Từ vài thập niên qua, Trung Quốc hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu "công xưởng của thế giới". Ngay cả khi nhiều nền kinh tế lớn vật lộn do đại dịch trong năm ngoái, tổng sản lượng sản xuất của nước này vẫn tăng nhẹ, chạm mốc hơn 3,8 nghìn tỷ USD - chiếm hơn 1/3 tổng giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, nếu vẫn đang nghĩ về Trung Quốc với hình ảnh những nhà xưởng chế tác số lượng lớn dùng nhân công giá rẻ, thì bạn nên thay đổi cách nhìn của mình.
Kai-Fu Lee - cựu CEO Google tại Trung Quốc và là chuyên gia công nghệ thông tin hàng đầu nước này đánh giá, đà phục hồi ấn tượng của Trung Quốc sau đợt dịch COVID-19 hồi đầu năm ngoái tại Vũ Hán có công không nhỏ nhờ vào sự đầu tư mạnh tay của nước này cho công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).
Chuyên gia công nghệ kỳ cựu Kai-Fu Lee đánh giá đầu tư AI đóng vai trò không nhỏ cho đà phục hồi của Trung Quốc (Nguồn: CNBC)
Năm 2019, Trung Quốc lần đầu tiên vượt qua Mỹ về số đăng ký bằng sáng chế liên quan đến AI với khoảng 110 nghìn đơn. Nước này cũng đang vươn lên dẫn đầu về số nghiên cứu khoa học liên quan đến lĩnh vực này, trong khi các ứng dụng thương mại cũng đang bùng nổ tại quốc gia tỷ dân, kết hợp cả phần cứng, phần mềm và robot tự động hóa.
Bản thân nền kinh tế số 1 thế giới là Mỹ cũng ý thức rõ ràng về sức mạnh AI ngày càng tăng của Trung Quốc - vốn có thể kéo theo sự tụt hậu về sức cạnh tranh cũng như năng lực quốc phòng của Mỹ. Ủy ban An ninh quốc gia về trí tuệ nhân tạo - do cựu CEO Google Eric Schmidt lãnh đạo đã đưa ra cảnh báo hồi tháng 3 rằng có thể Mỹ đã đánh mất thế chủ động vào tay Trung Quốc trong lĩnh vực này, và cuộc chạy đua AI giữa hai cường quốc có thể tạo ra nhiều tác động lớn với kinh tế toàn cầu.
Chiến lược cạnh tranh AI đầy tham vọng của Trung Quốc
Năm 2017, Trung Quốc công bố "Kế hoạch phát triển trí tuệ nhân tạo thế hệ tiếp theo", một "bản thiết kế" vạch lộ trình đưa nước này lên vị thế dẫn đầu với một ngành công nghiệp AI trị giá 150 tỷ USD.
Kế hoạch của Trung Quốc sẽ bao gồm ba giai đoạn: Một là bắt kịp các công nghệ AI hàng đầu và khả năng ứng dụng nói chung vào năm 2020 - trên thực tế, việc này sẽ nhằm bắt kịp trình độ phát triển của Mỹ; giai đoạn 2 là nỗ lực tạo ra các bước phát triển đột phá trong vòng 5 năm tiếp theo và dẫn tới giai đoạn 3 là đưa Trung Quốc trở thành nước dẫn đầu ngành AI toàn cầu vào năm 2030.
Bước đi quan trọng của kế hoạch này chính là vốn đầu tư. Vào thời điểm tung ra kế hoạch, Trung Quốc đã chiếm tới 48% tổng vốn đầu tư vào các start-up thuộc lĩnh vực này trên toàn cầu, so với 38% của Mỹ.
Trung Quốc thống trị đầu tư cho start-up về AI trên toàn cầu (Nguồn: Statista)
Một lợi thế khác tạo nền tảng cho ngành AI Trung Quốc là sự dồi dào về nguồn dữ liệu. Ước tính cho tới năm 2030, sẽ có tới 8 tỷ thiết bị tại nước này được kết nối thông qua công nghệ Internet kết nối vạn vật (IoT), từ ô tô, robot tới các thiết bị cơ sở hạ tầng, tạo ra một nguồn dữ liệu khổng lồ. Nền kinh tế số tại Trung Quốc cũng đã chạm ngưỡng 35,8 nghìn tỷ Nhân dân tệ (khoảng 5,4 nghìn tỷ USD), chiếm hơn 1/3 GDP của nền kinh tế số 2 thế giới, cho thấy mức độ bùng nổ của các hoạt động kinh tế trên môi trường Internet của nước này, mang đến lượng dữ liệu đáng kể về hành vi tiêu dùng cũng như giao dịch tài chính.
Cuộc đua ứng dụng rộng rãi AI vào mọi lĩnh vực tại Trung Quốc
Chuyên gia công nghệ Kai-Fu Lee bình luận: "Chúng ta đã trải qua ba cuộc cách mạng công nghiệp, với động lực là năng lượng hơi nước, điện và công nghệ thông tin. Tôi tin rằng, AI sẽ là động lực cho Cách mạng công nghiệp lần thứ tư khi mà số hóa và tự động hóa diễn ra trên quy mô toàn cầu. Và Trung Quốc đang tỏ ra đi đầu trong bước biến đổi chưa từng có này".
Trong khi các ngành công nghiệp truyền thống đang dần chững lại do chi phí lao động tăng cao - ảnh hưởng từ tốc độ dân số già hóa, AI đang nổi lên như là giải pháp giúp các doanh nghiệp cắt giảm chi phí, nâng cao năng suất và doanh thu.
Tự động hóa và AI đang được kỳ vong là giải pháp đột phá cho ngành sản xuất của Trung Quốc (Nguồn: Caixin)
Hồi tháng 6 năm nay, một "sinh viên" mang tên Hua Zhibing đã ghi danh vào Đại học Thanh Hoa danh giá tại Bắc Kinh, với "niềm yêu thích văn học và nghệ thuật từ khi còn nhỏ". Thực chất, "cô sinh viên năm nhất" này là một sinh viên ảo, sử dụng AI và hiện diện trên mạng xã hội Weibo.
Hua được trang bị khả năng học hỏi thông qua các dữ liệu văn bản, hình ảnh và video - theo Đại học Thanh Hoa, với khả năng nhận thức tương đương một đứa trẻ 6 tuổi. Trong vòng một năm, sinh viên ảo này được dự báo có thể suy nghĩ như một đứa trẻ 12 tuổi. Hua cũng được trang bị khả năng vẽ và làm thơ, và đang được phát triển khả năng thiết kế trang web.
Hua được phát triển bởi 100 nhà nghiên cứu, dựa trên Wudao 2.0 - một mô hình AI thiết kế bởi Học viện AI Bắc Kinh. Nó này cũng có nhiều gấp 10 lần lượng tham số (parameter) - một thước đo độ thông minh của AI, so với GPT-3 của Mỹ từng gây chú ý nhờ việc viết được một bài luận trôi chảy.
Trong khi những mô hình "cấp cao" như sinh viên ảo Hua Zhibing đang được các tổ chức học thuật và doanh nghiệp lớn như Đại học Bắc Kinh, Thanh Hoa, hay Baidu và Xiaomi đẩy mạnh và triển và nghiên cứu, thì các AI khác đã nhanh chóng thâm nhập và ứng dụng sâu rộng trong nhiều lĩnh vực. Năm ngoái, giám sát an ninh là lĩnh vực ứng dụng AI lớn nhất, chiếm khoảng gần 54% các ứng dụng, theo sau là tài chính và marketing.
Các lĩnh vực ứng dụng AI lớn nhất tại Trung Quốc
- Giám sát an ninh: 53,8% số lượng ứng dụng
- Tài chính: 15,8%
- Marketing: 11,6%
- Vận tải: 4,2%
Nguồn: iiMedia
Một ví dụ thành công là XAG - công ty công nghệ nông nghiệp có trụ sở tại Quảng Châu, với các sản phẩm robot, máy bay không người lái và cảm biến điều khiển bằng AI, đang được ứng dụng trên các cánh đồng lúa, lúa mì và bông phục vụ việc gieo hạt, phun thuốc trừ sâu hay theo dõi thời tiết. Một dòng sản phẩm của hãng này là robot tưới cây tự hành R150 mới đây đã được tung ra thị trường quốc tế, bắt đầu triển khai tại các trại táo và dâu tây tại Anh.
AI thậm chí đã bắt đầu được ứng dụng trong những lĩnh vực đòi hỏi kỹ năng rất cao. MegaRobo, một công ty Bắc Kinh chuyên về mảng tự động hóa trong các lĩnh vực khoa học đã trình làng những robot cho phép thực hiện nhanh và chính xác các công việc mang tính lặp đi lặp lại trong phòng thí nghiệm, qua đó giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm cho các nhân viên làm việc tại đây.
Ứng dụng AI đang "nở rộ" trong nhiều ngành nghề tại Trung Quốc như giám sát an ninh (Nguồn: NYT)
Chuyên gia Kai-Fu Lee cho biết: "Sẽ phải mất nhiều năm để các tầm nhìn tương lai về robot và AI được hiện thực hóa. Nhưng Trung Quốc đang đặt nền móng để trở thành người dẫn đầu, không chỉ nhờ vào số lượng mà cả mức độ thông minh của các AI này".
Việc Mỹ tìm cách ngăn chặn các công ty Trung Quốc như ByteDance khai thác dữ liệu cá nhân của người Mỹ cho AI của mình, đang được xem là minh chứng cho mối lo ngại rõ ràng của nước này đối với bước tiến vượt bậc mà Trung Quốc đã đạt được trong lĩnh vực AI. Các chuyên gia nhìn nhận, nếu hai bên vẫn tiếp tục con đường phát triển AI của mình, một cuộc cạnh tranh về các tiêu chuẩn AI toàn cầu giữa 2 nền kinh tế lớn nhất hành tinh hiện nay, sẽ là không thể tránh khỏi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!