Trở thành Ủy viên không thường trực HĐBA là cơ hội thúc đẩy vai trò và vị thế quốc gia

Phú Nguyễn (PV Đài THVN Thường trú THVN tại Mỹ)-Thứ sáu, ngày 07/06/2019 19:56 GMT+7

Trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an, các nước được tham gia tất cả các cuộc họp kín.

VTV.vn - Hội đồng Bảo an là một trong sáu cơ quan chính của LHQ, chịu trách nhiệm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.

Ngoài 5 Ủy viên thường trực, 10 Ủy viên không thường trực còn lại được bầu theo nhiệm kỳ 2 năm trên cơ sở phân chia công bằng về mặt địa lý.

Ngày 7/6, LHQ bỏ phiếu chọn ra 5 Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021, trong đó Việt Nam là một ứng cử viên. Việc trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an là cơ hội để thúc đẩy vai trò và vị thế quốc gia thông qua việc đóng góp tiếng nói và tham gia giải quyết các vấn đề liên quan đến hòa bình và an ninh quốc tế.

15 ghế tại Hội đồng Bảo an gồm 5 ghế Ủy viên thường trực có quyền phủ quyết, 10 ghế Ủy viên không thường trực không có quyền phủ quyết nhưng được quyền tranh luận và bỏ phiếu cho các nghị quyết. Theo quy định, một nghị quyết phải hội đủ ít nhất 9/15 phiếu ủng hộ mới được Hội đồng Bảo an thông qua. Do đó, dù không sở hữu phiếu phủ quyết riêng nhưng nếu phối hợp tốt lập trường, các Ủy viên không thường trực có thể tạo ra "quyền phủ quyết tập thể".

Trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an, các nước được tham gia tất cả các cuộc họp kín, các phiên thảo luận mở và luân phiên đảm nhận vị trí Chủ tịch theo tháng. Đây là cơ hội để thể hiện tiếng nói và vai trò đối với các vấn đề lớn liên quan đến hòa bình và an ninh thế giới.

Ông Takehiko Kajita - Phó Trưởng Phân xã Kyodo News tại Mỹ cho hay: "Đối với bất cứ quốc gia nào, việc trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an đều rất quan trọng. Đây là cơ quan có nhiệm vụ duy trì hòa bình và an ninh thế giới. Nếu được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an, quốc gia đó sẽ có cơ hội tốt để đóng góp cho các vấn đề toàn cầu, đồng thời tăng cường vai trò và sự hiện diện của mình trên trường quốc tế".

Trong nhiệm kỳ 2008-2009, Việt Nam đã tham gia hơn 1.500 cuộc họp của Hội đồng Bảo an, qua đó thúc đẩy giải quyết hòa bình các vấn đề ở khu vực như vấn đề hạt nhân của Iran, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và vấn đề hòa bình Trung Đông. Tới đây, khi được bầu làm Ủy viên không thường trực nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục thể hiện tiếng nói và đóng góp tích cực trong các vấn đề đa phương.

Ông Arthur Erken - Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Đối tác Chiến lược, UNFPA cho hay: "Chúng tôi cần những tiếng nói như Việt Nam để giúp gìn giữ những giá trị của chủ nghĩa đa phương, giá trị của hợp tác, cùng tìm kiếm giải pháp và quan điểm chung, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay khi đang cần một thể chế đa phương đủ mạnh để giải quyết các vấn đề toàn cầu như môi trường xuống cấp, hòa bình và an ninh, di cư và áp lực dân số. Đây là những vấn đề chung mà tất cả chúng ta đang phải đối mặt và tôi nghĩ rằng chúng ta cần tiếng nói của Việt Nam vì các bạn hiểu rõ bản chất và tầm quan trọng của việc đảm bảo an ninh, phát triển đất nước và bảo vệ quyền con người".

Sau khi đảm nhận thành công nhiệm kỳ đầu tiên cách đây 10 năm, Việt Nam tiếp tục ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021. Việc ứng cử lần thứ hai tiếp tục khẳng định chủ trương của Việt Nam là trở thành viên tích cực, là đối tác tin cậy và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam có thể đóng góp nhiều hơn tại cơ chế có tầm quan trọng chiến lược đối với hòa bình và an ninh quốc tế này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước