Nhiều sản phẩm có mặt trên thị trường hiện nay được sản xuất tại Hàn Quốc nhưng lại được đặt hàng bởi 1 doanh nghiệp Việt Nam, dành cho thị trường Việt Nam. Nhiệm vụ của doanh nghiệp chỉ giữ vai trò là người giám sát, phân phối, phát triển thị trường và quyết toán thu chi, lợi nhuận.
Chia sẻ hình thức kinh doanh này với những nhà sản xuất trong nước, nhiều người cho rằng về thương mại DN vẫn đạt lợi nhuận nhưng về lâu dài lại là một sự lãng phí. Lãng phí vì không tạo được ra cơ hội việc làm cho người lao động và doanh nghiệp cũng khó khẳng định thương hiệu Việt của mình.
Ông Phạm Văn Tuần, TGĐ Công ty TNHH Hanvico cho biết: “Đi nhập về bán thì mất đi cơ hội giải quyết việc làm cho người lao động, hơn nữa mất ngoại tệ để nhập về và không chủ động khi có những tình huống phát sinh. Như vậy sẽ không bền vững”.
Các chuyên gia cũng khẳng định đây là quy trình ngược không phù hợp quy luật kinh tế. Theo nguyên lý, cơ sở sản xuất càng gần thị trường thì sẽ giảm được chi phí vận tải, thuận tiện phân phối, chủ động về giá sản phẩm và không được hưởng những ưu đãi về thuế khi sản xuất trong nước.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh phân tích: “Đầu tư ngược ra nước ngoài không như mong muốn của chúng ta tức là đưa công nghệ tiên tiến vào Việt Nam. Trong bối cảnh chúng ta thiếu việc làm, việc này cũng làm giảm cơ hội việc làm trong nước. Thiệt hại là thay vì đóng góp cho sản xuất trong nước thì đóng góp cho nước ngoài”.
Cũng theo các chuyên gia, hình thức này tiềm ẩn nhiều rủi ro, nếu có thêm những phát sinh về giá nguyên vật liệu, chi phí nhân công thì doanh nghiệp ở Việt Nam sẽ không được hưởng lợi, thậm chí làm chi phí giá thành cao hơn và người tiêu dùng lại phải mua hàng với giá đắt.