Chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử thế giới đang được triển khai. Hơn 1,8 tỷ liều vaccine COVID-19 đã được tiêm, hơn 400 triệu người đã được tiêm đủ 2 liều. Chủ động đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng đang là nỗ lực toàn cầu, với sự vào cuộc của các chính phủ, ý thức trách nhiệm và đồng lòng phối hợp của cả xã hội.
Độ phủ của vaccine là không đồng đều
Dịp lễ Memorial Day đầu tuần tới tại Mỹ, người dân sẽ có thể đi du du lịch. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã sửa đổi hướng dẫn, những người tiêm phòng đầy đủ có thể được miễn đeo khẩu trang. Tháng 9 tới đây, năm học mới bắt đầu, học sinh sẽ được tới trường chứ không còn học trực tuyến nữa.
Ông Bill de Blasio - Thị trưởng thành phố New York, Mỹ cho biết: "Chúng tôi sẽ có nhiều biện pháp bảo vệ để giữ an toàn cho học sinh và giáo viên với tiêu chuẩn sức khỏe và an toàn cao nhất".
Tại châu Âu, sau khi hơn 200 triệu liều vaccine đã tiêm, câu chuyện bàn tiếp đang là liệu có thể triển khai thẻ xanh du lịch mùa hè này?.
Thủ tướng Croatia Andrej Plenkovic cho rằng: "Chứng chỉ COVID kỹ thuật số sẽ là công cụ giúp đi lại tự do trong EU, điều này đặc biệt quan trọng để khởi động lại nền kinh tế và du lịch. Tôi tin rằng bất kỳ ai đã khỏi bệnh COVID hay được tiêm vaccine đầy đủ sẽ được quyền tự do đi lại giữa các nước châu Âu".
Lọ vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer. Ảnh: Reuters
Dự kiến 70% người trưởng thành ở châu Âu sẽ được tiêm đầy đủ vaccine vào cuối tháng 7 tới. Còn tại Mỹ, một nửa dân số đã tiêm ít nhất 1 liều. Người dân hợp tác với chiến dịch tiêm chủng và nhận lại là những thay đổi ngay trong chính đời sống thường nhật của mình.
Anh Amine Karama - Người dân Pháp nói: "Chúng tôi như được sống lại vậy. Đơn giản như chúng tôi giờ không phải ở nhà nữa mà được tự do ra ngoài. Cuộc sống đang bắt đầu trở lại rồi".
Thế nhưng, chưa phải ở đâu cũng vậy. Bản đồ mô tả độ phủ của vaccine trên thế giới cho thấy màu xanh mô tả tình hình đã được tiêm vaccine càng đậm tức là càng tiêm được nhiều. Châu Âu và Bắc Mỹ, những khu vực triển khai tiêm tích cực, cũng là 2 trong những nơi chủ động nhất về nguồn cung vaccine.
Tại châu Á, châu Phi và nhiều nước Trung Đông, kể cả những nước điều kiện kinh tế tốt như Nhật Bản, Hàn Quốc, nhìn chung tình hình tiêm đều chậm. Mới chỉ 0,3% trong số các liều vaccine được tiêm trên thế giới được sử dụng tại 29 nước nghèo nhất, nơi chiếm 9% dân số toàn cầu.
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng giám đốc WHO cho biết: "Cho đến nay, chúng tôi đã vận chuyển hơn 63 triệu liều vaccine đến 124 quốc gia và vùng lãnh thổ. Số vaccine này chỉ đủ đáp ứng cho 0,5% dân số của các bên đã nhận. Cơ chế COVAX vẫn hiệu quả. Vấn đề của nó là nguồn cung".
Thế giới cần hơn 10 tỷ liều để tiêm chủng cho 70% dân số, ngưỡng được cho là cần thiết để đạt được miễn dịch cộng đồng và chặn đứng đại dịch. Thế giới chỉ an toàn khi tất cả đều an toàn.
Một người đàn ông vô gia cư được tiêm vaccine COVID-19 ở Los Angeles, California, Mỹ. Ảnh: Reuters.
Tác dụng của việc tiêm phòng đã được thấy rõ tại Mỹ
Mỹ là một trong những quốc gia đầu tiên triển khai tiêm phòng COVID-19, và đến nay sau khoảng 5 tháng rưỡi, đã có hơn 1 nửa dân số được tiêm ít nhất một liều vaccine. Dù còn khá xa để đạt được mức miễn dịch cộng đồng là 80% nhưng tác dụng của việc tiêm phòng đã được thấy rõ.
Trên quy mô toàn quốc số ca mắc COVID-19 mới có xu hướng giảm liên tục trong những tháng gần đây. Theo số liệu của CDC, số ca nhiễm mới hàng ngày hiện nay của Mỹ vào khoảng 24 nghìn, bằng chưa đến 1/10 so với giai đoạn đầu tháng 1 khi vaccine mới được triển khai. Đặc biệt là đối với những người không may bị mắc COVID-19 thì tỷ lệ phải nhập viện điều trị tích cực cũng đã giảm hẳn.
Những tiến triển về mặt y tế cộng đồng này cũng đã kéo theo sự phục hồi nhanh hơn của nền kinh tế Mỹ. Theo số liệu của Bộ Thương mại, GDP quý I của Mỹ đạt 6,4%, đây là mức tăng trưởng trong quý đầu tiên cao nhất kể từ năm 1984. Đa phần các chuyên gia đều dự báo việc đẩy mạnh các chương trình tiêm chủng cùng với các gói viện trợ sẽ thúc đẩy kinh tế Mỹ đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong gần 4 thập niên qua.
Giới chuyên gia y tế của Mỹ nhận định COVID-19 sẽ tiếp tục tồn tại trong nhiều năm tới và tiêm phòng sẽ là chìa khóa để biến căn bệnh này thành mối đe dọa có thể kiểm soát. Xuất phát từ quan điểm như vậy nên Mỹ đang tiếp tục động viên người dân đi tiêm phòng càng sớm càng tốt. Vì trong bối cảnh các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đang có những diễn biến phức tạp, mức miễn dịch cộng đồng đã được nâng lên 80% (cao hơn so với mức trước đây là 70% dân số được tiêm phòng).
Tổng thống Joe Biden đặt mục tiêu tới ngày Quốc khánh mùng 4/7 sẽ có ít nhất 70% người trưởng thành được tiêm vaccine phòng COVID-19. Để đạt mục tiêu này, hiện nay hàng nghìn hiệu thuốc tại Mỹ đã cung cấp dịch vụ tiêm phòng mà không cần hẹn trước. Các điểm tiêm vaccine lưu động cũng được triển khai ở nhiều nơi. Sắp tới trẻ em trong lứa tuổi từ 12 đến 15 cũng có thể bắt đầu được tiêm vaccine phòng COVID-19.
Nhật Bản vaccine là chìa khóa để đối phó với COVID-19
Nhật Bản thúc đẩy chương trình tiêm vaccine COVID-19 đại trà sớm. Ảnh: Reuters
Nhật Bản cũng như nhiều nước khác, coi vaccine là chìa khóa để đối phó với COVID-19. Nhưng xuất phát từ nhiều nguyên nhân mà tốc độ tiêm chủng tại Nhật Bản vẫn đang bị coi là rất chậm so với các nước phát triển. Người Nhật tuy vậy lại không hẳn coi sự chậm trễ này là điều tiêu cực, mà thực tế cho thấy, với quy trình xét duyệt và cân nhắc chặt chẽ trước khi đưa vaccine vào tiêm, tâm lý đón nhận của người dân đối với vaccine là rất tích cực.
Nhật Bản bắt đầu thực hiện tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 từ giữa tháng 1, nhưng đến nay chỉ mới tiêm chủng cho khoảng 6 triệu người, tức là chỉ 4,6% dân số và Nhật Bản đang chậm chân hơn hầu hết các quốc gia phát triển khác. Chính phủ nước này cho biết, sự chậm trễ này xuất phát từ các quy định chặt chẽ trong xét duyệt nhằm khẳng định tính an toàn của vaccine, từ đó xây dựng lòng tin cộng đồng đối với chương trình tiêm chủng.
Toàn bộ vaccine Nhật Bản đang sử dụng được nhập khẩu từ các Mỹ và châu Âu. Nước này cũng có quy trình xét duyệt chặt chẽ đối với các vaccine nhập khẩu, đặc biệt là cần có thử nghiệm lâm sàng trong nước để kiểm tra sự phù hợp với thể chất người dân, trên kết quả nghiên cứu khoa học đó sẽ xin ý kiến của ủy ban chuyên gia, rồi mới ra quyết định phê duyệt.
Do các quy định y tế ngặt nghèo, chỉ các bác sĩ và y tá đã được đào tạo mới được cho phép tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19. Trong suốt nhiều tháng, đây là nút thắt cho việc đẩy nhanh tiến trình tiêm vaccine. Tuy nhiên, sau gần 4 tháng tiêm chủng, các nút thắt này đã dẫn được tháo gỡ, sự hiệu quả và tính an toàn của vaccine cũng tiếp tục được khẳng định, phản hồi của người dân nước này sau khi tiêm chủng vaccine là khá tích cực.
"Trong một thời gian dài tôi cảm thấy khá căng thẳng, tôi không muốn gia đình mình bị lây nhiễm, tôi xin cảm ơn những người đã tiêm chủng cho tôi, bây giờ tôi đã cảm thấy nhẹ nhõm hơn", ông Hideo Ishikawa - Tokyo, Nhật Bản nói.
Đan Mạch đã sử dụng "giấy thông hành COVID-19". Ảnh: BBC
Vaccine - chìa khóa thoát khỏi đại dịch
Những hình ảnh mà người ta không muốn nhìn lại. Hơn 9,7 triệu ca nhiễm và hơn 142 nghìn người đã tử vong khi dịch sởi bùng phát trở lại tại nhiều nước châu Âu, Mỹ và các nước Tây Thái Bình Dương giai đoạn 2018-2019. Trong khi, sởi là căn bệnh hoàn toàn có thể dự phòng được thông qua tiêm chủng. Tâm lý trì hoãn tiêm vaccine vẫn còn tồn tại ở nhiều nhóm người, tại nhiều quốc gia và cũng không chỉ với bệnh sởi. Theo giới quan sát, thông tin sai lệch trên mạng xã hội cũng là nguyên nhân chính kích ngòi tâm lý này.
Chống vaccine, trì hoãn tiêm vaccine đã trở thành rào cản, làm lây lan những dịch bệnh vốn đã có thể phòng ngừa. Thậm chí, còn được xem là một trong những mối đe dọa với y tế toàn cầu. Hiện tượng này có tồn tại với vaccine COVID-19. Nguồn cung vẫn hạn chế, nhưng tình trạng lãng phí vaccine chưa sử dụng vẫn đang có, do nghịch lý, nơi cần thì chưa có vaccine tiêm, người được tiêm lại trì hoãn chủng ngừa.
Cho đến lúc này, các chuyên gia vẫn khẳng định, vaccine là chìa khóa quan trọng để thoát khỏi đại dịch. Kể cả khi các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 xuất hiện, lây lan, vaccine vẫn cho thấy tính hiệu quả, nhất là hướng tới mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng. Hay thậm chí, dù chưa đạt được ngưỡng miễn dịch cộng đồng, việc chủng ngừa cũng giúp giảm đáng kể tình trạng lây nhiễm COVID-19.
Hành khách từ Đức và Thụy Sĩ đến đảo Crete, Hi Lạp hôm 15/5 khi Hi Lạp mở cửa đón khách du lịch quốc tế. Ảnh: Reuters
Tại Mỹ, Anh, các nước EU, hay Israel, quá trình nới lỏng đã dần tiếp diễn. Nhịp sống bình thường mới là minh chứng rõ nhất cho ý nghĩa của chiến dịch tiêm chủng. Cũng là thông điệp về tính cấp thiết của việc tiêm chủng vaccine COVID-19, lựa chọn duy nhất để nhịp sống bình thường nhanh quay trở lại.
Cuộc sống bình thường mới theo hướng tích cực ở Mỹ và châu Âu
Một năm rưỡi sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, những nơi đã từng như là điểm đen của đại dịch là Mỹ, châu Âu, cuộc sống của người dân đang dần trở lại bình thường nhờ vào chiến dịch tiêm chủng thần tốc. Virus vẫn biến đổi, dịch bệnh vẫn còn nhiều nguy cơ, nhưng tạm thời đến thời điểm này, vaccine vẫn đang cho thấy vai trò lá chắn tích cực, kể cả trong trường hợp lây lan những biến thể mới thời gian qua.
Lúc này ở Mỹ và châu Âu, người ta bắt đầu nói về một trạng thái bình thường mới - theo kiểu khác. Không còn là chuyện bình thường mới với phong tỏa, giãn cách. Mà là một trạng thái dần trở lại bình thường thực sự như trước đây. Ở đó, vaccine là chìa khóa cho sự đi lại, sinh hoạt bình thường như trước, và thậm chí cũng có thể dần làm quen với bối cảnh, theo như nhiều dự báo của các nhà dịch tễ học, COVID-19 sẽ là căn bệnh không bao giờ biến mất, và vaccine là cách duy nhất để sống chung với dịch, như từng với rất nhiều dịch bệnh khác.
Tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 cho tình nguyện viên tại phòng thí nghiệm ở Đức. Ảnh minh họa: AP
Vaccine COVID-19 có thể phải được tiêm nhắc lại hàng năm
Vaccine đang giúp mở ra một trạng thái, một giai đoạn khác. Giai đoạn học cách sống chung bình thường với dịch bệnh. Từ nửa cuối tháng 5, nhiều hạn chế đã được dỡ bỏ dần ở các nước châu Âu. Còn từ 1/7 tới, người dân sẽ không chỉ tự do đi lại trong nước, mà cả trong khối, khi Chứng chỉ xanh kỹ thuật số về COVID-19 của EU chính thức có hiệu lực.
Sự thuận tiện và ưu ái vẫn dành cho những người đã tiêm chủng ngừa COVID-19, dù là đi làm ăn kinh doanh, hay muốn đi du lịch trở lại. Chứng chỉ ghi dữ liệu dịch tễ liên quan đến COVID-19 của các cá nhân. Trong đó có quy định, nếu đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19, hoặc đã có kháng thể thì có thể nhập cảnh mà không cần phải xét nghiệm hay cách ly.
Tìm cách sống chung với COVID-19, thay vì suy nghĩ đợi mọi thứ qua hẳn, dịch bệnh được diệt trừ hoàn toàn, được xem là cách tiếp cận thực tế, và tiêm vaccine ở đây được xem là công cụ tạo miễn dịch nhanh nhất. Theo WHO, đại dịch COVID-19 cần ít nhất 70% người dân trên thế giới được tiêm chủng.
Theo nhiều chuyên gia dịch tễ, COVID-19 sẽ không biến mất, căn bệnh này vẫn sẽ tồn tại và trở thành một loại bệnh dịch địa phương - một bệnh xảy ra thường xuyên với tỷ lệ có thể dự đoán được ở một vùng cụ thể, giống như bệnh cúm mùa ở Bắc Mỹ hoặc sốt rét ở châu Phi. Khi đó cũng không loại trừ trường hợp vaccine COVID-19 phải được tiêm nhắc lại hàng năm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!