Vòm nhiệt là gì và có ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe con người?
Vòm nhiệt xảy ra khi một vùng áp suất cao kéo dài hình thành phía trên khu vực nhất định và không di chuyển trong vòng một tuần trở lên. Áp suất cao khiến không khí bị dìm xuống bên dưới, không thể thoát ra ngoài và nóng lên khiến nhiệt độ tăng lên. Nhiệt độ trong vòm nhiệt tiếp tục nóng lên, thường đến mức khó chịu hoặc thậm chí nguy hiểm.
Hầu hết các kỷ lục về nhiệt độ cao đều được thiết lập trong một vòm nhiệt. Và cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay sẽ khiến chúng xảy ra thường xuyên hơn, thậm chí là nóng hơn nữa. Các đợt sóng nhiệt gay gắt do hiện tượng vòm nhiệt gây ra đang đe dọa sức khỏe của người dân trên khắp thế giới.
Ông Panu Saaristo - Phụ trách đơn vị y tế khẩn cấp, Hiệp hội Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ quốc tế: "Sóng nhiệt là một sát nhân vô hình. Chúng ta đang trải qua nhiệt độ ngày càng nóng hơn trong thời gian dài hơn vào mỗi mùa hè ở châu Âu và không chỉ ở châu Âu, mà điều này xảy ra ở mọi nơi trên toàn cầu. Trong 10 năm qua, hơn 400.000 người đã chết vì các thảm họa liên quan đến thời tiết và khí hậu khắc nghiệt".
Hiện tượng vòm nhiệt đang đe dọa sức khỏe người dân trên khắp thế giới.
Bác sĩ Angel Abad - Chuyên khoa y tế dự phòng và y tế cộng đồng, Bệnh viện La Paz, Tây Ban Nha: "Điều mà nắng nóng cực hạn gây ra là nó đe dọa sức khỏe của những người vốn mắc các bệnh mãn tính, họ thường là những người cao tuổi bị suy nhược mãn tính. Nhiệt độ cực cao làm mất ổn định các tình trạng mãn tính của họ. Phần đông trong số họ là ai, đó là những người mắc các bệnh về tim, viêm phế quản mãn tính, đột quỵ, suy thận".
Ông John Nairn - Cố vấn cấp cao về nhiệt độ tại Tổ chức Khí tượng Thế giới: "Nhiệt độ cao lặp đi lặp lại vào ban đêm rất nguy hiểm đối với sức khỏe con người, vì cơ thể không thể phục hồi sau nhiệt độ cao kéo dài. Điều này dẫn đến gia tăng các trường hợp đau tim và tử vong. Đó không phải là tất cả mà chỉ là một vài bệnh đáng chú ý. Trong khi hầu hết người ta lo ngại về nhiệt độ tối đa ban ngày, thì thực tế nhiệt độ ban đêm mới tạo ra những rủi ro sức khỏe lớn nhất, đặc biệt là với những người dễ bị tổn thương".
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO): "Nhiệt độ cực cao gây thiệt hại lớn nhất cho những người ít có khả năng chống chịu hậu quả của nó nhất, chẳng hạn như người già, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, người nghèo và người vô gia cư. Nó cũng gây thêm áp lực lên hệ thống y tế. WHO đang phối hợp với Tổ chức Khí tượng Thế giới hỗ trợ các quốc gia xây dựng Kế hoạch hành động về sức khỏe do nắng nóng để phối hợp chuẩn bị sẵn sàng và giảm tác động của nhiệt độ quá cao đối với sức khỏe".
Nhiệt độ cao lặp đi lặp lại vào ban đêm rất nguy hiểm đối với sức khỏe con người.
Đô thị thích ứng với nắng nóng
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các thành phố đặc biệt dễ bị tổn thương trước sự gia tăng nhiệt độ nguy hiểm do hiệu ứng đô thị. Các tòa nhà, đường xá và cơ sở hạ tầng hấp thu và tỏa nhiệt nhiều hơn so với các môi trường tự nhiên như rừng hoặc bề mặt nước. Trong một số trường hợp, nhiệt độ đô thị có thể cao hơn 15 độ C so với các vùng nông thôn. Chính quyền và người dân các thành phố đang có nhiều cách để chống chịu và thích ứng với nhiệt độ tăng cao do vòm nhiệt.
Bình mình vừa ló cũng là lúc nhiều người bắt đầu tập luyện trên đường phố Rome, trước khi nhiệt độ tăng cao quá mức.
Bà Meike Kuester: "Tôi dậy từ 5h30 và cố gắng ra khỏi nhà càng sớm càng tốt để không bị nóng. Tôi tập chạy vào sáng sớm rồi về chuẩn bị đi làm".
Thủ đô của Italy đang trải qua đợt sóng nhiệt kéo dài, với mức nhiệt cao nhất trong ngày vượt trên 40 độ C. Cơ quan y tế thành phố đã cử các đội bác sĩ và y tá đi kiểm tra sức khỏe cho những người cao tuổi, người yếu thế trên địa bàn.
Về cơ bản, chiến lược ứng phó với sóng nhiệt của các thành phố đều theo ba mũi nhọn: chuẩn bị sẵn sàng, nâng cao nhận thức và thích ứng.
Việc chuẩn bị sẵn sàng có thể bao gồm phân loại các đợt nắng nóng giống như các thảm họa thiên nhiên khác. Thiết lập các ngưỡng cảnh báo, ví dụ như các cấp độ theo màu sắc xanh - vàng - cam - đỏ, để kích hoạt phản ứng phù hợp.
Nâng cao nhận thức về sự nguy hiểm của nắng nóng cực đoan để người dân biết cách phòng tránh.
Yếu tố quan trọng không kém là nâng cao nhận thức về sự nguy hiểm của nắng nóng cực đoan để người dân hiểu được những nguy cơ đe dọa sức khỏe và tính mạng cũng như biết cách phòng tránh.
GS. Daniel Johnson - Khoa Địa lý, Đại học Indiana, Mỹ: "Hãy cập nhật thông tin và cập nhật dự báo thời tiết cũng như cảnh báo sóng nhiệt từ chính quyền địa phương mình. Sóng nhiệt cực kỳ nguy hiểm, chúng không có các dấu hiệu cảnh báo bên ngoài như lốc xoáy, lũ lụt hoặc giông bão. Điều quan trọng là mọi người phải ưu tiên sức khỏe của bản thân và chủ động thực hiện các bước để giữ an toàn trong thời tiết nắng nóng gay gắt".
Mũi nhọn thứ ba là thích ứng. Biện pháp hàng đầu đang được nhiều đô thị áp dụng là tăng cường các không gian xanh.
GS. Tangui Le Dantec - Khoa Cảnh quan, Trường Kiến trúc ESAJ, Pháp: "Nhiệt độ mặt đường nhựa là khoảng 56 đến 58 độ C, vì vật liệu này hấp thu nhiều nhiệt. Nhiệt độ không khí hiện giờ là 36 độ C, với những vật liệu hấp thu và giữ nhiều nhiệt, bề mặt của chúng có thể cao hơn nhiệt độ không khí 20 độ C. Còn nóng hơn cả giữa sa mạc Sahara".
Nghiên cứu cho thấy cây xanh có thể làm giảm 12 độ C nhiệt độ mặt đất của các đô thị. Từ năm ngoái, tòa thị chính Paris đã lên kế hoạch tới năm 2026 sẽ trồng được 170 nghìn cây xanh. Mục đích là nhằm nâng độ phủ xanh của thủ đô nước Pháp, hiện chỉ khoảng 10% diện tích, thấp hơn nhiều so với các thủ đô khác ở châu Âu như London của Anh với hơn 30% và Oslo của Na Uy tới gần 70%.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!