Khả năng diễn ra một cuộc gặp thượng đỉnh lần đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ đương nhiệm với nhà lãnh đạo Triều Tiên là tiến bộ mới nhất sau nhiều sự kiện tích cực trên bán đảo Triều Tiên thời gian gần đây.
Tuy nhiên, cũng chỉ mới đây, thế giới đã chứng kiến tình trạng căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên cũng như cuộc chiến nảy lửa về ngôn từ giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên.
Trong hàng thập kỷ qua, Mỹ và các nước đồng minh tìm mọi cách gây sức ép buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân nhưng đều thất bại.
Năm 2017, Triều Tiên đã tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6 và những vụ thử tên lửa mà Triều Tiên tuyên bố có thể vươn tới bất cứ mục tiêu nào trên lãnh thổ nước Mỹ. Tình hình căng đến mức, chỉ cách đây vài tháng, dư luận còn đồn đoán về một cuộc không kích tấn công và chiến tranh hạt nhân.
Rõ ràng, trong bối cảnh như vậy, việc nhà lãnh đạo Triều Tiên đề xuất gặp Tổng thống Mỹ thảo luận về chương trình vũ khí của mình là một diễn biến mang tính đột phá. Sẽ có rất nhiều khó khăn trên hành trình mới chỉ bắt đầu này.
Một trong nhưng điểm then chốt trong đối thoại thượng đỉnh Mỹ - Triều nếu như diễn ra là việc Triều Tiên có thể xem xét từ bỏ chương trình vũ khí nếu được đảm bảo an ninh.
Đảm bảo an ninh ở đây có thể hiểu là loại bỏ các mối đe dọa quân sự chống lại Triều Tiên, mà trước đó Triều Tiên đã nhiều lần đòi hỏi Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc, chấm dứt liên minh quân sự Mỹ - Hàn và các cuộc tập trận chung giữa hai nước.
Chưa từng có Tổng thống đương nhiệm nào của Mỹ gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên. Trước đây, vào năm 2000, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã gần như đồng ý một cuộc gặp với ông Kim Jong-il - nhà lãnh đạo Triều Tiên lúc đó, cha của ông Kim Jong-un. Tuy nhiên, cuộc gặp đã không được sắp xếp khi ông Bill Clinton rời nhiệm sở vào tháng 1/2001.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!