Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama lên chiếc Air Force One bắt đầu chuyến công du châu Á. (Ảnh: AFP)
Chuyến đi diễn ra trong bối cảnh Đảng Dân chủ của ông vừa thất bại lớn trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ. Chuyến đi này là cơ hội để ông Obama chứng tỏ ông có đủ khả năng và nguồn lực chính trị để thực hiện các cam kết của mình tại khu vực.
Tổng thống Mỹ Obama dành gần 10 ngày để đến Trung Quốc, Myanmar và Australia để tham dự các Hội nghị Thượng đỉnh APEC, Cấp cao Đông Á và G20.
Kể từ khi chính sách xoay trục được công bố năm 2011, chính quyền Tổng thống Obama đã phải đối mặt với những chỉ trích từ cả các đồng minh và bạn bè trong khu vực rằng chính sách này đã khiến Mỹ bị phân tâm với các cuộc khủng hoảng khác trên thế giới - đặc biệt là năm nay với hàng loạt cuộc khủng hoảng từ Ukraine, Iraq, Syria cho tới dịch Ebola ở Tây Phi. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng châu Á vẫn là ưu tiên hàng đầu của chính quyền Mỹ.
Ông Marvin Ott, chuyên gia phân tích chính trị, Đại học Johns Hopkins, Mỹ cho biết: “Điều quan trọng nhất tôi muốn nói là những người ở châu Á cần phải ghi nhận rằng, để có thể giành được một, hai giờ của Tổng thống Mỹ đã khó, vậy mà ông Obama lại dành rất nhiều ngày để đi châu Á, đó là điều rất hiếm có. Nếu ông ấy đã dành rất nhiều thời gian của mình cho châu Á như vậy, đó cũng đủ thể hiện rằng châu Á đang ở vào ưu tiên rất cao trong chính sách của chính quyền Mỹ”.
Chuyến thăm châu Á ngay sau bầu cử giữa nhiệm kỳ là cơ hội để ông Obama chứng tỏ với các nhà lãnh đạo toàn cầu rằng ông vẫn quyết tâm triển khai chiến lược "xoay trục” trong 2 năm cuối nhiệm kỳ Tổng thống của mình. Theo ông Marvin Ott, thất bại của phe Dân chủ không ảnh hưởng lớn đến chính sách xoay trục của chính quyền Mỹ.
Ông Marvin Ott, chuyên gia phân tích chính trị, Đại học Johns Hopkins, Mỹ nói: “Có rất nhiều lĩnh vực mà hai phe Dân chủ và Cộng hoà bất đồng và tranh chấp với nhau nhưng chính sách đối với khu vực châu Á Thái Bình Dương chưa bao giờ là một trong những nội dung tranh chấp đó. Và cũng như vậy, chính sách xoay trục sang châu Á chưa bao giờ là vấn đề gây tranh cãi trong chính trị Mỹ”.
Sau thất bại của phe Dân chủ tại bầu cử giữa nhiệm kỳ, ông Obama sẽ gặp nhiều khó khăn trong chính sách đối nội. Vì vậy, thúc đẩy tái cân bằng sang châu Á được coi là ưu tiên và có thể nó sẽ giúp ông Obama đạt được thành tích nhất định sau 8 năm tại Nhà Trắng.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.