Năm 2020, dệt may là một trong số những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 khi số lượng đơn hàng tính theo từng tháng, lượng huỷ đơn, chậm thanh toán kéo dài. Trước tình hình dịch với làn sóng thứ 3 trên thế giới, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã chủ động tìm thị trường ngách, linh hoạt các sản phẩm để đảm bảo lượng đơn hàng xuất khẩu năm nay.
Cùng kỳ năm trước, đúng thời điểm bùng phát dịch COVID-19, doanh nghiệp dệt may loay hoay vừa tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu, vừa xoay nguồn nguyên liệu do đứt gãy chuỗi cung ứng. Thế nhưng năm nay, tình thế khả quan hơn.
"Năm ngoái tầm này chúng tôi phải sản xuất khẩu trang và đồ bảo hộ thế nhưng năm nay chúng tôi đã quay trở lại sản xuất các mặt hàng thông thường và có đủ lượng đơn hàng đến tháng 7", ông Phan Minh Chính, Chủ tịch CTCP Thời trang Thể thao chuyên nghiệp ProSport chia sẻ.
Ông Chính cũng cho biết thêm các sản phẩm cũng có sự chuyển dịch sang các mặt hàng mỏng nhẹ, năng động dễ dàng di chuyển. Các mặt hàng như sơ mi, veston truyền thống thì hiện nay vẫn chững.
Các doanh nghiệp dệt may khác, sau khi đã chủ động được nguồn cung, họ cũng tận dụng đa kênh bán hàng, xúc tiến tìm đầu ra từ online như qua các trang Amazon đến offline là các hội nghị xúc tiến.
"Hiện tại chúng tôi đã có đơn hàng đến tháng 5/2021 đang trong quá trình hoàn thiện để xuất khẩu. Bên cạnh thị trường truyền thống của chúng tôi là Mỹ và châu Âu, chúng tôi mở rộng thị trường ngay trong khu vực châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản. Giá các sản phẩm phải điều chỉnh giảm 15 - 20% mới có thể cạnh tranh được," bà Dương Thu Trang, CEO Công ty TNHH Tranda nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, ngành dệt may là một trong số các ngành sẽ hồi phục nhanh chóng vì các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã chủ động được nguyên liệu và cũng đa dạng chuyển dịch cơ cấu sản phẩm.
"Xuất khẩu dệt may 2021 dự báo đạt 38 tỷ, tăng 8% dựa vào một số lý do các thị trường chính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản có vaccine COVID-19. Như Mỹ các tổ chức dự báo các sản phẩm may mặc tăng 20%. Năm 2021 là năm bớt khó khăn, chứ chưa thể phục hồi mức tăng trưởng 2019, năm 2022-2023 mới có thể tăng trưởng về mốc 2019", ông Nguyễn Thanh Tuấn, Trưởng phòng Thuộc khối Phân tích, Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT cho biết
Hai tháng đầu năm 2021, theo Tổng cục Thống kê, dệt may xuất khẩu vẫn đạt 4,76 tỷ USD, tương đương cùng kỳ năm trước. Đến thời điểm hiện tại, theo Hiệp hội dệt may TP Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp ghi nhận đơn hàng tích cực, lượng đơn hàng đã đến tháng 6, có doanh nghiệp có đủ đơn hàng cho cả năm.
Tuy nhiên 6 tháng cuối năm nay, các doanh nghiệp dệt may cần chủ động tìm kiếm đơn hàng và tận dụng lợi thế để có được những khách hàng bền vững trong bối cảnh các quốc gia vốn cạnh tranh về dệt may với Việt Nam như Myanmar, Indonesia, Malaysia phục hồi sản xuất.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!