Chuyến thăm châu Á của Tổng thống Obama: “Xoay trục” không thể chỉ bằng cam kết

PV-Thứ ba, ngày 29/04/2014 19:40 GMT+7

Tổng thống Mỹ Barack Obama bắt tay Tổng thống Philippines Benigno Aquino (Ảnh: Reuters)

Chuyến thăm châu Á của ông Obama tại thời điểm này được coi là vô cùng cần thiết trong việc thuyết phục các đồng minh và đối tác của Mỹ về sự "chân thành" trong việc triển khai chiến lược tái cân bằng sang châu Á – Thái Bình Dương.

Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa kết thúc chuyến công du 1 tuần đến bốn quốc gia châu Á bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Philippines. Hai năm rưỡi kể từ khi cam kết chuyển trọng tâm ngoại giao, kinh tế, quân sự về châu Á, Tổng thống Barack Obama quay lại khu vực, thực hiện “chuyến thăm bù” bị huỷ bỏ hồi cuối năm ngoái với mục tiêu hàng đầu là thuyết phục các đồng minh rằng: Washington vẫn đang thực sự quyết tâm với chiến lược này. Đó là mục tiêu. Thực tế kết quả là đến đâu?

Trong bối cảnh sự nghi ngờ về cam kết của Mỹ đối với khu vực ngày càng gia tăng, chuyến đi của ông Obama tại thời điểm này được coi là vô cùng cần thiết trong việc thuyết phục các đồng minh và đối tác của Mỹ về sự "chân thành" trong việc triển khai chiến lược tái cân bằng sang châu Á – Thái Bình Dương.

Ông David Lamb, cựu phóng viên Los Angeles Times cho biết: “Tôi không kỳ vọng rằng ông Obama sẽ công bố một chính sách đột phá mới nào trong chuyến đi này. Nhưng tôi cho đây là chuyến đi quan trọng trong việc thắt chặt các mối quan hệ thân tình hiện có với các nước trong khu vực và để thể hiện với thế giới rằng: nước Mỹ thực sự quan tâm tới khu vực, mong muốn khu vực này có hoà bình và không có rắc rối gì xảy ra ở đây”.

Kết quả rõ ràng nhất sau chuyến đi châu Á của người đứng đầu Nhà Trắng chính là những tuyên bố và thỏa thuận hợp tác an ninh song phương. Tại Nhật, ông Obama trở thành vị Tổng thống Mỹ đầu tiên nói dứt khoát về sự bảo trợ an ninh của Washington đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tại Biển Hoa Đông mà Nhật đang tranh chấp với Trung Quốc. Tại Hàn Quốc, Mỹ đồng ý hoãn việc chuyển giao Quyền chỉ huy thời chiến cho Hàn Quốc. Tại Malaysia, hai bên nhất trí nâng cấp quan hệ song phương lên "quan hệ đối tác toàn diện". Còn tại Philippines, hai nước đã ký một thỏa thuận hợp tác quân sự mới, cho phép Mỹ tăng cường sự hiện diện quân sự trên lãnh thổ quốc gia Đông Nam Á này.

Tổng thống Mỹ Barack Obama nói: “Ngày hôm nay, tôi muốn cảm ơn nhân dân Philippines vì đã hoan nghênh quân đội Mỹ đến với các bạn như là những người bạn và những đối tác. Thắt chặt quan hệ với các đồng minh là một phần của một tầm nhìn chiến lược rộng lớn hơn của Mỹ đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Chúng ta tin tưởng rằng các dân tộc và quốc gia đều có quyền được sống trong an ninh và hoà bình cũng như có được sự đảm bảo rằng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của họ được tôn trọng”.

Ngoài an ninh quốc phòng, Nhà trắng vào ông Obama đặc biệt quan tâm tới việc thúc đẩy Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tuy nhiên, cả Nhật Bản và Malaysia đều chưa nhượng bộ Mỹ. Tuy nhiên, với chuyến thăm châu Á lần này, Tổng thống Obama muốn phát đi một thông điệp rõ ràng rằng Mỹ sẽ là nhân tố trung tâm ở châu Á trong nhiều năm tới.

Đây không phải là lần đầu tiên Nhà trắng và cá nhân Tổng thống Obama đưa ra thông điệp mạnh mẽ về chiến lược tái cân bằng sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Nhưng cam kết là một chuyện, thực hiện là một câu chuyện khác. Người ta có lý do để nghĩ như vậy, vì ông Obama và Nhà Trắng đang có quá nhiều chuyện phải quan tâm, từ chuyện chính trị nội bộ nữa Mỹ đến các điểm nóng khác như Ukraine hay Trung Đông. Riêng chuyện đi thăm châu Á, Tổng thống Obama cũng đã phải hoãn tới 3 lần để tập trung giải quyết các công việc khác mà theo ông là cấp thiết hơn.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước