Tình cảnh "khó chồng khó" tại các bệnh viện Syria trong dịch COVID-19

An Ngọc (Tổng hợp từ CNN, NPR, The Washington Post, The Guardian, The Independent)-Thứ hai, ngày 07/09/2020 06:08 GMT+7

Các bác sĩ Syria tại bệnh viện chuyên điều trị COVID-19 đầu tiên tại thành phố Idlib (Nguồn: CNN)

VTV.vn - Người dân Syria đang chiến đấu với COVID-19 mà gần như không có gì trong tay, kể cả câu trả lời cho câu hỏi: chống dịch hay chết đói?

Bác sĩ và bệnh nhân Syria ra trận mà thiếu "vũ khí"

Do thiếu trầm trọng trang thiết bị y tế, các bác sĩ tại Syria cho biết họ gặp nhiều khó khăn trong khi tìm cách cứu sống bệnh nhân. Các bác sĩ đã khẩn thiết kêu gọi nhà chức trách đảm bảo đủ giường và máy thở cho các người bệnh. Tình hình lại càng thêm khó khăn hơn khi họ còn thiếu cả đồ bảo hộ dành cho nhân viên y tế.

Một bác sĩ tại thành phố Aleppo dùng tên giả là Ihsan cho biết: "Bệnh nhân phải đợi một bệnh nhân khác tử vong mới có máy thở để dùng, theo đúng nghĩa đen. Trong khi đó bệnh viện còn gặp phải áp lực từ phía gia đình người bệnh, yêu cầu mau chóng cho người nhà của họ dùng máy thở... Từ đầu dịch đến giờ, bệnh viện chỉ đưa cho tôi 6 chiếc khẩu trang N95. Có lúc tôi phải làm việc 14 giờ liên tục".

Bác sĩ Ihsan còn cho hay có những bác sĩ, y tá thậm chí còn không đeo khẩu trang ở bệnh viện của ông. "Tôi thấy chuyện đó hằng ngày và tôi phải nói là đây hoàn toàn là lỗi từ phía quản lý bệnh viện vì không cung cấp đủ khẩu trang. Đừng hy vọng nhân viên bỏ 60 USD ra mua khẩu trang trong khi họ chỉ kiếm được 35 USD/tháng".

Tại thủ đô Damascus, một bác sĩ khác tự xưng là Abd cho biết rằng ông bị ép phải khử trùng khẩu trang dùng một lần của mình và chỉ sau một chiến dịch truyền thông nào đó mới có các công ty y tế cung cấp thêm trang thiết bị cho họ.

Tình cảnh khó chồng khó tại các bệnh viện Syria trong dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Nhân viên y tế chuẩn bị phòng cách ly cho bệnh nhân COVID-19 ở bệnh viện tại Damascus, Syria (Nguồn: CNN)

Tình trạng thiếu đồ bảo hộ đồng nghĩa với việc hệ thống y tế của Syria, vốn đã kiệt quệ sau nhiều năm nội chiến, đã mất đi nhiều y bác sĩ trong cuộc chiến với dịch bệnh. Dù chưa có khẳng định nào về tổng số y bác sĩ tử vong kể từ đầu dịch nhưng danh sách 61 nhân viên y tế tử vong đã xuất hiện trên một số trang web. Bác sĩ Shadi al-Najjar, giám đốc Sở Y tế Damascus, thừa nhận: "Trong số những bác sĩ và y tá giỏi nhất Syria đã có những người tử vong do COVID-19".

Một nhân viên y tế dùng tên giả là Ahmad cho biết: "Họ bắt chúng tôi làm việc cả tuần, khiến nhân viên phơi nhiễm với những nguy cơ và các bác sĩ, trong trường hợp này, cũng trở thành nguồn lây virus cho những người khác". 

Theo số liệu chính thức của Bộ Y tế Syria, ít nhất 76 nhân viên y tế đã dương tính với virus SARS-CoV-2 tính đến ngày 21/8.

Cuộc khủng hoảng COVID-19 cũng tấn công sức khỏe tinh thần của các nhân viên y tế. Họ cho biết mình cảm thấy bất lực khi phải chứng kiến các bệnh nhân, có khi là người nhà của chính mình, tử vong vì COVID-19.

Bác sĩ Abd nhớ lại trải nghiệm đau buồn khi bốn đồng nghiệp không thể cứu sống cha họ. Bác sĩ Abd nhớ lại: "Thứ cảm giác tồi tệ nhất là cảm giác không thể làm gì" .

Danh sách những thách thức Syria phải đối mặt vẫn còn dài...

Tổ chức y tế thế giới (WHO) cho biết Syria đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc giảm nhẹ tác động của đại dịch. Năng lực xét nghiệm của Syria vẫn ở mức thấp mặc dù từ đầu dịch nước này đã có những phản ứng ban đầu tích cực. Hiện Syria thực hiện khoảng 500 xét nghiệm/ngày, trong khi mục tiêu đặt ra là tăng khả năng lên 3.000 xét nghiệm/ngày.

Đại dịch COVID-19 tấn công Syria vào thời điểm nước này đã kiệt quệ sau hơn 9 năm nội chiến, đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế và những lệnh trừng phạt khắc nghiệt nhất của Mỹ tính đến thời điểm này. Đồng lira đã mất phần lớn giá trị trong những tháng gần đây, tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát gia tăng, phần lớn người dân không còn khả năng chi trả cho những mặt hàng cơ bản.

WHO cho biết: "Syria đang trong năm thứ 10 của tình trạng khẩn cấp phức tạp với 4 cuộc khủng hoảng đồng thời, ảnh hưởng tới hệ thống y tế trong việc đương đầu với dịch bệnh". 

Theo chia sẻ của một bác sĩ Syria được đăng trên tờ The Guardian, số ca mắc bệnh và tử vong do COVID-19 tại nước này cao hơn những số liệu chính thức được công bố. Số lượng bệnh nhân quá lớn khiến các bệnh viện, vốn đã ở trong tình trạng thiếu thốn cơ sở vật chất, rơi vào tình trạng quá tải đến mức họ phải từ chối tiếp nhận bệnh nhân. Nhiều bệnh nhân không đủ giường phải trải nệm nằm dưới đất.

Chính phủ Syria ban đầu áp đặt lệnh đóng cửa ngắn hạn. Nhưng trước áp lực kinh tế chưa từng có tiền lệ và phần đông dân số sống dựa vào đồng lương hằng ngày, nước này đã phải mở cửa trở lại.

Tình cảnh khó chồng khó tại các bệnh viện Syria trong dịch COVID-19 - Ảnh 2.

Bác sĩ chuẩn bị trang thiết bị cho bệnh nhân COVID-19 ở bệnh viện tại Hasakah, Syria (Nguồn: CNN)

Bánh mì hay khẩu trang?

Việc đeo khẩu trang và giãn cách xã hội được khuyến khích trong những chiến dịch truyền thông, nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc, bởi người dân Syria phải đứng trước lựa chọn: bánh mì hay khẩu trang? Một giáo viên 68 tuổi đã về hưu tại Damascus giải thích lý do ông không đeo khẩu trang: "Nếu tôi không mua khẩu trang hay thuốc, tôi có thể chết hoặc khỏi bệnh nhưng tôi mà không mua bánh mì cho gia đình thì cả nhà tôi sẽ chết đói... Chúng tôi cần hai ổ bánh mì mỗi ngày, có giá ít nhất 600 lira. Còn nếu chúng tôi mua khẩu trang thì sẽ mất khoảng 1.000 lira. Sự lựa chọn là bánh mì hay khẩu trang đấy".

Bác sĩ Muhanad Shami (không phải tên thật) công tác tại bệnh viện Đại học al-Mouwasat, Damascus chia sẻ câu chuyện của mình: "Mỗi ngày tôi đều đi làm bằng xe buýt hoặc xe buýt mini vốn chỉ cho phép chở 11 người. Thế nhưng hầu như lúc nào cũng nhồi nhét 15 người và tôi là người duy nhất đeo khẩu trang". Thường thì ông đeo khẩu trang và dùng thuốc khử trùng ở bệnh viện nhưng những khi không có sẵn, ông lại đi bộ 45 phút từ nhà tới bệnh viện để tránh nguy cơ mắc bệnh trên những chuyến xe buýt đông người.

Ông chia sẻ: "Tôi ngạc nhiên là đến giờ này tôi chưa ngã bệnh đấy". Tại bệnh viện của ông, 3 bác sĩ và một số y tá đã tử vong vì COVID-19 do thiếu khẩu trang. "Cứ 10 phút tôi lại rửa tay và uống nước. Cả ngày tôi ở trong trạng thái lo lắng".

Về số ca mắc COVID-19 tại Syria, bác sĩ Muhanad Shami cho rằng, số ca mắc bệnh được công bố chỉ chiếm khoảng 10% số liệu thực tế. 

"Ví dụ vào ngày 14/8, Bộ Y tế thông báo rằng chỉ có 72 ca mắc COVID-19 nhưng riêng ở bệnh của tôi đã có 200 người chen chúc nhau trong khoảng sân gần đó. Tất cả đều ốm, ho, sốt, mất khả năng cảm nhận mùi vị và cần tiếp oxy".

Giới chuyên gia cho rằng chống dịch là một cuộc chiến lâu dài với Syria và để chiến thắng cuộc chiến này, Syria không thể chống chọi một mình.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước