Dịch COVID-19 lây lan nhanh tại các nước có tỷ lệ tiêm chủng thấp
Theo kết quả nghiên cứu được đăng trên trang Bloomberg, các biến chủng SARS-CoV-2 đang lây lan nhanh tại những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Trên thực tế, sau khi triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine tương đối thành công, tỷ lệ lây nhiễm tại Mỹ và một số nước châu Âu đang giảm dần. Trong khi đó, nhiều nước châu Á lại đang phải đối mặt với làn sóng dịch mới với sự lây lan nhanh chóng của các biến thể virus.
Tỷ lệ tiêm chủng vaccine COVID-19 tại châu Á hiện ở mức khá thấp, chỉ khoảng 1 - 3% dân số. Trong khi đó, ở Mỹ và châu Âu, tỷ lệ người dân được tiêm chủng đủ liều lần lượt là 40% và 18%. Tại Ấn Độ, tâm dịch COVID-19 của châu Á và thế giới hiện nay, tỷ lệ tiêm chủng thấp với chỉ 3,3% dân số được tiêm đủ liều.
Các quốc gia láng giềng của Ấn Độ là Nepal, Bangladesh cũng đang ở trong tình trạng tương tự. Điều này cho thấy, tốc độ tiêm chủng đang bị chậm so với tốc độ lây lan của virus biến thể. Và việc chậm tiêm chủng đang kéo tụt cuộc chiến chống lại COVID-19.
Biến thể lây lan nhanh tại những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp. (Ảnh: AP)
Người dân châu Á vẫn e ngại tiêm vaccine COVID-19
Đến cuối năm 2020, châu Á vẫn dẫn đầu thế giới trong cuộc chiến chống COVID-19 nhờ tính kỷ luật cao, ý thức sử dụng khẩu trang của người dân, những biện pháp khoanh vùng dập dịch hiệu quả của các chính phủ. Tuy nhiên, đến nay, khi các biến chủng có tốc độ lây lan nhanh hơn, điều này là chưa đủ. Tiêm chủng để có miễn dịch cộng đồng được xem là mảnh ghép cuối cùng giúp các nước châu Á quyết đấu với đại dịch COVID-19. Mặc dù vậy, tâm lý e ngại tiêm vaccine vẫn tồn tại ở một bộ phận người dân, khiến chiến dịch tiêm chủng gặp nhiều khó khăn.
Sau hơn 1 năm chống dịch thành công, nay Đài Loan (Trung Quốc) gặp khó khi kiểm soát dịch do biến chủng mới gây ra. Một phần nguyên nhân là do nơi này chưa có miễn dịch cộng đồng. Đến nay, mới chỉ 1% dân số của Đài Loan tiêm vaccine. Nhiều người dân vẫn e ngại hiệu quả của việc tiêm vaccine, hoặc chủ quan do Đài Loan đã từng chống dịch thành công.
Tâm lý e ngại vaccine cũng xuất hiện tại nhiều quốc gia khác. Ở Hongkong (Trung Quốc), giới chức y tế nhận định, khả năng 70% dân số tiêm chủng trước tháng 9 năm nay là rất khó xảy ra. Còn tại Philippines, kết quả khảo sát được đăng trên Reuters hồi tháng 5 cho thấy, cứ 10 người dân nước này thì có 6 người không muốn tiêm vaccine. Chính điều này đã khiến việc chống lại làn sóng dịch mới tại các quốc gia châu Á gặp nhiều khó khăn.
Tâm lý e ngại tiêm vaccine vẫn tồn tại ở một bộ phận người dân. (Ảnh: AP)
Châu Á cải thiện tốc độ tiêm chủng
Trước tình trạng tỷ lệ tiêm vaccine thấp, các nước châu Á đang tìm cách cải thiện tiến độ tiêm chủng nhằm sớm kiểm soát dịch bệnh.
Malaysia sẽ sớm triển khai dự án thí điểm 30 xe lưu động tiêm vaccine COVID-19 tại thủ đô Kuala Lumpur nhằm đẩy nhanh quá trình tiêm chủng, qua đó tạo được miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021. Cùng chung mục tiêu đẩy nhanh quá trình tiêm chủng, Nhật Bản sẽ bắt đầu tiêm vaccine COVID-19 cho người dân tại nơi làm việc và trường đại học từ ngày 21/6 tới.
Trong khi đó, Ấn Độ cho biết, trong tháng 6 này, sẽ có khoảng 120 triệu liều vaccine được đưa vào chương trình tiêm chủng, tăng đáng kể so với tháng 5. Ngoài ra, một số quốc gia cũng có kế hoạch cấp phép cho nhiều loại vaccine COVID-19 hơn.
Thời báo New York trong một bài viết nói về việc tiêm chủng có chi tiết: "Giống như mọi đại dịch khác, lần này, nó sẽ kết thúc với 2 kịch bản. Một là hàng triệu người hoặc hàng tỷ người nhiễm bệnh; hoặc hai là hàng triệu, hàng tỷ người được tiêm chủng". Có thể thấy, việc tiêm chủng nhanh, tăng khả năng miễn dịch cộng đồng sẽ là mảnh ghép giúp cho cuộc chiến chống COVID-19 nhanh chóng thành công.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!