Quyết định trên được công bố trên trang web của Tổng thống Armenia Vahagn Khachaturyan vào ngày 13/10.
Quốc hội Armenia đã phê chuẩn Quy chế Rome vào đầu tháng 10 này với số phiếu 60/22.
Armenia ban đầu ký văn kiện này vào năm 1999, nhưng đã đình chỉ việc phê chuẩn vào năm 2004 vì bị cho là không phù hợp với hiến pháp quốc gia. Quá trình gia nhập ICC đã được khôi phục vào cuối năm 2022 trong bối cảnh xung đột biên giới với nước láng giềng Azerbaijan. Đồng thời, quá trình này được tăng tốc vào thời kỳ căng thẳng gần đây trong khu vực, dẫn đến chiến thắng đối với Azerbaijan và sự giải thể của nước cộng hòa tự xưng Nagorno-Karabakh, một khu vực ly khai không được công nhận của Azerbaijan được Armenia hậu thuẫn.
Phiên họp Quốc hội Cộng hòa Armenia ở Yerevan vào ngày 3/10/2023. (Ảnh: AP)
Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đã lập luận rằng ICC sẽ giúp truy tố những cáo buộc về "tội ác chiến tranh" của người Azerbaijan trên đất Armenia. Ông Pashinyan cũng nhiều lần chỉ trích khối phòng thủ khu vực Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO) do Nga đứng đầu, cho rằng khối này đã không bảo vệ được Armenia.
Việc Armenia phê chuẩn Quy chế Rome, hoàn tất quy trình lập pháp để nước này trở thành thành viên Tòa án Hình sự quốc tế (ICC), đã bị Nga, đồng minh thân cận nhất của nước này, chỉ trích, mô tả đây là một "động thái cực kỳ thù địch".
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói thêm rằng động thái này đặt ra "những câu hỏi bổ sung cho giới lãnh đạo đương nhiệm của Armenia".
Moscow đã có mâu thuẫn với ICC, cho rằng cơ quan này thiên vị đối với chính quyền phương Tây. Mối quan hệ của Nga với ICC ngày càng xấu đi vào tháng 3, khi Tòa án Hình sự quốc tế ban hành lệnh bắt hai quan chức hàng đầu của Nga, trong đó có Tổng thống Vladimir Putin (vì những cáo buộc liên quan tới xung đột Ukraine).
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!