Một cặp đôi chụp ảnh với giấy đăng ký kết hôn tại tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) ngày 22/8/2023 (Ảnh: Tân Hoa xã)
Theo đó, các vụ ly hôn sẽ phải trải qua thời gian cân nhắc 30 ngày. Trong thời gian đó, nếu một trong hai bên không muốn ly hôn, họ có thể rút đơn, chấm dứt quá trình đăng ký ly hôn.
Dự thảo trên được đưa ra khi các nhà hoạch định chính sách đang vật lộn khuyến khích các cặp đôi trẻ kết hôn và sinh con sau khi dân số nước này giảm trong 2 năm liên tiếp. Dự thảo đã được Bộ Nội vụ Trung Quốc công bố để lấy ý kiến phản hồi của công chúng cho đến ngày 11/9.
Ông Jiang Quanbao, Giáo sư tại Viện Nghiên cứu Dân số và Phát triển thuộc Đại học Giao thông Tây An, nói với tờ Global Times rằng quy định này nhằm mục đích “thúc đẩy tầm quan trọng của hôn nhân và gia đình”, giảm tình trạng ly hôn bốc đồng, duy trì sự ổn định xã hội và bảo vệ tốt hơn các quyền hợp pháp của các bên liên quan.
Theo dữ liệu chính thức, số lượng các cặp đôi Trung Quốc kết hôn trong nửa đầu năm 2024 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2013 vì ngày càng nhiều người trẻ chọn cách sống độc thân hoặc trì hoãn việc kết hôn.
Các nhà nhân khẩu học cho biết nguyên nhân dẫn đến tình trạng này cũng xuất phát từ sự mất cân bằng giới tính và sự thay đổi về hành vi, ứng xử của đại bộ phận giới trẻ hiện nay.
Theo chuyên gia Kinh tế cấp cao tại Ngân hàng đầu tư Natixis - Gary Ng, việc giảm tỷ lệ kết hôn sẽ làm giảm tỷ lệ sinh sản, gây ảnh hưởng đến lực lượng lao động tại Trung Quốc. Số lượng người về hưu sẽ lớn hơn khi lực lượng lao động hiện tại đến tuổi nghỉ hưu.
Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cũng cảnh báo quỹ hưu trí nhà nước có thể sẽ cạn kiệt vào năm 2035 do số lượng người về hưu ngày càng tăng.
Giới chức Trung Quốc đã bãi bỏ giới hạn về số lượng con cái trên mỗi cặp vợ chồng từ năm 2021, đảo ngược hoàn toàn chính sách một con được thực hiện từ năm 1979 nhằm kiểm soát tốc độ tăng trưởng dân số nhanh chóng tại đất nước này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!