộ Giáo dục Ireland phê duyệt trong năm nay, có khoảng 3.000 vị trí bị trống. Lãnh đạo công đoàn cho biết: "Hàng loạt giáo viên đang đi đến những nơi như Trung Đông, Singapore, Hàn Quốc và Australia". Ít nhất trong các bệnh viện ở Ireland, người nhập cư đang lấp đầy khoảng trống do nhân sự di cư để lại. Gần một nửa lực lượng lao động y tế ở Ireland đến từ nước ngoài nhưng cách khắc phục như vậy được cho là 'không thực sự bền vững".

Các biện pháp khuyến khích người lao động

Trong môi trường làm việc ngày nay, đặc biệt sau đại dịch COVID-19, người lao động không chỉ mong muốn có chế độ lương và phúc lợi xứng đáng mà còn một môi trường làm việc đổi mới. Đặc biệt là giới trẻ như gen Z, môi trường và không khí làm việc thậm chí còn là yếu tố quan trọng hàng đầu.

Trong bối cảnh thay đổi xu thế làm việc hiện nay, nhà sử dụng lao động nếu biết được các vấn đề của nhân viên và có những cải thiện môi trường làm việc thì sẽ góp phần quan trọng vào việc phát huy thế mạnh của lực lượng lao động. Công nhận thành quả, định hướng phát triển sự nghiệp của nhân viên để gắn với tiền lương, lắng nghe và phản hồi các phản ứng mang tính xây dựng của nhân viên.

Nhiều công ty đã thử nghiệm và thành công với chế độ làm việc 4 ngày/tuần mà vẫn giữ nguyên lương. Đó chỉ là một ví dụ để thấy khi người lao động được đối xử tốt thì có thể mang lại những lợi ích như thế nào.

Tiềm ẩn khủng hoảng tâm lý lao động trên thế giới - Ảnh 3.

Tại nhà sản xuất sản phẩm chăm sóc da ở Anh, nhân viên làm việc 4 ngày một tuần nhưng vẫn được trả lương như làm 5 ngày. Việc chuyển đổi này đã giúp các nhân viên của công ty vượt các chỉ tiêu với doanh thu và lợi nhuận tăng vọt 40% trong 6 tháng đầu tiên áp dụng tuần làm việc 4 ngày.

Ông Gary Conroy - Giám đốc, đồng sáng lập Công ty Five Squirrels, Anh - cho biết: "Có thể nói ít xảy ra sai lầm và sai sót hơn bởi mọi người trong một tuần làm việc 4 ngày sẽ làm việc tập trung hơn, ít mệt mỏi hơn, Do tập trung vào các nhiệm vụ cá nhân, họ ít bị phân tâm, gián đoạn hơn… Họ muốn hoàn thành công việc nhanh chóng và kết thúc công việc vào thứ Năm để có 3 ngày nghỉ thoải mái".

Các chuyên gia tin rằng về mặt đạo đức, cần thử thay đổi khi nhiều người lao động có sức khỏe tâm thần kém.

Theo Giáo sư Jan-Emmanuel De Neve (Đại học Oxford, Anh): "Nếu nhìn vào những quốc gia có tuần làm việc ngắn nhất thì thấy đó cũng là những nước có xu hướng hạnh phúc nhất và làm việc hiệu quả nhất với số giờ đó. Như người Đan Mạch, Phần Lan, Hà Lan được báo cáo về hạnh phúc tốt hơn. Năng suất làm việc của họ cũng tốt hơn trong khi lại làm việc ít hơn về số giờ so với người Anh, Mỹ".

Các quốc gia khác cũng đang có những thử nghiệm. Tây Ban Nha chi 10 triệu Euro (hơn 274 tỷ đồng) để trợ cấp cho các nhà sản xuất nhỏ trong 2 năm nhằm giảm ít nhất 10% thời gian làm việc trong khi vẫn duy trì trả lương như cũ.

Gã khổng lồ hàng tiêu dùng Unilever thì thử nghiệm 4 ngày làm việc một tuần với hy vọng sẽ thu hút được nhân tài tới làm việc. Còn gã khổng lồ công nghệ Microsoft đã cho 2.300 nhân viên tại Nhật Bản nghỉ làm vào thứ Sáu trong năm 2019 và cho biết năng suất của họ đã tăng 40%.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước