Khi vào nhà hàng, phần lớn người dân Mỹ thường chỉ gọi một lượng đồ ăn vừa đủ. Nếu ăn không hết, họ thường gói mang về. Khi đóng cửa, nhiều nhà hàng thường chuyển thức ăn đã nấu sẵn chưa bán hết cho các trung tâm bảo trợ xã hội để cung cấp cho người vô gia cư và người nghèo.
Tại Mỹ đang xuất hiện ngày càng nhiều công ty sản xuất thịt từ thực vật, phần lớn là từ đậu nành. Tới mùa thu năm nay, những chiếc bánh burger của Công ty Impossible Foods sẽ được bán ở hơn 1.500 trường đại học, công ty và bệnh viện. Nhiều chuỗi đồ ăn nhanh lớn của Mỹ như: Burger King, Subway cũng sẽ bán các sản phẩm có thịt làm từ thực vật từ mùa thu năm nay. Các nghiên cứu cho thấy, so với 1 chiếc bánh burger thịt bò truyền thống, 1 chiếc bánh nhân thịt có nguồn gốc thực vật sẽ giúp giảm 96% diện tích đất canh tác, 87% lượng nước và 89% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Mặc dù vẫn còn có không ít ý kiến trái chiều về loại thực phẩm mới này, hy vọng đây sẽ là một trong những giải pháp nhằm giảm thiểu lượng tiêu thụ các loại thịt truyền thống, góp phần giảm bớt gánh nặng cho Trái đất của chúng ta.
Báo cáo của LHQ sẽ là cơ sở để mỗi quốc gia sửa đổi luật lệ của nước mình để bảo vệ nguồn dự trữ sinh quyển. Từ góc độ mỗi cá nhân trong xã hội, việc sử dụng thực phẩm một cách hợp lý trong bữa ăn hàng ngày chính là cách làm thiết thực để góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, tham gia vào chiến dịch đẩy lùi dần ngày vượt ngưỡng giới hạn tiêu thụ, hướng đến mục tiêu chỉ tiêu thụ trong khuôn khổ khả năng phục hồi của Trái đất trước năm 2050, trả lại những "món nợ tài nguyên" cho Trái đất và đem đến cơ hội phát triển bền vững cho các thế hệ tương lai.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!