Thậm chí, những người từng mắc các biến thể trước đó dường như không được bảo vệ chống lại Omicron nhưng vaccine COVID-19 vẫn có thể giúp ngăn các ca nhiễm này chuyển nặng.
Biến thể Omicron được phát hiện ở 38 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng Tổ chức Y tế Thế giới chưa ghi nhận bất kỳ ca tử vong nào do nhiễm biến này và chủng virus mới cũng ít gây ra biểu hiện bệnh nặng. Điều này đang đặt ra nhiều hy vọng rằng, các loại vaccine hiện nay vẫn có khả năng bảo vệ trước biến thể mới.
Bà Soumya Swaminathan, Nhà khoa học trưởng của WHO, cho biết: "Biến thể Omicron có thể lây nhiễm ngay cả ở những người đã được tiêm phòng trước đó. Tuy nhiên, thực tế người bị nhiễm ít có biểu hiện nặng và một lần nữa chúng ta phải chờ xem. Nếu biến thể mới chỉ gây ra các biểu hiện bệnh nhẹ, điều đó có nghĩa là vaccine hiện tại vẫn đang đảm bảo sự bảo vệ, và chúng tôi hy vọng rằng vaccine sẽ tiếp tục bảo vệ được chúng ta".
Các loại vaccine hiện nay được kỳ vọng vẫn có khả năng bảo vệ trước biến thể mới. (Ảnh: AP)
Trong lúc đó, biến chủng Delta vẫn là biến thể thống trị trên toàn cầu, chiếm hơn 90% các ca nhiễm. Việc tiêm vaccine cần được đẩy mạnh trong thời điểm này, trước mắt để chống lại biến thể Delta.
Nhiều hãng dược phẩm và các quốc gia đã bắt đầu nghiên cứu cập nhật phiên bản vaccine hiện có để ngăn ngừa được nhiều biến thể, bao gồm cả biến thể mới Omicron. Các mũi tiêm tăng cường cho những người đã tiêm đủ hai liều vaccine đang là giải pháp tối ưu chống lại biến thể mới.
Trên thực tế, virus SARS-CoV-2 luôn tạo ra biến thể mới. Theo các chuyên gia, việc bao phủ vaccine nhanh và đều trên phạm vi toàn cầu sẽ làm chậm xuất hiện những biến thể mới nguy hiểm của virus SARS-CoV-2.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!