Chỉ trong một đêm, hai vụ đắm tàu đã xảy ra ngoài khơi đảo Lampedusa của Italy. Lực lượng bảo vệ bờ biển Italy hôm 6/8 đã giải cứu được 57 người, 2 người đã thiệt mạng, 30 người vẫn đang mất tích. Cả hai con tàu chở người di cư này đều là những tàu vỏ sắt cũ kỹ, đã bị chìm trong thời tiết giông bão. Chúng được cho là đã khởi hành từ thành phố Sfax ở Tunisia - một điểm nóng trong cuộc khủng hoảng di cư.
Gần đây, Tunisia đã thay thế Libya trở thành điểm khởi hành chính cho những người muốn từ châu Phi và Trung Đông, mang hy vọng tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn tại châu Âu. Tunisia có một số đoạn bờ biển cách đảo Lampedusa của Italy chưa đến 150 km. Quốc gia Bắc Phi này đang phải đối mặt với làn sóng di cư kỷ lục trong năm 2023.
Trong khoảng 7 tháng đầu năm nay, lực lượng bảo vệ bờ biển Tunisia đã tìm thấy tổng cộng 901 thi thể của những người di cư bị chết đuối ngoài khơi, một con số chưa từng có. Hiện, có ba tuyến đường được cho là phổ biến với những người di cư trái phép, tìm cách tới châu Âu.
Tuyến đường Đông Địa Trung Hải, những người di cư chủ yếu sẽ tới Hy Lạp từ Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, vẫn có những người mạo hiểm chọn tuyến đường biển xa hơn, từ Thổ Nhĩ Kỳ tới Italy.
Tuyến đường Trung Địa Trung Hải được sử dụng bởi những thuyền di cư từ Tunisia và Libya, có thể là qua Malta và đều hướng đến Italy.
Trong khi đó, tuyến đường Tây Địa Trung Hải chủ yếu chứng kiến những người di cư vượt biển từ Maroc để đi tới Tây Ban Nha.
Thủ tướng Italy Giorgia Meloni: "Làn sóng nhập cư bất hợp pháp ồ ạt gây hại cho tất cả mọi người. Không ai được lợi, ngoại trừ các nhóm tội phạm làm giàu bằng cách thu lợi từ những người dễ bị tổn thương nhất, chống lại các chính phủ để gia tăng hoạt động, gây nguy hiểm cho các công dân, nền kinh tế, sự ổn định chính trị".
Trên thực tế, Italy đang chứng kiến làn sóng di cư bằng đường biển. Dữ liệu mới từ Bộ Nội vụ nước này cho thấy từ đầu năm tới nay, Italy đã ghi nhận gần 92.000 lượt người di cư đến, so với khoảng 43.000 lượt trong cùng kỳ năm 2022. Riêng tại Lampedusa, các tàu tuần tra của Italy và các nhóm phi chính phủ giải cứu trên biển đã cứu hộ hơn 2.000 người di cư chỉ trong vài ngày qua.
Áp lực gia tăng với các lực lượng chức năng
Để có thể ngăn chặn thêm những vụ đắm tàu di cư chết người ở châu Âu, nhiều biện pháp mới đang liên tục được các quốc gia châu Âu đưa ra.
Chính phủ Anh vừa công bố một thỏa thuận đối tác mới giữa cơ quan thực thi pháp luật nước này và các công ty truyền thông xã hội nhằm ngăn chặn các nội dung đăng tải trực tuyến khuyến khích di cư bất hợp pháp. Văn phòng Chính phủ Anh cho biết, thỏa thuận giữa Cơ quan phòng, chống tội phạm quốc gia và các công ty Meta, TikTok và X (trước đây là Twitter) sẽ giúp ngăn chặn các nội dung liên quan đến hỗ trợ di cư trái phép như cung cấp giấy tờ giả, giảm chi phí đối với di cư theo nhóm, hay thông tin sai về việc di cư an toàn.
Bộ Nội vụ Liên bang Đức đã đưa ra nhiều đề xuất mới nhằm siết chặt hơn nữa các quy định đối với việc trục xuất người tị nạn là tội phạm hoặc không đáp ứng các tiêu chí để được tị nạn ở nước này.
Trong các đề xuất được đưa ra có việc kéo dài thời hạn giam giữ chờ trục xuất, trừng phạt nghiêm khắc hơn đối với các trường hợp vi phạm quy định nhập cảnh và cư trú cũng như đẩy mạnh việc trục xuất các trường hợp xin tị nạn là tội phạm hoặc bị từ chối tị nạn ở Đức.
Chính sách di cư của Liên minh châu Âu hiện cũng tập trung vào các biện pháp để ngăn chặn những người di cư ngay từ điểm khởi hành, không để họ đặt chân lên những chuyến tàu trái phép.
EU và Tunisia tháng trước đã kí kết một thỏa thuận quan hệ đối tác chiến lược, trong đó bao gồm việc thúc đẩy hợp tác nhằm ngăn chặn làn sóng di cư từ bờ biển Bắc Phi vào châu Âu và chống lại những kẻ buôn người. Châu Âu đã cam kết viện trợ 1 tỷ euro để giúp Tunisia khôi phục nền kinh tế đang gặp khó khăn, trong đó 100 triệu euro được dành riêng để giải quyết vấn đề di cư bất hợp pháp.
Thỏa thuận này cũng gần giống như thỏa thuận năm 2016 mà châu Âu đã ký với Thổ Nhĩ Kỳ để ngăn chặn hàng triệu người di cư. Nó đã có hiệu quả, tuy nhiên lại xảy ra tình trạng một số quốc gia châu Âu vì thế từ chối tiếp nhận người di cư.
Chưa rõ giải pháp giữa Tunisia và châu Âu sẽ đem lại hiệu quả ra sao và trong bao lâu. Cũng có nghĩa, vẫn còn một quãng đường dài để châu Âu tìm được giải pháp dài hạn cho cuộc khủng hoảng này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!