Mảnh đất UAE vốn chỉ biết tới là cường quốc dầu mỏ, nay đang hướng tới định vị mình là một điểm đến đầu tư, điểm đến khởi nghiệp tại Vùng Vịnh. Bất chấp dịch bệnh, mảnh đất Dubai vẫn đang đầy sôi động bởi các hoạt động đầu tư, khởi nghiệp.
UAE là một trong những quốc gia mở cửa với du khách quốc tế sớm nhất, từ tháng 7 năm ngoái, các chính sách mới để thu hút nhân tài liên tục được đưa ra. Tháng 9 này là chính sách "Thị thực xanh" - nới lỏng các quy định về cư trú đối với người nước ngoài ở UAE nhằm giữ chân nhân tài và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Loại thị thực này sẽ được cấp chủ yếu cho nhóm những lao động tay nghề cao, nhà đầu tư, doanh nhân, thực tập sinh, sinh viên và nghiên cứu sinh xuất sắc.
Trước đó vào tháng 7 là chính sách cấp "Thị thực vàng" cho 100 ngàn lập trình viên trên khắp thế giới nhằm thực hiện định hướng số hóa đất nước trong ba năm tới.
Ông Zhann Zochinke - Giám đốc điều hành, Hãng tư vấn Property Monitor nhận định: "Du lịch, thị trường bất động sản bắt đầu sôi động trở lại, số người tới với UAE sẽ ngày một đông và đó là nguồn lực nền kinh tế".
"Chính sách lồng ấp" cho những doanh nghiệp tiềm năng
Hiện nay, để thành lập doanh nghiệp tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, nhất là doanh nghiệp khởi nghiệp mang tính đổi mới sáng tạo, thời gian có thể chỉ mất khoảng 2 tiếng đồng hồ, nếu ở trong đặc khu kinh tế. Bên cạnh đó là những cải cách về nhập cư, chẳng hạn như chính sách cấp visa cư trú, thu hút những người đã về hưu nhưng có nhiều kinh nghiệm, tri thức. Ngoài ra, tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất còn có một chính sách khá nổi tiếng gọi là chính sách lồng ấp.
Với lợi thế nguồn tiền thu được từ dầu mỏ nhiều năm qua, UAE không ngần ngại bỏ ra những khoản tiền lớn nếu họ nhìn thấy mô hình khởi nghiệp nhiều tiềm năng. Họ sẽ bao bọc, ấp những quả trứng vàng đó cho tới khi doanh nghiệp khởi nghiệp thực sự nảy nở, vươn tầm. Đây có thể là điểm hấp dẫn nhất đối với nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp hiện nay.
Một chính sách khác là nỗ lực đi đầu trong quá trình số hóa nền kinh tế, xây dựng xã hội thông minh, nền hành chính không giấy tờ. Nói chung, về mặt tư duy có thể thấy rõ tham vọng của các nhà lãnh đạo UAE muốn biến mảnh đất sa mạc cằn cỗi trở thành mảnh đất ươm mầm các doanh nghiệp và lực lượng lao động cấp cao.
Tại sự kiện dự án Khởi nghiệp quốc gia diễn ra hôm 10/11 tại Dubai, Quốc vụ khanh về Khởi nghiệp của UAE cho biết, sẽ nỗ lực nhằm củng cố vị thế là điểm đến hàng đầu của các nhà đầu tư nước ngoài tại Vùng Vịnh. UAE có lợi thế về thu hút vốn nước ngoài bởi lực lượng lao động hầu hết là người nước ngoài, tạo cảm giác tự tin cho các doanh nghiệp khi khởi nghiệp tại đây.
Hiện một trung tâm công nghệ ở Abu Dhabi có tên là Hub71 đã nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư bất chấp đại dịch. Hub71 do quỹ nhà nước Mubadala Investment hỗ trợ từ năm 2019 đến nay đã tiếp nhận 100 công ty khởi nghiệp được lựa chọn từ khoảng 3.500 đơn đăng ký.
Lĩnh vực nào UAE đang muốn đẩy mạnh phát triển trong tương lai?
UAE mới đây đã công bố một danh sách các ngành nghề mà những người làm trong các lĩnh vực đó sẽ được ưu tiên cấp "thị thực vàng" nếu muốn làm việc cư trú tại đây. Thị thực vàng có thời hạn 10 năm, và về hình thức thì nó là một cách để Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất gửi thông điệp, đây là những người được nước này chào đón như thượng khách. Trong danh sách này thì có thể thấy nổi lên các các ngành nghề công nghệ cao và chăm sóc sức khỏe, như trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học cho tới dịch tễ học hay virus học. Tất nhiên, không hẳn là UAE sẽ sớm trở thành một trung tâm tri thức trong tương lai, cái mà nước này thiếu có thể khiến nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp tiềm năng hay tri thức lớn cảm thấy không mặn mà chính là một hệ sinh thái tri thức.
UAE cũng đang ấp ủ xây dựng một thung lũng Silicon mới tại Trung Đông, nhưng suy cho cùng điểm đáng kể nhất cho tới nay mà họ có vẫn chỉ là những dòng tiền thu được từ dầu mỏ. Song không thể ghi nhận, tại Vùng Vịnh đang thực sự diễn ra một cuộc chạy đua cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Hai cái tên đi đầu chính là UAE và Saudi Arabia với một tầm nhìn đã được xác định rõ ràng, nếu không xây dựng được một nền kinh tế tri thức họ sẽ trở thành những nền kinh tế thất bại trong kỷ nguyên hậu dầu mỏ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!