Lễ nhậm chức "vô tiền khoáng hậu" và thông điệp của ông Joe Biden
Cho tới giờ phút này, tất cả các chỉ dẫn đều đang cho thấy lễ nhậm chức của ông Joe Biden sẽ diễn ra trong bầu không khí căng thẳng và kịch tính nhất kể từ thời Nội chiến Mỹ tới nay. Chiến thắng thuyết phục của cặp đôi Biden - Harris trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tháng 11/2020 diễn ra trong bối cảnh những mâu thuẫn và chia rẽ chính trị - xã hội bên trong lòng nước Mỹ đang lên đỉnh điểm. Và thách thức lớn nhất của tân chính quyền Tổng thống Mỹ là phải hàn gắn và hoà giải những mâu thuẫn sâu sắc này.
Vụ bạo loạn ngày 6/1/2021 ở tòa nhà Quốc hội Mỹ là bằng chứng cho thấy một bộ phận người Mỹ đã cạn kiệt niềm tin vào cách vận hành của bộ máy chính trị trong việc giải quyết những mâu thuẫn và vấn đề trong xã hội. Sự tức giận và tâm lý bị kích động đã là mồi lửa cho những hành vi tấn công vào biểu tượng thiêng liêng nhất của nền dân chủ Mỹ và thậm chí còn sử dụng vũ lực để thực hiện mục tiêu mà họ xem là "giành lại nước Mỹ" khỏi những "thế lực xấu". Vì vậy, dù ông Biden có hứa hẹn hay hành động thế nào đi chăng nữa thì ban đầu, thách thức lớn nhất và khó khăn nhất là thuyết phục được ngay những người này rằng Tổng thống mới của nước Mỹ và chính quyền của ông sẽ làm việc và đem lại thay đổi vì lợi ích của những người như họ.
Cuộc bạo loạn ở Đồi Capitol ngày 6/1 (Nguồn: Reuters)
Trước viễn cảnh buổi lễ nhậm chức sẽ đối mặt với rất nhiều rủi ro an ninh, chính quyền Tổng thống Trump đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp tại thủ đô Washington D.C để đảm bảo sự kiện trọng đại 4 năm mới có một lần này có thể diễn ra suôn sẻ và an toàn. Đặc biệt, 25.000 vệ binh quốc gia đã được huy động để đảm bảo an ninh cho buổi lễ, vượt xa con số 15.000 theo kế hoạch ban đầu.
Bên cạnh đó, đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục hoành hành ở nước Mỹ dù đã có vaccine. Tính đến thời điểm này, COVID-19 đã cướp đi mạng sống của hơn 411.000 người dân Mỹ và con số này sẽ còn tiếp tục gia tăng trong những ngày sắp tới. Để hạn chế những rủi ro về sức khoẻ cộng đồng, dự kiến sẽ chỉ có 2.000 người có mặt tại buổi lễ và người dân sẽ không được phép ra công viên National Mall để chào đón vị Tổng thống thứ 46 của mình. Thay vào đó, 200.000 lá cờ Mỹ sẽ được cắm ở National Mall để tượng trưng cho các vị khách mời không thể có mặt tại lễ nhậm chức lịch sử này.
Công tác chuẩn bị cho lễ nhậm chức đã sẵn sàng (Nguồn: Reuters)
Người ta chưa thể biết chắc chắn vị Tổng thống mới của nước Mỹ sẽ nói gì trong bài phát biểu nhậm chức, song như những nguồn tin thân cận với ông Biden tiết lộ, bài diễn văn sẽ kéo dài chừng 20 phút và sẽ tập trung vào chủ đề "Hàn gắn nước Mỹ".
Như vậy, có lẽ qua bài phát biểu này, ông Biden mong muốn "hạ nhiệt" những cuộc tranh luận chính trị hết sức gay gắt hiện nay, đồng thời nhắc nhở người dân rằng dù trong cuộc bầu cử Tổng thống vừa qua đã bỏ phiếu cho ai đi nữa thì cuối cùng họ vẫn là người Mỹ và lòng trung thành trước tiên phải dành cho lá Quốc kỳ và Hiến pháp Mỹ chứ không phải cho một đảng phái cụ thể nào. Do đó, có thể kỳ vọng bài phát biểu nhậm chức này sẽ đặt tiền đề cho quá trình hoà giải và hoà hợp nước Mỹ sau 4 năm đầy biến động vừa qua.
Ông Joe Biden và những thách thức "hậu Trump"
Nhiều khả năng "tuần trăng mật" của chính quyền Biden - Harris sẽ hết sức ngắn ngủi bởi nó sẽ phải đối mặt ngay với một thách thức kép ngay sau khi lên nắm quyền. Một mặt, chính quyền mới cần nhanh chóng hành động để đảo ngược rất nhiều chính sách của chính quyền ông Trump. Mặt khác, họ cũng phải tìm cách đoàn kết lại nước Mỹ và hàn gắn những chia rẽ vốn đã trở nên vô cùng trầm trọng trong những năm tháng gần đây.
Nếu không thực hiện được mục tiêu đầu tiên, ông Biden sẽ thất hứa với cử tri của mình và chắc chắn không có cơ hội để đi đến nhiệm kỳ thứ hai. Nhưng nếu không xoa dịu được số cử tri ủng hộ ông Trump và lấy lòng những nghị sĩ đảng Cộng hoà, chính quyền ông Biden cũng sẽ gặp khó khăn trong việc thúc đẩy nghị trình của mình; thậm chí có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ nội chiến xảy ra. Rõ ràng là cả hai mục tiêu này đều thiết yếu, song lại mâu thuẫn với nhau và nếu không khéo xử lý, ông Biden sẽ thất bại trong cả hai.
Tuy nhiên, trong bối cảnh các cử tri của đảng Dân chủ đã thất vọng với các chính sách của chính quyền Tổng thống Trump và kỳ vọng vào một sự thay đổi lớn dưới thời ông Biden, gần như chắc chắn là chính quyền mới sẽ buộc phải dành ưu tiên cho mục tiêu: đảo ngược các chính sách của chính quyền ông Trump.
Về mặt đối nội, có thể kỳ vọng ông Biden nhanh chóng đưa ra nhiều biện pháp gắt gao để kiểm soát đại dịch COVID-19, bao gồm yêu cầu người dân bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng trên khắp nước Mỹ, đồng thời cho phép thử, điều trị và tiêm vaccine COVID-19 hoàn miễn phí cho toàn bộ công dân Mỹ. Chính quyền sắp tới cũng sẽ đảo ngược các chính sách cắt giảm thuế cho các tập đoàn lớn và người giàu, bên cạnh nhiều chính sách khác về môi trường của chính quyền ông Trump. Cuối cùng, Tổng thống Biden cũng mong muốn thông qua được một đạo luật để mở đường cho 11 triệu người nhập cư trái phép vào Mỹ, trở thành công dân hợp pháp của xứ cờ hoa.
Về đối ngoại, nhiều khả năng các thay đổi sẽ chủ yếu nằm ở tầng chiến thuật thay vì chiến lược bởi các lợi ích quốc gia cốt lõi của Mỹ về cơ bản là bất biến. Dù ai lên nắm quyền đi nữa thì nước Mỹ vẫn muốn bảo vệ vị thế siêu cường số một thế giới của mình trước Trung Quốc và Nga. Washington vẫn sẽ muốn ngăn không cho Iran phát triển vũ khí hạt nhân và tiếp tục phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên. Nước Mỹ cũng sẽ vẫn yêu cầu các đồng minh chia sẻ gánh nặng quốc phòng chung một cách công bằng hơn, nhưng sẽ không từ bỏ bất kỳ liên minh nào.
Cạnh tranh chiến lược vẫn sẽ là trọng tâm trong chính sách đối ngoại Mỹ (Nguồn: theasis/Getty Images)
Như vậy, ông Biden chủ yếu sẽ chỉ thay đổi cách thức Mỹ theo đuổi các mục tiêu chiến lược hiện nay và thay đổi "ngôn ngữ" mà nước Mỹ sử dụng để "giao tiếp" với các nước khác, đặc biệt là các quốc gia đồng minh lâu năm của mình. Chính quyền ông Biden sẽ sử dụng giọng điệu mềm mỏng hơn với các đồng minh để gây dựng lại hình ảnh và uy tín của nước Mỹ, đồng thời củng cố và tận dụng triệt để các kênh đa phương mà chính quyền Tổng thống Trump đã "ngó lơ" trong suốt 4 năm qua.
Tại thời điểm này cũng chưa có cơ sở để tin rằng cặp đôi lãnh đạo Biden - Harris sẽ nhẹ tay hơn với Trung Quốc so với chính quyền ông Trump. Cần nhớ rằng chiến lược "xoay trục về Châu Á" là sáng kiến của chính quyền Tổng thống Obama và những bổ nhiệm, sắp xếp nhân sự ban đầu cho thấy nhiều người cũ trong chính quyền ông Obama đã trở lại và nắm giữ những vị trí quan trọng trong chính quyền ông Biden.
Tuy nhiên, như đã hứa, ông Biden sẽ tham vấn các đồng minh trước khi áp đặt các lệnh thuế quan mới lên Trung Quốc trong tương lai. Điều này có thể khiến Mỹ di chuyển chậm chạp hơn, song cũng có thể gây dựng được mặt trận đa phương vững chắc hơn ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Thế giới quan của ông Joe Biden
Đối với các chiến lược gia và nhà lãnh đạo trên khắp thế giới, câu hỏi lớn nhất tại thời điểm này là Tổng thống Joe Biden tin vào điều gì? Cụ thể hơn, họ muốn biết ông Biden là người như thế nào và đâu là những niềm tin cá nhân hình thành nên thế giới quan của ông? Hiểu được điều này là vô cùng quan trọng vì hai lý do sau.
Thứ nhất, trong một hệ thống chính trị mà Tổng thống có nhiều quyền lực và sức ảnh hưởng như ở Mỹ thì những niềm tin cốt lõi của ông Biden sẽ là kim chỉ nam cho các chiến lược lớn của chính quyền trong ít nhất 4 năm tới. Thứ hai, trong giai đoạn đầu, khi các chính sách còn đang dần hình thành thì những gì được biết về con người của Tổng thống Biden sẽ là cơ sở chắc chắn nhất để các nước khác hoạch định chính sách cho riêng mình.
Ông Joe Biden tin rằng nước Mỹ nên lãnh đạo thế giới (Nguồn: AP)
Là một Thượng Nghị sĩ và cũng là người đã trưởng thành trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, tư duy đối ngoại của ông Joe Biden sẽ hết sức "truyền thống". Khác với người tiền nhiệm, ông Biden không nghĩ rằng nước Mỹ chỉ đơn thuần là một siêu cường mạnh hơn các cường quốc còn lại. Nói cách khác, vị Tổng thống mới tin vào "chủ nghĩa biệt lệ Mỹ" (Americanism) và vì thế, ông cho rằng thế giới sẽ tốt đẹp hơn nếu Mỹ tiếp tục đóng vai trò đầu tàu, dẫn dắt đặc biệt trong việc ứng phó với các thách thức toàn cầu, ví dụ như đại dịch COVID-19 hay biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, ông Biden cũng là người tin vào chủ nghĩa đa phương và cho rằng sức mạnh của nước Mỹ nằm ở mạng lưới đồng minh và đối tác toàn cầu. Dù trong các vấn đề mang tính toàn cầu hay vấn đề khu vực như các chương trình hạt nhân của Iran, Triều Tiên hay việc đối phó với Trung Quốc, ông đều cho rằng Mỹ cần phối hợp chặt chẽ với các nước liên quan, thông qua các mạng lưới đồng minh và tổ chức khu vực để tìm kiếm giải pháp.
Cuối cùng, vị Tổng thống mới của nước Mỹ là người tin vào hệ giá trị dân chủ và chắc chắn sẽ lấy thế giới phương Tây làm nòng cốt. Hệ quả tất yếu là trong các hoạt động Ngoại giao, chính quyền sắp tới ở Washington sẽ đề cao yếu tố ý thức hệ và các nội dung dân chủ - nhân quyền. Ông Biden vẫn cho rằng các nền dân chủ đã bị thụt lùi trong 4 năm qua nên sẽ tìm cách khôi phục bằng cách thiết lập một "mặt trận đoàn kết" giữa các "quốc gia dân chủ", thậm chí là một hội nghị thượng đỉnh kiểu G7 nhưng chỉ gồm các "đồng minh dân chủ" của Mỹ để tham vấn lẫn nhau về các vấn đề quốc tế nổi bật. Hệ quả gần như tất yếu là sự khác biệt về ý thức hệ sẽ bị đẩy lên cao.
Nước Mỹ đang bước vào thời điểm chính thức có một vị Tổng thống mới. Dù thành công hay thất bại trên quãng đường sắp tới, việc ông Biden lên nắm quyền chắc chắn sẽ đánh dấu một bước ngoặt đáng kể sau nhiệm kỳ đầy biến động vừa qua của Tổng thống Trump. Thế giới đang "nín thở" chờ đợi những bước đi đầu tiên của Tổng thống Joe Biden.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!