Chỉ có con đường duy nhất là tự chủ về công nghệ mới giúp Trung Quốc vươn lên trong cuộc cạnh tranh chiến lược với Mỹ và nhiều nước phương Tây. Trong kế hoạch 5 năm tới, Trung Quốc đầu tư khoảng 500 tỷ USD cho nghiên cứu và phát triển R&D, nhiều hơn cả Mỹ, với kỳ vọng tạo nên những đột phá trên nhiều lĩnh vực cốt lõi.
Cơ quan quản lý không gian quốc gia Trung Quốc mới đây đã công bố những hình ảnh tàu thăm dò Sao Hỏa hạ cánh trên hành tinh đỏ. Lần đầu tiên nước này cũng đưa thành công 3 phi hành gia lên trạm vũ trụ Thiên Cung trong vòng 3 tháng - một bước tiến dài trong quá trình chinh phục không gian của Trung Quốc.
Tên lửa đẩy Trường Chinh-5B Y2 của Trung Quốc được phóng từ Trung tâm phóng tàu vũ trụ Văn Xương ngày 29/04/2021 (Ảnh: Reuters)
Trung Quốc đặt mục tiêu đến năm 2022 hoàn thành xây dựng và đưa vào hoạt động trạm Thiên Cung. Nếu đến năm 2025, trạm vũ trụ quốc tế ISS ngừng hoạt động thì Trung Quốc sẽ là nước duy nhất có trạm không gian.
"Đây là lần thứ ba tôi thực hiện một sứ mệnh không gian và tôi thấy mô-đun lõi Thiên Hòa có điều kiện tốt hơn cho hoạt động của các phi hành gia. Giờ đây, các phi hành gia Trung Quốc đã có một ngôi nhà trên quỹ đạo lâu dài trong không gian" - phi hành gia Nhiếp Hải Thắng chia sẻ.
Chiến lược "Made in China 2025" - sản xuất tại Trung Quốc 2025 - đã tạo nền tảng vững chắc để các tập đoàn công nghệ nước này như Alibaba, Tencent, Baidu, Xiaomi, Huawei… nâng tầm hàng đầu thế giới. Công nghệ 5G, Big Data, trí tuệ nhân tạo (AI) đã thực sự làm thay đổi mạnh mẽ đời sống hơn 1 tỷ 400 triệu người dân tại quốc gia này. Trung Quốc đang tiến dần đến một xã hội không xài tiền mặt, đi đầu trong đưa đồng tiền nhân dân tệ số vào cuộc sống và vươn ra thế giới. Trong trung và dài hạn, nước này tăng mạnh ngân sách đầu tư vào các công nghệ then chốt - những lĩnh vực đi sau các nước phương Tây.
"Chính nhờ số hóa áp dụng rộng rãi từ cơ quan của chính quyền đến doanh nghiệp mà việc kinh doanh hết sức thuận lợi. Thủ tục nhanh gọn, đơn giản, giá thành sản phẩm thấp nên khách hàng ngày càng tăng, đôi bên cùng có lợi" - ông Tạ Chí Quân - Tổng Giám đốc Tập đoàn điện tử Hoa Cường cho biết.
Mỹ và phương Tây đang chiếm ưu thế về công nghệ cốt lõi nên lệnh cấm bán chip cho doanh nghiệp Trung Quốc gần đây của Mỹ đã khiến nhiều tập đoàn công nghệ nước này khốn khó. Trung Quốc đặt mục tiêu năm 2030 sẽ đáp ứng 70% nhu cầu công nghệ cao trong nước, tiến tới vươn lên dẫn đầu thế giới về công nghệ vào năm 2049.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!