"Quả bom hẹn giờ" từ chính sách 1 con ở Trung Quốc bắt đầu phát nổ

Thế giới hôm nay-Thứ ba, ngày 22/09/2020 06:00 GMT+7

VTV.vn - Tỷ lệ sinh giảm có thể chưa gây tổn hại cho nền kinh tế trong thời gian ngắn, nhưng được cho là sẽ phủ bóng lên đà tăng trưởng của Trung Quốc trong 2-3 thập kỷ.

Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc ngày 20/9 cho biết, cuộc tổng điều tra dân số lần thứ bảy sẽ được tiến hành vào ngày 1/11 tới. Cụ thể, hơn 7 triệu nhân viên điều tra dân số sẽ đến từng hộ gia đình ghi lại dữ liệu bằng các thiết bị điện tử.

Bên cạnh các phương pháp truyền thống, Chính phủ Trung Quốc cũng đang khuyến khích người dân gửi thông tin cá nhân và gia đình của họ bằng hình thức trực tuyến, kể cả là qua thiết bị điện thoại thông minh. Cuộc tổng điều tra sẽ áp dụng các công nghệ tiên tiến để bảo vệ thông tin cá nhân của người dân.

Theo Cục thống kê quốc gia Trung Quốc, tổng điều tra dân số là một cuộc khảo sát quan trọng giúp Chính phủ tìm hiểu về số lượng, cơ cấu và sự phân bổ dân số; cho phép giới chức nước này cải thiện cơ sở hạ tầng, dịch vụ công cộng và hệ thống an sinh xã hội phù hợp với những số liệu mới nhất.

Quả bom hẹn giờ từ chính sách 1 con ở Trung Quốc bắt đầu phát nổ - Ảnh 1.

"Quả bom hẹn giờ" về nhân khẩu học bắt đầu phát nổ

Theo nhiều chuyên gia, thông tin từ tổng điều tra dân số tại Trung Quốc ngày càng quan trọng hơn khi mà "quả bom hẹn giờ" về nhân khẩu học từ chính sách 1 con bắt đầu phát nổ. Đã có những cảnh báo nền kinh tế bị lung lay sức mạnh do tỷ lệ sinh suy giảm.

Khi hai trong số những doanh nhân thành công nhất thế giới Elon Musk và Jack Ma tranh luận trực tiếp lần đầu tiên trước công chúng, quan điểm của họ khác biệt gần như trong hầu hết các vấn đề, nhưng có một điều mà cả hai tỉ phú đồng ý, vấn đề lớn nhất thế giới đối mặt trong tương lai là không có đủ người.

Ông Elon Musk - CEO Tập đoàn Tesla khẳng định: "Hầu hết mọi người nghĩ chúng ta có quá nhiều người trên hành tinh này, nhưng thật sự, đây là quan điểm đã lỗi thời. Tôi nghĩ vấn đề lớn nhất mà thế giới phải đối mặt trong 20 năm nữa là sự sụp đổ dân số, chứ không phải bùng nổ dân số".

Quả bom hẹn giờ từ chính sách 1 con ở Trung Quốc bắt đầu phát nổ - Ảnh 2.

Đồng quan điểm trên, ông Jack Ma - Nhà sáng lập Tập đoàn Alibaba nói: "1,4 tỷ người ở Trung Quốc, nghe thì có vẻ rất nhiều, nhưng tôi nghĩ trong 20 năm nữa, dân số giảm sẽ là một vấn đề lớn đối với Trung Quốc. Tốc độ dân số giảm sẽ còn gia tăng".

Tỷ lệ sinh suy giảm, báo động nền kinh tế Trung Quốc lung lay?

Trong ba thập kỷ, Trung Quốc áp dụng chính sách 1 con để kiểm soát dân số, nhưng ngay cả khi chính sách này được dỡ bỏ, tỷ lệ sinh ở Trung Quốc vẫn tiếp tục đà giảm.

Năm 2016, khi chính sách hai con được thực thi, 17,86 triệu trẻ chào đời ở Trung Quốc. Con số này giảm còn 17,2 vào năm 2017, giảm tiếp còn 15,2 vào năm 2018 và năm ngoái là 14,65 triệu trẻ - mức thấp kỷ lục trong 70 năm.

Một trong những điều làm nên sức mạnh của nền kinh tế Trung Quốc chính là dân số 1,4 tỷ người. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đáng kinh ngạc của Trung Quốc trong 4 thập kỷ qua cũng được thúc đẩy phần lớn nhờ lực lượng lao động trẻ.

Tỷ lệ sinh giảm có thể không nhất thiết gây tổn hại cho nền kinh tế trong thời gian ngắn, nhưng được cho là sẽ phủ bóng lên đà tăng trưởng của nước này trong 2-3 thập kỷ. Sinh ít hơn có nghĩa là người làm công ăn lương ít hơn và người tiêu dùng ít hơn. Lực lượng lao động trẻ của Trung Quốc đã có dấu hiệu giảm, trong đó nhiều người còn gánh vác trách nhiệm chăm sóc cha mẹ già.

Quả bom hẹn giờ từ chính sách 1 con ở Trung Quốc bắt đầu phát nổ - Ảnh 3.

Năm 2017, cứ 6 lao động từ 20 tuổi trở lên phải hỗ trợ 1 người trên 65 tuổi. Nhưng dự báo tới năm 2039 sẽ là 2 lao động trẻ chăm 1 người già, và năm 2050 là 1,6 người trẻ lo cho 1 người già.

Hệ quả của những số liệu này là năng suất lao động giảm, giá thành nhân công cao, trong khi chi phí chăm sóc sức khỏe tăng.

Trung tâm tư vấn nghiên cứu kinh tế Capital Economics (Anh) dự báo, tới năm 2030, thay đổi về dân số sẽ khiến tăng trưởng GDP của Trung Quốc giảm 0,5 điểm % mỗi năm.

Để giảm ảnh hưởng của dân số già, ngoài chính sách khuyến khích phụ nữ sinh thêm con, Trung Quốc cũng tăng cường sự tham gia của lực lượng lao động cao tuổi và thậm chí là tính tới lao động nước ngoài. Nhưng cũng cần lưu ý, tỷ lệ sinh giảm không chỉ là xu hướng đáng ngại ở riêng Trung Quốc. Chúng ta đang sống trong thời đại mà nhiều người vẫn gọi đùa, là "chưa giàu đã già". Năm ngoái là lần đầu tiên trong lịch sử, số người trên 65 tuổi trên toàn thế giới nhiều hơn số lượng trẻ em dưới 5 tuổi.

Bắc Kinh (Trung Quốc) giảm áp lực đô thị nhờ dân số giảm Bắc Kinh (Trung Quốc) giảm áp lực đô thị nhờ dân số giảm Năm 2023, dân số Trung Quốc sẽ bắt đầu giảm Năm 2023, dân số Trung Quốc sẽ bắt đầu giảm Dân số già - bài toán khó giải của Trung Quốc Dân số già - bài toán khó giải của Trung Quốc

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước